Tái hiện lễ ''Bắt chồng'' của người Churu - Đơn Dương

QUỲNH UYỂN 18:12, 05/06/2024

(LĐ online) - Nằm trong Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng 2024, sáng 5/6, tại Bảo tàng Lâm Đồng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức tái hiện Lễ “Bắt chồng” của dân tộc Churu - Đơn Dương do các nghệ nhân đến từ buôn Bê Can và buôn Diom, xã Lạc Xuân thực hiện.

Trai gái Churu chuẩn bị trang sức đi dự lễ bắt chồng

Với người Churu, đám cưới là một sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời con người, do đó, việc xem xét, lựa chọn bạn đời rất kỹ càng. Người Churu theo chế độ mẫu hệ, việc cưới gả do phụ nữ chủ động. Khi cô gái đã thích chàng trai nào đó, thì sẽ chủ động yêu và nói với ông cậu hoặc cha mẹ đến ngỏ ý. Sau đó, nhà gái tập trung toàn bộ dòng họ cùng hội ý, chuẩn bị các lễ vật như nhẫn bạc, dây cườm, thổ cẩm… Hôn lễ được tiến hành qua lễ hỏi và lễ cưới.

Nhà trai đồng ý cưới gả trong đám hỏi

Lễ hỏi được diễn ra ở nhà trai, vào ban đêm, để giữ ý, khỏi bị điều tiếng với bên ngoài nếu đi “bắt chồng” không thành.

Khi đôi trai gái đã đồng ý thì việc đám hỏi và thách cưới đều do nhà gái đứng ra lo liệu. Những lễ vật nhà trai thách cưới thường là trâu, chiêng, chóe, rượu cần và nhẫn bạc. Nếu nhà trai thách cưới quá cao, thì nhà gái sẽ xin nợ và trả sau một vài năm, khi kinh tế gia đình đã ổn định. Thời gian “trả nợ” nhanh hay chậm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của nhà gái. Có những trường hợp gia đình nghèo, không có điều kiện, thì có khi là 2 - 3 năm, thậm chí nhiều năm sau nhà gái mới trả được lễ vật thách cưới cho gia đình nhà trai.

Chàng trai bị thuyết phục khi chưa đồng ý

Lễ cưới được định ngày, thường diễn ra sau khi mùa màng đã thu hoạch xong, để không ảnh hưởng đến công việc lao động sản xuất, những nghi thức được tiến hành nhanh gọn. Nhà gái phải mang của hồi môn tới nhà trai và đón rể. Thông thường thì nhà trai cũng cho lại đôi vợ chồng trẻ một số đồ vật có giá trị, điều này không bắt buộc mà phụ thuộc vào điều kiện của nhà trai. Lễ cưới kéo dài trong 1 ngày 1 đêm tại nhà gái, do ông cậu lớn nhất trong gia đình nhà gái hoặc già làng đứng ra tổ chức.

Đeo chuỗi cườm đính ước cho chàng trai trong lễ hỏi

Lễ “bắt chồng” đã được tái hiện theo đúng theo phong tục tập quán với trình tự thủ tục truyền thống. Lễ hỏi diễn ra tại nhà trai: Cô dâu cùng cậu, bố mẹ, bà mối, họ hàng mang trầu cau, thuốc lá, bầu rượu, thổ cẩm, nhẫn bạc, hạt cườm qua nhà trai. Đại diện nhà trai và nhà gái trao đổi, đối đáp thuyết phục nhà trai đồng ý, trao lễ vật cho chú rể trai (đeo vòng tay, chuỗi cườm), trao quà (thổ cẩm, chuỗi cườm cho cha mẹ chú rể). Hai bên gia đình cùng nhau trao đổi về chuẩn bị lễ vật thách cưới.

Nhà gái đeo nhẫn bạc cho chú rể trong lễ cưới

Bố chàng trai hỏi: “Ông đến nhà có việc gì?”; ông cậu nhà gái đáp: “Tôi đi xin cái xà gạc cho cháu gái”; bố chàng trai: “Cái xà gạc đó làm ra cũng hơn 20 năm rồi, cháu ông nó cần thì cứ lấy về dùng. Nhưng mà công sức của tôi với bà nhà làm ra cũng tốn nhiều tiền của lắm, cho nên muốn lấy về thì già phải trả cho gia đình cái gì đó tương xứng”; ông cậu nhà gái: “Ông bà muốn cái gì, nếu trong khả năng gia đình sẽ đồng ý”; mẹ chàng trai: “Một con trâu đực to, 4 con gà, 1 chóe rượu cần to, và một bộ chiêng, 10 tấm thổ cẩm, nhẫn bạc, vòng cườm”; ông cậu nhà gái: “Gia đình cũng khó khăn nên xin ông bà bớt cho con trâu, bộ chiêng”; mẹ chàng trai: “Nếu không có trâu thì con heo cũng được, nếu chưa có thì gia đình tôi cho gia đình nhà gái nợ khi nào có điều kiện thì trả”; ông cậu nhà gái: “Tôi đồng ý, ông bà cho tôi thời gian để chuẩn bị. sau đó, hai gia đình sẽ khui ché mọi người cùng uống”.

Nhà trai đeo nhẫn bạc cho cô dâu

Lễ đón rể diễn ra tại nhà trai: Nhà gái đi đủ 8 người gồm: cậu, cha mẹ, ông bà, chú bác, cô dì, anh chị, bà mối đến nhà trai, thời gian đi vào buổi tối (phòng trường hợp bị từ chối nữa, tránh tai tiếng). Khoảng 8 giờ tối, nhà gái gõ cửa nhà chàng trai. Hai bên cùng trao đổi chuyện trò về việc “bắt rể”. Nhà trai nếu ưng thuận sẽ gọi chàng trai ra. Đoàn nhà gái vừa thuyết phục chàng trai, vừa cố gắng đeo chiếc nhẫn (đem theo từ nhà) vào tay chàng trai. Sự việc sẽ khó khăn hơn nếu chàng trai từ chối, nắm chặt tay lại, chống đỡ. Một số đàn ông của nhà gái sẽ tập trung lại, người giữ, người đè, cố sức đeo chiếc nhẫn vào tay chàng trai. Giằng co kết thúc. 

Nghi thức trùm khăn cho cô dân chú rể

Giằng co kết thúc khi chiếc nhẫn đã được đeo vào tay chàng trai. Cô gái đến gặp mặt. Ông cậu xin phép lấy lễ vật dâng cho nhà trai, trao quà cho nhà trai từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất; ai cũng có nhẫn, cườm, khăn. Đoàn nhà gái ở lại qua đêm để sáng hôm sau rước rể.

Cô dâu chú rể cùng nhau ăn trầu ước mong sống hạnh phúc đến bạc đầu

Lễ cưới diễn ra tại nhà gái với đông đảo anh em, họ hàng, già làng làm chủ lễ. Một mâm lễ vật gồm 1 con gà đã luộc chín, một ché rượu cần để báo cáo tổ tiên, cúng Yàng; 1 vòng bạc, nhẫn bạc, thổ cẩm để đeo cho chàng rể.

Hai bên gia đình cũng dạy dỗ, dặn dò cô dâu chú rể trọn đạo vợ chồng

Tiếng cồng chiêng, trống, kèn bầu tấu lên hòa cùng điệu múa Arya đón khách. Sau khi già làng lấy đầu gà, lưỡi gà để làm luật tục, cô dâu và chú rể bầu rượu mời 2 bên gia đình, dòng họ. Mẹ cô dâu đeo vòng bạc, nhẫn bạc cho chú rể, mẹ chú rể đeo vòng bạc, nhẫn bạc cho cô dâu. Nghi thức trùm khăn cho cô dâu - chú rể diễn ra trang nghiêm như một sự giao ước trăm năm gắn bó. Cô dâu - chú rể ngồi đối diện nhau, mẹ cô dâu phủ khăn lên người con gái và con rể. Hai vợ chồng trẻ cùng ăn trầu và tập trung lắng nghe lời dạy, lời cặn dặn của người lớn 2 bên gia đình về đạo nghĩa chồng, về trách nhiệm xây dựng tổ ấm, tình yêu thương, đùm bọc, nương tựa vào nhau, cùng làm ăn, chia ngọt sẻ bùi, sinh con đẻ cái… Tiếng cồng chiêng rộn ràng, mọi người cùng ăn, cùng uống rượu, cùng hòa mình vào múa điệu arya, cùng hát mừng cô dâu, chú rể thành đôi.

Hạt cườm luôn có mặt trong lễ vật cưới, hỏi
Nhà gái mời nhà trai uống rượu mừng cho các con

Việc tái hiện đã diễn ra một cách tự nhiên, giữ nguyên bản, trung thực với những giá trị truyền thống, những nghi lễ cổ truyền, không khiên cưỡng, áp đặt, mang đến cảm giác gần gũi, như chính đám cưới của người Churu diễn ra trong cộng đồng ngày xưa.

Cùng nhau ăn uống, múa hát mừng đôi vợ chồng trẻ
Nghệ nhân Ya Saky thổi khèn bầu Rơkel trong lễ bắt chồng
Hát mừng cô dâu chú rể
Rượu cần cùng các món ăn truyền thống không thể thiếu trong tiệc cưới