Đem ''Mây miền'' từ cao nguyên Mộc Châu đến cao nguyên Lâm Viên

QUỲNH UYỂN 06:20, 09/05/2024

Trong những ngày này, tại Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Dalat Resort & Spa (số 2 đường Lê Lai, Phường 5, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), triển lãm mỹ thuật "Mây miền" của họa sĩ Trần Nhật Thăng gây ấn tượng với công chúng yêu hội họa với 28 tác phẩm tranh trừu tượng, chất liệu Arcylic vẽ trên toan được đặt tên từ Mây miền 1 đến Mây miền 27 vừa sáng tác tại Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La). 

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - 
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao giá trị nghệ thuật của triển lãm
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao giá trị nghệ thuật của triển lãm

Họa sĩ Trần Nhật Thăng sinh năm 1972 tại Hà Nội, anh đam mê tranh trừu tượng ngay từ khi bước chân vào trường nghệ thuật. Anh theo đuổi vài lối vẽ trừu tượng khác nhau, rồi nhanh chóng tìm ra một lối đi cho riêng mình, để đến hôm nay, tranh của Trần Nhật Thăng mang một phong cách trừu tượng đơn giản, đơn sắc, ưa những mảng phẳng, có nét của bút pháp thủy mặc, ẩn chứa chất thiền. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 16 của họa sĩ Trần Nhật Thăng, nhưng là lần đầu tiên anh đưa các tác phẩm đến với Đà Lạt.

Ngắm nhìn những tác phẩm Mây miền, người xem có cảm giác bồng bềnh trong muôn chiều gió của miền cao nguyên. Tự do và khoáng đạt. Vừa ngắm tranh, vừa nghe những giai điệu dìu dặt, du dương của những bản nhạc lấy cảm hứng từ chính địa điểm sáng tác của các tác phẩm trong triển lãm "Mây miền" do các nghệ sĩ Piano, Saxophone trình diễn tạo nên không gian nghệ thuật mộng mơ, giao cảm. Sự kết hợp đa chiều của âm nhạc và hội hoạ đã mang đến cho người thưởng lãm sự trải nghiệm đầy cảm xúc sáng tạo.

Triển lãm thu hút công chúng yêu mỹ thuật
Triển lãm thu hút công chúng yêu mỹ thuật

Trần Nhật Thăng là một trong những họa sĩ tiên phong của hội họa hậu đổi mới ở Việt Nam cuối thập kỷ 90. Với bút pháp vừa ngẫu hứng mà tinh tế, các sáng tác của Trần Nhật Thăng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối vẽ tranh thuỷ mặc và thư pháp truyền thống phương Đông với phong cách trừu tượng tối giản của hội hoạ hiện đại. Anh quan niệm: Chỉ vẽ cảm giác của mình, lòng mình, tâm mình, nhìn vào trong mình để vẽ.

 “Có lần tôi đột nhiên thấy mây ùa vào nhà và trong phút chốc mọi thứ từ có thành không, từ chật hẹp thành mênh mông, ý tưởng cho Mây miền cũng nảy sinh từ đó. Cái tên không chỉ mang tầng ý nghĩa diễn tiến hành động của mây mà là một nội hàm mây, một thế giới mây”, anh lý giải cho chủ đề triển lãm. Với anh, điều khó khăn nhất của người nghệ sĩ là tìm kiếm ý tưởng sáng tạo: “Làm thế nào để có một ý tưởng, một khái niệm và làm thế nào diễn giải chúng lên toan, biến chúng từ sống ý thức thành những vệt màu loằng ngoằng trong mắt của mình. Thế nên, để có "Mây miền" vẽ trong vòng 1 tháng, nhưng tôi đã mất 30 năm".

Họa sĩ Trần Nhật Thăng trình diễn vẽ tranh trừu tượng trong không gian nghệ thuật với biệt thự cổ, rừng thông
Họa sĩ Trần Nhật Thăng trình diễn vẽ tranh trừu tượng trong không gian nghệ thuật với biệt thự cổ, rừng thông

Tranh trừu tượng không còn xa lạ với những người yêu hội họa. Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng giải thích: Không như lối vẽ có hình, cho người xem thấy ngay được những liên quan về cuộc đời và nghệ thuật, hội họa trừu tượng có lẽ là một thứ viễn vọng, mơ hồ, mà lại xuất phát từ những trần trụi trực tiếp. Họa sĩ Trần Nhật Thăng dường như đang thanh lọc thân tâm mình, như tự bóc vỏ để đi vào cốt lõi bên trong. Tổng thể bức họa rất có phương án, tính cấu trúc rõ ràng, dù đơn giản, bề mặt đôi khi có cảm giác chưa vẽ gì, hoặc vẽ rất ít. Anh can thiệp rất ít vào cách thức sáng tác của mình, không chú trọng đến bề mặt lầy lội nhiều biểu hiện, mà tìm lối vẽ đơn sắc thuần túy hoăc điểm màu. Những năm gần đây, anh vẽ nhiều khoảng trống, mảng phẳng và lối thiền họa gợi tâm ý. 

Phát biểu tại khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã nói: “Với Trần Nhật Thăng, lộ trình sáng tạo của anh đã xuyên qua vài thập niên rồi. Và mỗi thời kỳ sáng tác cũng khác nhau, có lúc dữ dội, có lúc tinh tế, mà bản thân Trần Nhật Thăng dám cất giọng trong nghệ thuật. Đây là điều thật sự quý trong đời sống của mỹ thuật đương đại Việt Nam thời kỳ thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ XX. Sự lựa chọn của cá nhân nghệ sĩ là sự quyết định cho số phận nghệ thuật của mình, đã làm họ phải sống, đã làm họ phải chấp nhận sự đối mặt, đối xử với những va đập của sáng tạo nghệ thuật đương đại. Nhưng nghệ thuật vẫn đi theo dòng chảy của nó, vẫn cứ mềm mại để mà đi được đến cùng, cất lên tiếng vang của mình với đồng nghiệp và với công chúng yêu nghệ thuật.

Sự lựa chọn của Trần Nhật Thăng cho đến thời điểm này khi đã là triển lãm lần thứ 16 rồi - Mây miền. Cái miền xanh thẳm ấy nghệ thuật của anh cũng chưa bao giờ ngừng. Có điều, mỗi một thời kỳ, mỗi một giai đoạn sáng tạo, khi anh cất giọng thì nó chẳng giống với thời kỳ trước. Tôi nhớ thời kỳ đen - trắng của anh là thời kỳ sáng tác hết sức thành công, nhưng lần này thì thấy nhẹ nhõm hơn, để nói một câu chuyện khác. Sự lựa chọn này như một sự mách bảo vô thức, có thể biết trước, khó có thể chuẩn bị cho mình; chỉ có điều, sự bảo trọng tâm hồn mình trước bất kỳ khó khăn nào, trước bất kỳ sự va đập nào, trước bất kỳ điều gì làm tổn thương tâm hồn nghệ sĩ. Trần Nhật Thăng đã có sự lựa chọn đẹp đẽ nhất, để hôm nay chúng ta được thưởng lãm những tác phẩm đẹp đẽ trong triển lãm này".

Triển lãm như một luồng gió mới mang mây miền phương Bắc đến với Đà Lạt. Thả sức tưởng tượng cùng các tác phẩm tranh trừu tượng vẽ mây của họa sĩ Trần Nhật Thăng để cảm nhận mây ở mọi miền đất nước ta đều đẹp vô cùng. Triển lãm diễn ra từ nay đến ngày 30/5/2024.