Bảo lưu văn hóa theo dòng chảy thời gian

TỨ ĐỨC 06:31, 21/05/2024

Bảo Lâm là huyện có 30 dân tộc thiểu số anh em (chiếm khoảng 32,3% dân số toàn huyện) sinh sống thuận hòa ở 14 xã, thị trấn. Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng người dân ra sức bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Chính những yếu tố này đã làm nên một huyện Bảo Lâm ngày càng khởi sắc, đậm đà bản sắc dân tộc theo dòng chảy của thời gian.

Phụ nữ đồng bào DTTS dệt vải dưới mái nhà dài truyền thống
Phụ nữ đồng bào DTTS dệt vải dưới mái nhà dài truyền thống

Ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, chính quyền địa phương và bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã chung tay phục dựng nhà dài theo triền ký ức. Đây là cách làm hay để lưu giữ truyền thống, chung tay xây dựng, bảo tồn văn hóa của người Mạ, K'Ho bản địa. Bằng sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân, ngôi nhà dài được dựng ở nơi cao ráo, quang đãng; thể hiện nét tinh hoa, độc đáo trong kiến trúc núi rừng. Cách làm của xã Lộc Tân trong việc phục dựng nhà dài là dựa vào sự đóng góp công sức, vật liệu của đồng bào. Mỗi người mỗi việc, người đục, người đẽo, người đan phên vách, người buộc lạt mây, người lợp mái... đã tạo nên một cộng đồng đoàn kết để bảo tồn truyền thống.

Lộc Tân hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của đồng bào bản địa, từ cồng chiêng, thổ cẩm và đến nay là phục dựng nhà dài truyền thống. Tại các nhà dài truyền thống này, trong các dịp lễ hội, bà con quây quần bên bếp lửa, kể cho nhau nghe về những ngày lên nương, lên rẫy, những câu chuyện quá khứ đã trở thành huyền thoại. Xuyên suốt hành trình tìm hiểu những giá trị truyền thống của đồng bào DTTS ở xã Lộc Tân, điều ấn tượng chính là thổ cẩm truyền thống lại được sống trong những đám cưới hiện đại.

Song hành cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dựng xây thôn xóm, bà con người Tày ở xã Lộc Ngãi còn cố công lưu giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Hát then, đàn tính là loại hình dân ca đặc sắc của người Tày ở Cao Bằng. Đây cũng là một hình thức sinh hoạt có vị thế quan trọng trong tín ngưỡng người Tày. Nay, trên cao nguyên vời vợi, lại được nghe các chị, các mẹ, các em gái người Tày đàn tính, hát then trong những dịp lễ, hội. Thông thường trong năm, người Tày có 2 ngày Tết lớn đó là rằm tháng 7 và Tết Cổ truyền.

Hát then là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát... Đàn tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp. Đàn được làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng gỗ cây khảo quang hoặc cây dâu tằm. Tiếng hát then và đàn tính hòa quyện, phản ánh tâm tư, tình cảm của người chơi và người nghe, tạo nên cảm giác bâng khuâng lưu luyến.

Xã B’Lá hiện có 5 thôn với trên 75% dân số là đồng bào người Mạ, Tày, Nùng. Nhìn chung, đời sống của vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc; văn hóa, giáo dục, y tế được cải thiện; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; các dân tộc anh em chung sống thuận hòa và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, UBND xã B’ Lá đang tiến hành các hoạt động để thời gian tới sẽ tổ chức Lễ hội Lồng tồng...

Lễ hội Lồng tồng, là một lễ hội của dân tộc Tày, được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, cơm áo đầy đủ. Nơi tổ chức diễn ra tại những ruộng tốt nhất, to nhất. Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Vào ngày lễ xuống đồng, ngoài đồng ruộng của bản làng, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng. Mang hàm ý thể hiện sự khéo léo, cẩn thận của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, chè lam, bánh bỏng... Trên mỗi mâm đều có một đĩa xôi ngũ sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ. Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cứ thế được thực hiện. 

Mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa riêng, những hợp âm đa sắc màu tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc trong văn hóa các dân tộc trên dải đất hình chữ S. Đặc biệt là sự hòa quyện, gặp gỡ các sắc màu văn hóa của các cộng đồng dân tộc tại huyện Bảo Lâm vừa thể hiện nét riêng bản sắc văn hóa từng dân tộc vừa khẳng định sự phong phú, đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.