Chỉnh chiêng - một kỹ thuật cần được bảo tồn và phát huy

LAM PHƯƠNG 05:39, 14/05/2024

Từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Nam Tây Nguyên. 

Nghệ nhân Dương Nhật (Quảng Nam) người chuyên sản xuất nhạc cụ cồng chiêng,
am hiểu về âm luật cồng chiêng, truyền dạy các kỹ năng, kỹ thuật,
nghệ thuật chỉnh chiêng cho học viên
Nghệ nhân Dương Nhật (Quảng Nam) người chuyên sản xuất nhạc cụ cồng chiêng, am hiểu về âm luật cồng chiêng, truyền dạy các kỹ năng, kỹ thuật, nghệ thuật chỉnh chiêng cho học viên

Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng luôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc phục dựng làng truyền thống của các dân tộc, tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống (mang lúa về kho, cầu mưa…)…, tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho các nghệ nhân trong việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là con em đồng bào các dân tộc bản địa thì nay Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đặc biệt chú trọng đến truyền dạy kỹ thuật chỉnh chiêng. Không những giúp đồng bào ý thức giữ gìn, bảo tồn mà còn góp phần quan trọng tạo nên các bài chiêng mang nhiều âm hưởng độc đáo của đồng bào các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên. 

Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là “Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2005. Đây là niềm tự hào của cồng chiêng Tây Nguyên, chính vì vậy việc bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị cồng chiêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng cao nói chung và Tây Nguyên nói riêng, cồng chiêng là biểu tượng về sức sống mãnh liệt, mang hơi thở của núi rừng… Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, thực trạng cồng chiêng bị mất thang âm, mất tiếng hay tắt tiếng thường khá phổ biến bởi nhiều nguyên nhân. Theo thời gian, nhất là trong xu thế hội nhập, dưới sự tác động, ảnh hưởng của đời sống, văn hóa nghệ thuật mới, có những giai đoạn bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bị “lãng quên” không duy trì nếp sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, không quan tâm đến việc bảo quản và bị tác động bởi yếu tố khách quan..., nên thang âm cồng chiêng cũng dần bị mai một và có nguy cơ biến mất khỏi đời sống cộng đồng, bởi trong buôn làng không còn có ai biết kỹ thuật chỉnh chiêng. Mặt khác, thực trạng thiếu hụt số lượng nghệ nhân có kỹ năng chỉnh chiêng, đặc biệt những người trẻ tuổi là những thách thức cần khắc phục. Ngoài việc có những chiếc chiêng tốt, kỹ thuật đánh điêu luyện thì việc tạo ra một bài chiêng hay cần đến việc chỉnh chiêng để đưa về đúng âm sắc của nó là rất cần thiết.

Ông Dương Ngọc Tiễn - nghệ nhân chỉnh chiêng tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Trong 2 loại hình cồng chiêng gõ và đánh thì kỹ thuật chỉnh âm loại chiêng đánh phức tạp hơn nhiều. Mỗi chiếc chiêng có sự sai lệch về thanh âm khác nhau. Muốn chỉnh chiêng chuẩn thì học viên phải biết đánh và nhận diện thanh âm của từng chiếc chiêng. Bởi mỗi chiếc chiêng có hệ cao độ trầm bổng khác nhau...”. 

Trong thời gian học chỉnh chiêng, các học viên đã được các nghệ nhân tận tình truyền đạt, chỉ dẫn từ các bước cơ bản đến nâng cao như chuẩn bị các dụng cụ để chỉnh chiêng, cảm nhận âm sắc của từng chiếc chiêng để đưa nó về đúng thanh âm vốn có, kỹ thuật đánh giá hiện trạng chiêng, cách phối kết hợp chiêng với nhau để thành bộ hoàn chỉnh... Theo các học viên tham gia lớp tập huấn, đây là khóa học bổ ích để trong thời gian tới, các học viên về giúp bà con ở địa phương mình chỉnh lại những chiếc chiêng đã bị mất tiếng, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nhạc cụ cồng chiêng. “Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, chúng tôi đã nắm bắt và thực hành được những kỹ thuật cơ bản về căn chỉnh hệ cao độ cồng chiêng cũng như phương pháp nhận diện các loại thang âm khác nhau, trên cơ sở đó để thực hành chỉnh âm trên chính bộ chiêng của mình...” - ông K’Tình ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh nói.

Trong thời gian qua, ngoài lớp tập huấn kỹ thuật chỉnh chiêng được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại huyện Di Linh thì bằng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng trên 600 bộ trang phục truyền thống, 50 bộ cồng chiêng cho các thôn, xã và cùng hơn 2.100 học viên đã được học cách đánh cồng chiêng qua 70 khóa học truyền dạy cồng chiêng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Trần Thanh Hoài cho biết: Mục tiêu của khóa học là truyền dạy và chuyển giao những kỹ thuật quý giá chỉnh chiêng cho các nghệ nhân cũng như thế hệ trẻ tiếp nối. Bởi đồng bào Mạ, K’Ho, Churu... ở Lâm Đồng không chỉ là những người tạo nên Di sản Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mà họ còn là những người tiếp nối rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng đến các thế hệ sau.