Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng

QUỲNH UYỂN 06:22, 25/06/2024

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức Hội thảo khoa học "Những vấn đề lý luận và thực tiễn ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại các bảo tàng hiện nay” với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng.

Với 8 tham luận được trình bày tại hội thảo đã nêu rõ các vấn đề: Tổng quan công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng; Tình hình ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại các bảo tàng tiêu biểu trong nước và bài học kinh nghiệm cho Bảo tàng Lâm Đồng; Kết quả xây dựng, thiết kế phần mềm quản lý hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng; Kết quả số hóa 3D 200 hiện vật tại Bảo tàng Lâm Đồng...

Nhận thức rõ việc ứng dụng công nghệ 4.0 là nhu cầu tất yếu trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa góp phần lưu giữ hình ảnh, tư liệu vừa mang di sản đến gần hơn với công chúng; trong thời gian qua, Bảo tàng Lâm Đồng đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên website, facebook, thực hiện mã QR Code trên 500 hiện vật tại nhà trưng bày chính và 2 di tích (Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và Di tích Khảo cổ Cát Tiên). Thực hiện đề tài “Ứng dụng số hóa 4.0 trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng” đã thiết kế và vận hành phần mềm quản lý hiện vật, tiến hành số hóa cơ sở dữ liệu, quản lý hiện vật chặt chẽ, khoa học cho 5.000 hiện vật tiêu biểu, là những hiện vật gốc, đã được chỉnh lý khoa học, có thông tin đầy đủ; số hóa không gian trưng bày của Bảo tàng Lâm Đồng (Virtual Museum), 3D hóa 200 hiện vật tiêu biểu đang được trưng bày. Tiến hành cập nhật dữ liệu số hóa vào phần mềm quản lý hiện vật và không gian trưng bày ảo trên môi trường mạng internet phục vụ công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Việc áp dụng công nghệ 4.0 cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh 3 chiều rất sống động, cuốn hút. Qua đó, các di sản văn hóa cũng dễ dàng được quảng bá nhanh chóng, rộng rãi, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, địa điểm, ngôn ngữ.

Từ hội thảo giúp đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn bảo tàng hiểu cặn kẽ hơn về vai trò, tầm quan trọng của công nghệ, đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng. Từ đó giúp Bảo tàng Lâm Đồng lựa chọn những công nghệ phù hợp để tạo nên bước phát triển đột phá.