Nhà văn Lại Văn Long: Tôi rất vui với “gia tài” độc đáo

KHÔI NGUYÊN THẢO 06:20, 20/06/2024

Từ Kẻ sát nhân lương thiện (tác phẩm giải Nhất, Báo Văn nghệ) đến bộ tiểu thuyết trinh thám lập kỷ lục guiness Việt Nam về độ dài đạt giải thưởng Sáng tạo về văn học, nghệ thuật và mới đây nhất, tác phẩm Lật án tử hình của anh được biên kịch Châu Thổ chuyển thể thành bộ phim Nữ luật sư... Có thể thấy, nhà văn Lại Văn Long đã chọn cho mình con đường viết truyện trinh thám ngay từ đầu và gặt hái những thành công. Gần đây, tác giả đạt giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh vừa có tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim truyền hình Nữ luật sư được đông đảo công chúng quan tâm.

Nhà văn Lại Văn Long
Nhà văn Lại Văn Long

• NGHỀ BÁO NUÔI NGHỀ VĂN

• Viết báo, lại là nhà báo của Báo Công an TP Hồ Chí Minh với những mảng đề tài vụ án, gay cấn có thể xem là thế mạnh cho người viết truyện trinh thám nhưng cũng có nguy cơ giết chết sự lãng mạn mà người viết văn cần có? Anh cân bằng điều này theo cách nào?

• Lúc tôi mới bắt đầu làm phóng viên Báo Công an TP Hồ Chí Minh, nhiều người cũng lo cho tôi là sẽ bị chai cứng cảm xúc và mất đi sự lãng mạn, trí tưởng tượng bay bổng để viết văn... Bản thân tôi cũng nghĩ sai lầm như vậy! Đến nay, sau 32 năm, tôi rất cảm ơn nghề báo và công việc tại Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã cho tôi một “kho tàng” về kiến thức, cảm xúc để tôi trở thành tác giả của “Hồ sơ lửa” và những tiểu thuyết trinh thám, hình sự, như: Thánh nữ, Á nhân (chưa xuất bản)... những tác phẩm về lịch sử, xã hội như các tiểu thuyết: Thánh thi, Đứa con thời hậu chiến, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện...

Nghề báo “nuôi” nghề văn cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, chứ không phải là “khắc tinh” của nghề văn. Nhưng mọi thành công đều phải từ ý chí, nghị lực, đam mê, kiên nhẫn... trong lao động nghệ thuật và có phông văn hóa của mình!

• Từ tiểu thuyết Lật án tử hình đến phim truyền hình dài hàng chục tập Nữ luật sư, chắc hẳn sẽ có nhiều câu chuyện mà tác giả tiểu thuyết muốn chia sẻ?

• Khoảng năm 1999, trong một chuyến công tác ra Bình Thuận cùng nhà thơ Thiên Hà, chúng tôi là phóng viên Báo Công an TP Hồ Chí Minh nên được cung cấp kết luận điều tra “Kỳ án vườn điều” để viết bài tuyên truyền về ý thức chấp hành pháp luật đăng trên Báo Công an TP Hồ Chí Minh... Nhiều năm qua đi, một hôm tôi ngồi ở cơ quan đọc báo và bàng hoàng khi nhiều tờ báo cùng đăng về những sai sót trong quá trình điều tra, xử lý, tuyên án các bị cáo trong vụ án này đã chịu những oan sai tức tưởi. Nhớ lại bài báo trước đây mình đã viết về vụ án này, tôi thật sự áy náy và rất buồn, dù mình không có lỗi gì trong việc đưa tin theo quan điểm kết luận của cơ quan điều tra. Ở Việt Nam cũng như ở hầu hết các quốc gia, các nhà báo khi tường thuật vụ án đều phải dựa theo thông tin cung cấp từ nhà chức trách (trừ những trường hợp đặc biệt, các phóng viên tự điều tra, thu thập chứng cứ...). Thời điểm đó, tôi được cấp trên giao phụ trách bộ phận phóng viên, cộng tác viên khu vực miền Trung, Tây Nguyên nên đề xuất Ban Biên tập cử hai phóng viên ra Bình Thuận, xin thông tin, kết luận mới nhất về “Kỳ án vườn điều” và việc minh oan, xin lỗi, bồi thường cho các bị cáo chịu oan sai để đăng trên Báo Công an TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng nỗi oan khiên của 9 con người ấy dù có vơi đi, nhưng vẫn cứ ám ảnh, ray rứt tôi...

Năm 2016, Báo Công an TP Hồ Chí Minh hợp tác với Công ty 24.Good, Hãng phim SENA và một số đài truyền hình thực hiện dự án phim truyền hình 1.100 tập mang tên Hồ sơ lửa, được khán giả truyền hình và báo chí rất quan tâm. Nhưng phim chỉ phát sóng được 3 phần, 138 tập rồi dừng lại vì nhiều lý do. Tôi vẫn kiên trì thêm 4 năm để viết hoàn chỉnh bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa, trong đó có phần 5 - “Lật án tử hình”. Bộ sách này đã được Nhà xuất bản Công an Nhân dân cấp phép, SBooks phát hành vào cuối năm 2022. Đến nay, Hồ sơ lửa đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, như: giải “Cây bút vàng” của Bộ Công an 2018; giải thưởng “Cuộc thi Tiểu thuyết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức 2017 - 2020; giải thưởng “Sáng tạo” của UBND TP Hồ Chí Minh 2023; kỷ lục Việt Nam 2022 là bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất được thực hiện trong 30 năm (1992 - 2022); giải “Ngôi sao xanh” cho phim truyền hình được yêu thích nhất 2017 (phim Mật danh Đ9) trong serie phim Hồ sơ lửa... 

• Vì sao anh từng viết kịch bản phim nhưng không tự chuyển thể tác phẩm của mình với Lật án tử hình?

• Tôi chưa được đào tạo chính quy về viết kịch bản phim, chỉ học lóm các đàn anh, đàn chị là những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú trong 3 năm làm dự án phim “Hồ sơ lửa”, nên chưa tự tin lắm. Riêng tiểu thuyết Lật án tử hình thì đối tác chỉ mua bản quyền rồi nhờ một người rất giỏi là biên kịch Châu Thổ để chuyển thể thành 35 tập phim “Nữ luật sư”. Dù kịch bản hay tiểu thuyết thì tôi vẫn hạnh phúc, hào hứng khi các nhân vật mình sáng tạo bằng đam mê và tình yêu được xuất hiện trên phim. Tôi yêu những nhân vật của mình vô cùng, nhất là các nhân vật nữ. Tôi cảm ơn những diễn viên tài, sắc đã làm cho các nhân vật của tôi thăng hoa, đẹp đẽ, nghệ thuật và mang nhiều thông điệp tích cực đến với đông đảo khán giả phim truyền hình!

Nhà văn Lại Văn Long sinh năm 1964 tại TP Đà Lạt, quê cha Thừa Thiên - Huế, quê mẹ Bình Định. Anh tốt nghiệp Khoa Triết, Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vào năm 1988, công tác tại Báo Công an TP Hồ Chí Minh từ đầu năm 1992 đến nay. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Sau giải Nhất Cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn nghệ 1990-1991 với tác phẩm Kẻ sát nhân lương thiện, nhà văn Lại Văn Long tiếp tục gây ấn tượng với độc giả qua các tác phẩm: Đứa con thời hậu chiến, Mật danh Đ9, Thạch đế, Thủy cơ, Đường lên trời xa lắm, Gia tộc tướng cướp, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện… Bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa của anh đạt giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh và lập kỷ lục guiness Việt Nam về Bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất.

• HÀNG VẠN TRANG BẢN THẢO VIẾT TAY

• Nghe đồn nhà văn Lại Văn Long không viết văn, viết kịch bản bằng máy tính mà vẫn trung thành với viết tay. Vì sao anh vẫn chọn viết tay dù tác phẩm của mình lên tới hàng nghìn trang? 

• Trong suốt 36 năm cầm bút, tôi đã viết được khoảng 20 đầu sách (tiểu thuyết và tập truyện ngắn), và tất cả đều được viết bằng bút mực trên giấy như những tiền bối cách đây vài trăm năm. Tôi tận dụng các tờ giấy A4 đã in một mặt, thải loại để viết. (Nếu mua giấy mới trắng tinh thì ngồi mãi viết mãi cũng không ra chữ, chả hiểu tại sao?). Tôi thường viết bằng bút kim mực đỏ lên giấy đã in một mặt đó. Hơn vạn trang bản thảo đều như vậy. Khi đủ bộ giấy cũ bút kim đỏ như vậy, cảm xúc rất mãnh liệt, nhiều khi viết đến 15, 17 trang một đêm, viết đến tê hết bàn tay, cổ tay. Vợ tôi đã mua cho tôi máy tính màn hình lớn và cố bày tôi viết trên máy, nhưng chỉ nửa tiếng là chán, không muốn làm nữa, lại lấy giấy bút ra viết. Đến giờ, tôi vẫn không viết bằng máy tính được. Chỉ trong 20 năm gần đây, bản thảo viết tay của tôi đã dày khoảng 1,2 m với hơn vạn trang. Tôi rất vui với “gia tài” độc đáo này!

Với lại, đi đâu với mấy tờ giấy và cây bút là tôi có thể làm việc ngon lành. Trong khi đó mang máy laptop theo rất mệt, phải bảo quản và có điện mới sử dụng được. Năm 1990, mới từ Lâm Đồng về TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn, tôi phải ra Bưu điện thành phố, công viên, thư viện... để ngồi viết giữa người đi kẻ lại ồn ào. Những truyện ngắn đầu tiên của tôi đều được viết trong môi trường, điều kiện khổ ải như vậy. Sau này được ngồi viết trên bàn làm việc riêng, yên tĩnh, đó là... thiên đường...

Và tôi đã không muốn thay đổi thiên đường đó nên cứ... viết bằng bút kim, mực đỏ trên giấy. Dần dần trở thành phản xạ có điều kiện, không thay đổi được!

• Truyện trinh thám Việt Nam xuất hiện từ gần 100 năm trước nhưng tới nay vẫn ít được nhắc tới. Là người bền bỉ đi theo mảng đề tài này, theo anh vì sao?

• Truyện trinh thám, hình sự rất khó viết vì đòi hỏi yếu tố lịch sử, nghiệp vụ, pháp lý, tính chính trị... trong nhiều tình huống. Vì vậy ít có tác giả đủ điều kiện, đam mê, cảm xúc để theo đuổi. Vài năm gần đây, các cơ quan chức năng của Bộ Công an như: Truyền hình An ninh, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Cục Truyền thông và một số cục nghiệp vụ, binh chủng trong lực lượng Công an Nhân dân vẫn thường kết hợp với các Hội Văn học, nghệ thuật, tổ chức những trại sáng tác, những cuộc thi văn học, những chuyên đề về hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân, về Phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, về hoàn lương và công tác giáo dục tuyên truyền về những người lầm lỡ... Tất cả đang làm cho dòng văn học, nghệ thuật trinh thám hình sự ngày càng hiện diện mạnh mẽ, ấn tượng, phổ biến trong đời sống xã hội qua những tác phẩm chất lượng cao. Điều đó làm chúng ta càng tin vào hiện tại và tương lai tươi sáng của thể loại văn học, nghệ thuật trinh thám, hình sự.

• Anh từng chia sẻ, bị chia tay ở tuổi ngoài 20 vì đề nghị bạn gái nuôi mình vài năm sau khi kết hôn để viết văn và nếu thành công sẽ nuôi cô ấy cả đời. Vậy với vợ anh, chị ấy chấp nhận một người chồng ôm mộng lớn văn chương như thế nào?

• Tôi may mắn có người vợ giỏi giang, gia đình hạnh phúc nên suốt 30 năm nay toàn tâm, toàn ý cho công việc làm báo và sáng tác văn chương. Vợ tôi làm ngành Y, quán xuyến mọi việc trong gia đình, nhờ đó tôi mới rảnh cả “đầu óc” lẫn “tay chân” để theo đuổi những giấc mơ. Viết một tiểu thuyết hay truyện ngắn đối với tôi là một giấc mơ. Tôi luôn hạnh phúc với những giấc mơ như vậy, dù khá vất vả và phải “hy sinh” những thú vui khác như: cà phê cùng bạn bè, đi chơi, xem phim, nghe nhạc, coi đá banh...

Cảm ơn anh đã chia sẻ!