Nhà văn Hoài Hương: Tôi thích viết về đề tài gia đình, tình yêu thời chiến

KHÔI NGUYÊN THẢO 01:09, 27/06/2024

Hàng chục năm viết về chiến tranh, lực lượng vũ trang, nhà văn Hoài Hương vẫn giữ những say mê với mảng đề tài nhiều ý nghĩa này. Tác giả tập truyện ngắn “Trời xanh màu tình yêu”(NXB Quân đội Nhân dân, 2024) chia sẻ về đề tài mình yêu thích: viết về gia đình - tình yêu thời chiến, mảng đề tài chị được “truyền lửa” qua những câu chuyện ba kể và mong muốn viết ra để thế hệ trẻ không quên lãng.

 

Viết nhiều về đề tài gia đình, tình yêu thời chiến, có phải vì đề tài gia đình hiện đại kém hấp dẫn với nhà văn Hoài Hương?

Trong phần lớn những tác phẩm của tôi là đề tài gia đình - tình yêu thời chiến, không phải vì đề tài này trong thời hòa bình kém hấp dẫn. Có lẽ tôi sinh ra trong thời chiến, ba lại là bộ đội đi chiến đấu suốt từ thời kháng Pháp - Mỹ tới thời biên giới Tây Nam và phía Bắc, tình yêu của ba mẹ cũng từ kháng chiến chống Pháp mà trải dài theo các cuộc chiến mà ba tham gia, và mẹ tôi là một trong những hình ảnh “vọng phu” của những người vợ bộ đội thủy chung đợi chồng, nuôi dạy con khôn lớn. Từ hình ảnh của mẹ, của gia đình những bạn bè cùng con nhà bộ đội, được chứng kiến bao câu chuyện cảm động về tình yêu - gia đình, tất cả đã luôn lưu giữ trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, để rồi tôi đã “định dạng” cho mình, nhất định lưu tâm đề tài này, sẽ viết bằng trải nghiệm, bằng cảm nhận, bằng cả những ước muốn trang viết của mình sẽ lưu lại cho các bạn trẻ hôm nay biết được ngày trước thế hệ ông bà đã yêu và sống như thế nào để trọn việc nước, giỏi việc nhà…

Đề tài gia đình hôm nay cũng là một đề tài rất hấp dẫn vì có rất nhiều vần đề nảy sinh, từ việc nhiều thế hệ trong gia đình, đến những tác động xã hội - công nghệ - toàn cầu hóa - thị trường hóa... ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân. Ngày xưa, thời chiến, nhu cầu vật chất, tinh thần không nhiều, vì tất cả lo dồn vào chiến tranh, tất cả đều sẵn lòng hy sinh những riêng tư cá nhân để cùng chung mục đích đến chiến thắng sau cùng. Nhưng hôm nay, nhu cầu mọi mặt đều không giới hạn, nảy sinh ra rất nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, đa sắc, đa chiều, đa phong cách..., và không chỉ là nghĩa vụ - trách nhiệm - cống hiến, mà còn là hưởng thụ - thưởng thức - là những cuộc đối thoại giữa các thế hệ, giữa những mâu thuẫn trong việc tiếp cận các vấn đề trong cuộc sống, quan điểm sống, quan điểm hạnh phúc... 

Thật sự đề tài tình yêu - gia đình ngày hôm nay hấp dẫn vô cùng, rất nhiếu “đất” để nhà văn “dụng võ”, nhưng có lẽ tôi vẫn thích đề tài tình yêu - gia đình thời chiến. 

Tình cảm gia đình thời chiến và nay có gì khác và giống nhau?

Tình cảm gia đình thời chiến và thời này có nhiều điểm giống nhau và khác nhau. Tình cảm gia đình thì thời nào cũng cần sự thủy chung, cũng cần những chân tình, yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông, gánh vác trách nhiệm gia đình, trách nhiệm công dân... Nhưng thời chiến, thì không thể chỉ nghĩ một cách ích kỷ đến tình yêu - hạnh phúc của riêng mình, gia đình mình, mà còn là nghĩa vụ - trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc cho mọi ngôi nhà trên khắp đất nước. Thời chiến, có thể nghĩ tình cảm gia đình không còn là riêng tư từng gia đình nhỏ lẻ, mà lớn hơn, là một khối gắn kết, cùng yêu thương, cùng kiên cường vượt qua mọi thử thách. 

Tình cảm gia đình của ngày hôm nay có những khác biệt thời chiến, khi có những giá trị mới được đề cao, ví dụ những phạm trù “riêng tư”, “cá nhân”, “độc lập”... Những giá trị truyền thống đôi khi lúc này lúc khác bị phai nhạt, ví dụ, có một bữa cơm gia đình đầy đủ mọi người trong nhà thường rất hiếm, hay thời công nghệ 4.0, việc cùng ngồi trò chuyện gia đình cũng trở nên xa xỉ. Gia đình của thời nay, luôn có cảm giác mong manh, lỏng lẻo...

Nhà văn Hoài Hương tên thật Đặng Diệu Hà, hiện là Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm đã in: Trời xanh màu tình yêu (tập truyện ngắn, NXB Quân Đội Nhân dân), Ngọc Sương - Giọt sương mai long lanh (Truyện vừa - NXB Đà Nẵng), Những khoảnh khắc sinh tử (Tập truyện ngắn - NXB Quân đội Nhân dân), Sài Gòn! Em thương Anh (Tập tản văn- NXB Đồng Nai), Phù sa châu thổ (Tập truyện ngắn - NXB Tổng hợp), Hà Nội hoa tình (Tản văn- NXB Hội Nhà văn), Tham - Sân - Si (Tập truyện ngắn - NXB Hội Nhà văn), Lãng du tình (Tản văn & Tùy bút - NXB Hội Nhà văn), Trong tim tôi có một vị tướng (Tập truyện ngắn - NXB Hội Nhà văn)... 

“Trời xanh màu tình yêu” (NXB Quân đội Nhân dân, 2024) - tập truyện ngắn mới của chị tiếp tục về tình yêu người lính. Vì sao mảng đề tài chiến tranh, lực lượng vũ trang lại có nhiều sức hút với chị?

Tôi có một tình yêu màu xanh áo lính rất khó giải thích, giống như một tình yêu có từ trong máu, trong tim mình. Trước hết, có lẽ vì xuất thân con nhà lính. Ba của tôi xuất thân từ một chiến sĩ Tiểu đoàn 5 đặc công Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp - tiền thân của lối đánh và binh chủng Đặc công của quân đội mình sau này, rồi ba là cán bộ Tổng cục Nghiên cứu Bộ Quốc phòng, từng là “Việt Cộng nằm vùng” thời kháng chiến chống Mỹ. Rồi bản thân tôi cũng có thời gian là quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam, em trai tôi cũng từng 4 năm trong quân đội. 

Chính vì luôn được nghe kể lại rất nhiều câu chuyện thời chiến tranh của ba và các đồng đội của ba, cũng như sau này, thời gian trong quân đội, tôi cũng được tiếp cận trực tiếp rất nhiều các chú, bác từng theo hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ và đang tiếp tục chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, làm nghĩa vụ quốc tế... Sau nữa, trong khi cộng tác với các cơ quan truyền thông, tôi lại viết về mảng đề tài lực lượng vũ trang rất nhiều, từ bút ký về các nhân vật tướng lĩnh đến những anh hùng lực lượng vũ trang...

Mỗi lần viết, tiếp cận các thông tin, lại phát hiện ra rất nhiều câu chuyện đằng sau các chiến dịch, chiến công, chiến thắng..., đầy cảm xúc. Và trong tôi luôn tham vọng, tại sao mình không viết lại những câu chuyện này, để cho các bạn trẻ hôm nay hiểu được “chiến tranh”, “hòa bình”, hiểu được những hy sinh thanh xuân của bao thế hệ ông cha để có một Việt Nam hôm nay mà các bạn trẻ ấy đang được hưởng...

Chị dành nhiều trang viết cho ba mình. Ông có sức ảnh hưởng như thế nào với cuộc sống và việc cầm bút của chị?

Nếu tính thời gian tôi ở bên ba có lẽ không nhiều, từ nhỏ đã xa, rồi lớn lên cũng xa, rồi ba lại mất sớm, nhưng với tôi, ba vừa là ba vừa là thầy vừa là bạn. Ba tôi là một người cầm - kỳ - thi - họa đều giỏi, trước lúc vào chiến trường, trong 4 năm, ba đã vừa làm việc, vừa học cùng lúc để tốt nghiệp hai Khoa Văn - Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chưa kể ba thông thạo ba ngoại ngữ. Ngay khi tôi còn nhỏ, ba tôi vào Nam chiến đấu, thì tủ sách ông để lại không chỉ là “gia tài” mà là một thế giới rộng mở ba dành cho tôi. Rồi khi lớn lên, những cuộc trò chuyện giữa hai cha con, ba đã dạy cho tôi rất nhiều bài học tri thức, bài học ứng xử, bài học giao tiếp...

Đặc biệt, ba hay kể về những người đồng đội của ba thời chiến tranh, những chiến công của họ, những hy sinh thanh xuân của họ góp vào hòa bình thống nhất đất nước... Và những câu chuyện đó đã luôn thôi thúc tôi viết về họ, viết để tri ân, để lan tỏa đến các bạn trẻ hiểu được có một thời như thế với những con người như thế, để cho có cuộc sống như hôm nay… Trong tôi, dù ba đã đi xa, đi rất lâu, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy có ba bên cạnh khích lệ, động viên và khuyến khích tôi cứ viết, viết đến khi còn có thể.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!