(LĐ online) - Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 Giáp Thìn, Thư viện Lâm Đồng đã tổ chức trưng bày sách về thời đại Hùng Vương và cội nguồn dân tộc.
Nhiều trang sách quý đã nhuốm màu thời gian |
Trưng bày giới thiệu với độc giả 50 bản sách và tư liệu lịch sử quý về các vua Hùng dựng nước, thời đại Hùng Vương. Có thể kể: Quốc Tổ Hùng Vương – Cội nguồn dân tộc Việt Nam (Vũ Thiên Bình), Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước (Lê Văn Hảo), Hùng Vương dựng nước (4 tập), Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng, Nhìn về thời đại Hùng Vương (Phan Duy Kha), Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương và hát Xoan ở Phú Thọ (Nguyễn Đắc Thủy), Phác họa lịch sử từ Hùng Vương đến Thục Phán An Dương Vương (Phạm Đức Quý), Những con người huyền thoại thời Hùng Vương (Quốc Hùng), Tìm hiểu văn hóa thời đại Hùng Vương (Lê Thái Dũng), Truyện kể lịch sử Việt Nam thời Hùng Vương (Phạm Minh Thảo), Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại (Nguyễn Vũ Tuấn Anh), Thời Hùng Vương và bí ẩn Lục Thập Hoa Giáp (Nguyễn Vũ Tuấn Anh), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam (Tạ Ngọc Tân), Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương (Trịnh Sinh)…
Trưng bày giới thiệu nhiều sách quý về các vua Hùng, thời đại Hùng Vương và cội nguồn dân tộc |
Trong tâm thức của mỗi người Việt, Vua Hùng luôn gắn chặt với hồn thiêng sông núi không chỉ bởi ánh hào quang của lịch sử, mà đó còn là hình ảnh của những vị vua mở nước, gắn kết lòng người bằng huyết tộc, bằng nghĩa đồng bào. Trưng bày sách đã đưa đến cho người đọc hiểu rõ về lịch sử từ hơn 4000 năm, đã quá xa mờ tưởng chừng chỉ là truyền thuyết.
Đặc biệt bộ sách 4 tập “Hùng Vương dựng nước” được xuất bản từ năm 1970 là bộ sách quý chứa hàm lượng khoa học lịch sử, độ chính xác cao, là bức tranh đầy đủ, toàn diện, sống động về thời đại Hùng Vương và công đức của các vua Hùng trong thời sơ khai lập quốc.
Trưng bày sách thu hút bạn đọc |
Những trang sách cũng cho người đọc khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là yếu tố tâm linh của người Việt có từ xa xưa, tồn tại qua hàng nghìn năm, thể hiện triết lý “con người có tổ có tông”, là sự phát triển cao hơn một bậc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Thờ Quốc Tổ ngoài việc thể hiện tình đoàn kết, sự gắn kết cộng đồng, còn mang tính độc đáo mà không phải dân tộc nào cũng có. Cách đây 10 năm, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đặc biệt là Giỗ Tổ Hùng Vương được xem là ngày hội hướng về nguồn cội của người dân Việt Nam trong tâm thức chung một nguồn cội. Thờ cúng các Vua Hùng thắp hương cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, tưởng nhớ công đức các vua Hùng đã dựng nước và giữ nước, mở mang bờ cõi làm rạng rỡ nòi giống Lạc Hồng.
Qua những trang sách, bạn đọc càng hiểu rõ hơn về nguồn cội dân tộc, công lao to lớn của các vua Hùng, hiểu rõ hơn tầm vóc dân tộc ở thời đại Hùng Vương. Từ đó thêm tin yêu, tự hào về Tổ quốc, sức mạnh đoàn kết dân tộc hun đúc từ cội nguồn, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin