Hội thi hát dân ca và trình diễn trang phục dân tộc

QUỲNH UYỂN 08:59, 26/06/2024

(LĐ online) - Là hoạt động chính của Liên hoan Gia đình văn hóa tiêu biểu các dân tộc tỉnh Lâm Đồng lần thứ III, tối 25/6, hội thi hát dân ca và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc đã diễn ra tại Nhà văn hóa Đạ Tẻh với đa sắc màu văn hóa.

Gia đình ông Rơ Ông Ha Bang (Thôn 1, Xã Đưng K’ Nớ, Lạc Dương) hát dân ca và diễn tấu cồng chiêng

12 các gia đình mang đến hội thi 12 tiết mục dân ca, dân nhạc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được dàn dựng công phu, biểu diễn hát múa phụ họa đầy cảm xúc.  

Hát giao duyên dân tộc K'Ho
Hát giao duyên dân tộc Churu

Hai phần thi hát dân ca và trình diễn trang phục được các gia đình khéo léo lồng ghép với nhau tạo nên 12 tiết mục dân ca mượt mà sâu lắng từ 3 miền đất nước, từ các dân tộc anh em Mạ, K’Ho, Churu, Thái, H’Mông. Các tiết mục biểu diễn phong phú đa dạng về thể loại, nội dung, hình thức biểu diễn. Đó là những lời ru, những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ thiết tha ngợi ca quê hương đất nước, không khí hăng say lao động, mô phỏng đời sống tinh thần, ngợi ca công ơn dưỡng dục sinh thành, tình yêu đôi lứa, ngợi ca tình cảm gia đình.

 
Hát ru

Mỗi tiết mục được chuẩn bị, dàn dựng công phu, trình diễn thể hiện sự say mê của các thành viên trong gia đình. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ ông bà, con, cháu cùng lên sân khấu, hát chung một bài hát ngợi ca tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước; cùng phô diễn vẻ đẹp của trang phục truyền thống dân tộc mình trong từng bước đi, điệu múa.

Hát dân ca và trình diễn trang phục truyền thống Mạ của gia đình ông K’Lú (thôn 6, xã Mađaguôi, Đạ Huoai)

Qua đó, đồng thời hơn 100 bộ trang phục của các dân tộc đã được các “người mẫu” đủ mọi lứa tuổi, giới tính trong 12 gia đình phô diễn vẻ đẹp bằng cả niềm tự hào. Với mỗi dân tộc, trang phục đều mang màu sắc riêng biệt trên nền thổ cẩm được phối màu công phu, tạo hình hoa văn muôn điệu độc đáo, cách phục trang, kiểu cách phù hợp với điều kiện sinh hoạt, họa tiết hoa văn thể hiện nhân sinh quan về thế giới, về thẩm mỹ trình độ sáng tạo của người Mạ, K’Ho, Churu.

Trang phục của người Thái cùng khăn piêu của gia đình ông Nguyễn Vũ Thân (thôn Tân Đức, xã Tân Văn, Lâm Hà)

Trang phục hàng ngày, trang phục trong lao động sản xuất, lễ hội được đi kèm cùng những vũ điệu xoang, vũ điệu Arya, diễn xướng cồng chiêng, những hoạt động săn bắn, hái lượm, lấy nước, tỉa hạt, cùng các dụng cụ lao động bổ trợ như gùi, rìu, ná, lao, nơm, đó, bầu, nhạc cụ cồng chiêng… được các gia đình trình diễn sống động.

Cùng nhau quây quần 
Trình diễn trang phục và mô phỏng đời sống lao động sản xuất sống động

Bên cạnh đó, trang phục truyền thống của các dân tộc Thái, H’Mông đến từ các gia đình ở Lâm Hà, Cát Tiên rực rỡ, công phu trong từng nét thêu thùa, may vá với khăn piêu, nón trùm long lánh ánh bạc của vòng, kiềng, xà tích;  vẻ đẹp thướt tha của trang phục áo dài, áo bà ba, áo tứ thân mang vẻ đẹp ba miền của gia đình đến từ Đạ Tẻh đã làm cho chương trình thêm rực rỡ sắc màu. 

Hình ảnh các thế hệ trong gia đình cùng quây quần ấm áp của gia đình bà Liêng Hót Thái Hòa (Tà Nung, Đà Lạt)

Qua đó thêm khẳng định văn hóa truyền thống dân tộc được bắt nguồn, nuôi dưỡng, bồi đắp trong mỗi tổ ấm gia đình; gia đình là cái nôi sáng tạo, bảo tồn, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc.

Trang phục đi hội của các thiếu nữ K'Ho
Trang phục truyền thống dân tộc H'Mông rực rỡ sắc màu của gia đình ông Dương Kim Chung (thôn Ninh Trung, xã Nam Ninh, Cát Tiên)