Nhiều thành quả sáng tạo văn học - nghệ thuật từ trại viết "Bài ca thống nhất non sông"

QUỲNH UYỂN 04:46, 30/05/2024

Sau 10 ngày hội tụ về Đà Lạt (20 - 29/5) dự trại sáng tác văn học - nghệ thuật (VHNT) mang chủ đề “Bài ca thống nhất non sông”, 15 văn nghệ sĩ là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ 5 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng đã sáng tạo nên 72 tác phẩm thơ ca, nhạc, họa, ảnh.

Nhạc sĩ Thu Hường (Lâm Đồng) trình bày táac phẩm vừa sáng tác
Nhạc sĩ Thu Hường (Lâm Đồng) trình bày táac phẩm vừa sáng tác

Tổ chức trại viết, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã thiết thực, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh thâm nhập thực tế, giao lưu học hỏi lẫn nhau, tìm tòi ý tưởng, đề tài, nội dung chuyên ngành và cho ra đời những tác phẩm mới có ý nghĩa đối với đất nước và quê hương Lâm Đồng - Đà Lạt.

Với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, sự nỗ lực hết mình, 30 tác phẩm ảnh, 10 tác phẩm âm nhạc, 2 tác phẩm hội họa, 30 tác phẩm thơ - văn đã ra đời. Để có thành quả đó, trại viết đã tiếp "lửa" niềm đam mê sáng tạo cho các văn nghệ sĩ tạo nên hình ảnh sống động, những bài thơ, những bức tranh hội hoạ, những ca khúc mang âm hưởng cao nguyên với sức sống mãnh liệt, và cả những bài thơ, truyện ngắn mang tính đăc trưng của chủ đề “Bài ca thống nhất non sông” sau 50 năm đất nước thống nhất, của Đà Lạt thơ mộng.

Các văn nghệ sĩ đã được đi thâm nhập thực tế nhiều nơi ở Đà Lạt, Bảo Lộc như Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, núi Lang Biang, thác Đạm Bri và nhiều danh lam thắng cảnh. Đáng quý nhất là sự đồng hành hỗ trợ vật chất, tinh thần của doanh nghiệp Bảo Uyên Farm (xã Đạm Ri, Bảo Lộc) với trang trại nấm linh đỏ kết hợp du lịch sinh thái đã tiếp thêm động lực, động viên khích lệ các văn nghệ sĩ có thêm nguồn cảm hứng sáng tạo tươi mới.

 Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tác nên nhiều tác phẩm như: NSNA Bạch Ngọc Anh 10 tác phẩm, NSNA Trần Phú Cường 8 tác phẩm, nhà văn Lê Hữu Tài 1 trường ca tập hợp 9 đoạn khúc thơ, nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh 11 bài thơ, nhà thơ Trần Kim Lâm 8 bài thơ, nhà thơ Nguyễn Hữu Quốc 7 bài thơ, nhà văn Phạm Thị Hai 3 truyện ngắn, nhạc sĩ Nguyễn Hương Thành 3 ca khúc, nhạc sĩ Cao Nam Cương 2 ca khúc, nhạc sĩ Trần Thị Hường 2 ca khúc, nhạc sĩ Phạm Thanh Phong 2 ca khúc, hoạ sĩ Lê Văn Hùng 2 tác phẩm tranh…

Nhiều tác phẩm về Đà Lạt, Lâm Đồng là nhịp sống, hình ảnh sắc nét phản ánh mảnh đất, văn hóa, con người nơi đây. Có thể kể: Gùi hoa đến lớp, Đà Lạt khúc hoài niệm (Nguyễn Hương Thành), Lung linh Đà Lạt ngàn hoa (Nam Cương), Tâm tình gửi Đà Lạt, Đà Lạt anh và em (Kim Lâm), Bàn tay đơm triệu đóa hồng (Nguyễn Hữu Vu Gia), Trường ca cho một quê hương 120 năm trước (Lê Vĩnh Tài)… Bên cạnh đó là những tác phẩm với xúc cảm rộng lớn về đất nước, Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc sau nửa thế kỷ non sông liền một dải.

Phát biểu tại lễ bế mạc, bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh: Dù trong thời gian rất ngắn, nhưng các văn nghệ sĩ đến từ các tỉnh, thành đã sáng tác được nhiều tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống, con người, phản ánh những tiềm năng, thế mạnh, bước đột phá; đồng thời, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, thành tựu nổi bật của địa phương Lâm Đồng và cả nước. Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, Lâm Đồng là nơi hội tụ 47 dân tộc anh em mang đến sắc màu văn hóa phong phú, đa dạng. Tất cả điều đó mong rằng sẽ trở thành nguồn cảm hứng bất tận để các văn nghệ sĩ cho ra đời nhiều tác phẩm hay, có giá trị góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Mong rằng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho VHNT Lâm Đồng và văn nghệ sĩ cả nước, có nhiều hơn nữa các hoạt động sáng tác được tổ chức tại Lâm Đồng để anh em văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm hay, đẹp, mang hình ảnh quê hương Lâm Đồng - Đà Lạt đến với đồng bào Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã đánh giá cao tinh thần lao động nghệ thuật của các văn nghệ sĩ và kết quả đạt được của trại viết. Ông khẳng định: Trại viết là dịp để văn nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, góp ý cho nhau để bật ra nhiều ý tưởng, khơi dậy nguồn cảm xúc. Bế mạc trại viết không phải là kết thúc, mà mới chỉ là bắt đầu. Rời Đà Lạt, trở về nhà, các văn nghệ sĩ tiếp tục hoàn thiện tác phẩm, nuôi dưỡng cảm xúc, nung nấu ý tưởng để cho ra đời những tác phẩm hay hơn. “Bài ca thống nhất non sông” là một chủ đề rất lớn và không phải bỗng chốc ta có tác phẩm lớn, mà phải đau đáu, phải đúc rút bao kinh nghiệm sống, phải trải qua bao thăng trầm để cho ra đời tác phẩm. 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các văn nghệ sĩ cần có những tác phẩm lớn hơn, không phụ sự kỳ vọng của Nhân dân. Tôi mong, khi kết thúc trại viết, mỗi văn nghệ sĩ nuôi tiếp cảm xúc, nuôi tiếp ý tưởng để chúng ta tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm mang nguồn cảm hứng “Bài ca thống nhất non sông”, gắn với bản sắc quê hương mình.