Dưới chân núi R’Chai

Truyện ngắn: VÕ TRẦN PHÚ 06:18, 18/07/2024
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Tôi và nhóm bạn đồng nghiệp đứng trò chuyện bên hành lang phòng họp của Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng. Một cái vỗ vai nhẹ phía sau lưng, tôi quay lại - trước mắt tôi là một người đàn ông đứng tuổi, nước da ngăm đen, khuôn mặt xương gầy, hai gò má nhô cao. Nhưng đôi mắt anh ta vẫn hoạt bát sáng quắc. Một giây phút ngỡ ngàng. Tôi reo lên mừng rỡ:

- Có phải anh là anh Năm Sinh không?

- Còn ai nữa?

- Trời ơi! Lâu quá hôm nay mới gặp anh, dạo này anh có khỏe không? Trông anh ốm và già đi nhiều.

- Trừ những ngày trái gió trở trời, vết thương hành hạ chút đỉnh. Bình thường bác sĩ chê nên đỡ tiền mua thuốc. Tao đọc báo, thấy tên mày, nửa tin, nửa ngờ. Hôm nay gặp mày ở đây hai năm rõ mười.

Anh siết chặt tay tôi, hai anh em ôm nhau thắm thiết. Tôi quay qua phía các đồng nghiệp giới thiệu:

- Đây là anh Năm Sinh.

Dân hai lúa chính cống, anh lên Lâm Đồng từ những năm 1964, từ đó chiến đấu và xem đây là quê hương thứ hai của mình. Con người này chất phác, gan lì, ít nói nhưng đánh giặc “ze” kêu (ve kêu). Đã đôi lần vào bệnh xá x1 (mật danh bệnh xá tỉnh Tuyên Đức), cùng ăn bắp, ăn khoai với những bạn thương binh. Vừa nói đến đây, mấy ông bạn báo chí ngơ ngác không hiểu tôi đang nói gì! Bạn Lê Trung (phóng viên) đặt câu hỏi ngay:

- Anh nói vậy là sao? Đang nói chuyện đánh giặc, tự dưng nhảy qua chuyện ăn khoai, ăn sắn.

- Ờ! Chuyện ấy đơn giản thôi, anh Năm này đánh giặc lì đòn lắm, vào sinh ra tử đã nhiều lần bị thương. Có lần bị thương nặng, đồng đội phải cáng vào bệnh xá.

Đáp lời tôi bằng câu nói mộc mạc, chân chất của người nông dân Nam Bộ:

- Các em đừng nghe thằng nhà báo này nói, chẳng qua, qua bị xây xước chút đỉnh thôi. Ở dưới quê của qua, người ta hay nói đùa "nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột…" dzậy thôi, chuyện vặt, xưa rồi bỏ qua đi, hơi đâu mà nói, không khéo người ta nghe được tưởng đâu qua kể công với cách mạng.

Tiếng chuông reo vang, anh Năm bắt tay từng người, bá vai tôi đi về phía phòng họp vừa đi vừa nói:

- Hôm nào rảnh, mày rủ anh em báo chí ở đây xuống tao bày chuyện lai rai vài xị.

Tôi ngồi trong phòng họp, ngẫm nghĩ về câu nói của anh Năm Sinh “đứt tay… đổ ruột”. Những từ nghe đơn giản mà sao thấm thía quá chừng. Bị thương lòi ruột ra ngoài, AR.15 bắn què chân mà bảo là xây xước. Có phải là anh khiêm tốn, hay câu nói đầu môi. Với tôi thì không, những con người gan lì dám nói, dám làm, họ đã trải qua những cuộc chiến đấu khốc liệt, đôi lúc tưởng chừng như phơi thây trên trận địa, còn sống là còn đánh giặc, câu nói của anh đúng với bản chất anh hùng của người chiến sĩ giải phóng.

***

Bốn chiếc xe gắn máy đưa nhóm nhà báo chúng tôi đi về hướng thác Pongour, phía xa xa 2 ngọn núi trọc hiện ra đứng trơ trọi giữa một vùng đồng bằng cây trái xanh tươi. Người dân bản địa gọi đây là núi R'Chai, có nghĩa là bầu sữa. Thực tế nó giống cặp vú của người phụ nữ, tôi thầm phục cách đặt tên cho hai quả núi của đồng bào dân tộc rất lãng mạn, đầy hình tượng. Trên đỉnh chóp núi có hình phễu, đây là miệng núi lửa đã tắt từ lâu, nham thạch phun trào nên chất đất nơi đây rất tốt cho việc canh tác cây rau, cây hoa. Thời chiến tranh chống Mỹ, núi R'Chai là điểm chốt, án ngữ chặng đường của bộ đội, ra vào tiếp cận với đồng bào ở thị trấn Tùng Nghĩa, xã Phú Hội, thôn Phú An. Đã đôi lần chúng phát hiện bắn cối 60 li dọc cánh rừng gây thương vong cho bộ đội ta.

***

Con đường DT 724 trải nhựa bê tông phẳng lì nối từ Quốc lộ 20 xuyên qua trung tâm xã. Qua khỏi trụ sở xã Tân Hội theo đường rẽ nhánh, chúng tôi đi về hướng núi R'Chai. Giờ đây, bên những tuyến đường này, nhà cửa kiên cố mọc lên san sát, đường trải bê tông xi măng bằng nguồn vốn của Nhà nước và Nhân dân đóng góp một phần. Hai bên đường, Nhân dân trồng hoa, cây kiểng sạch đẹp. Đường rộng rãi, tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông sản và chở vật tư phục vụ cho việc gieo trồng.

Tiếng “pô” nổ giòn của 4 chiếc xe gắn máy vang vọng dưới chân núi khiến bầy chó giật mình sủa vang. Xa xa, chúng tôi đã thấy vợ chồng anh Năm ra đầu ngõ đón chúng tôi với niềm vui mừng hân hoan, nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên nét mặt. Ngôi nhà của anh chị Năm Sinh thoáng mát, rộng rãi, kế bên là trang trại xay xát, rang xay chế biến cà phê bột. Trước nhà là một khoảng sân phơi rộng, xa hơn là nhà lưới trồng hoa lan vũ nữ, cách đó không xa là nhà lồng trồng cây phúc bồn tử. Quanh vườn là những hàng cây ăn quả nào mít, nào xoài, nào bơ và xa hơn là hàng cau kiểng tạo nên một không gian thơ mộng của một vùng quê trên cao nguyên xanh.

- Chào anh chị (lời của anh chị em báo chí).

- Chào các em (tiếng của chị Năm), mời các em vào nhà rửa mặt cho tỉnh táo, uống nước, sau đó ta đi thăm vườn. Anh Năm nói với tôi.

- Mày còn nhớ bà này không? Bà xã tao nè!

- Phải không đó (tôi trả lời). Hôm trước tôi nhớ một chị tóc ngắn, hôm nay sao chị này khác quá ta.

- Bậy mày! Giỡn kiểu này là chết tao. Bả mà nổi khùng lên là không còn cái chén ăn cơm.

Cả chủ lẫn khách đều cười vang. Tôi đến bá vai chị Năm Nở, một cử chỉ thân mật giữa những người lính quân giải phóng một thời với nhau khiến anh chị em báo chí ngạc nhiên. Chị Năm giờ này tóc đã điểm bạc nhưng nét đẹp duyên dáng vẫn phảng phất trên nét mặt. Tôi nói vui:

- Người này ngày xưa nhiều anh cưa nhưng khó lắm.

- Chị tưởng chú quên chị rồi chớ!

- Làm sao em quên được hả chị, nhất là ở trên vùng đất này, chị em mình mỗi lần đi tải qua đây, địch phát hiện bắn cối chặn đầu, khóa đuôi, làm cả đoàn chạy mất dép ra tới bờ sông Đạ Đờn mới hoàn hồn.

- Hơn 50 năm rồi mà chú nhớ dai ghê.

- Em còn nhớ rất rõ chuyện anh chị thương nhau trên dòng sông này.

Cả đoàn nhao nhao bảo tôi kể lại chuyện xưa. Cô Huệ phóng viên đặt ngay câu hỏi nóng:

- Sự việc có mùi mẫn gì không? Phải tường trình lại ngay để bọn em còn có chút đỉnh tư liệu.

Tôi chậm rãi uống một hớp nước chè xanh rồi từ từ kể lại chuyện xưa. Hôm ấy, một buổi trưa tháng 5, đoàn liên cơ quan chúng tôi đi tải lương thực, thực phẩm nuôi thương binh. Trong đó có chị Năm Nở. Đoàn đến bến sông ông Quyền (nơi tập kết nhu yếu phẩm của cán bộ kinh tài). Đoàn người chuẩn bị vượt sông, tổ bảo vệ đoàn qua sông trước để trinh sát, kế đến là các chị và sau là đám thanh niên chúng tôi. Khi anh Năm Sinh (người bơi rất giỏi) đưa chị Nở ra giữa dòng, anh nói đùa một câu “Em có thương anh không?”. Chị Nở không trả lời, tới lần thứ ba, anh Năm thử buông tay thả chị trôi theo dòng nước. Chị Năm hốt hoảng la lớn. Dạ! Dạ! Có! Có!… anh Năm túm ngay bọc ni lông đưa chị vào bờ.

Chuyện tỏ tình thương nhau của những người lính thời ấy tưởng như chuyện đùa. Sau ngày giải phóng, họ cưới nhau ở trại an dưỡng Phú Hội. Kể đến đây, cả đoàn vỗ tay, chị Năm Nở che mặt mắc cỡ, nước mắt lưng tròng:

- Cái thằng quỷ này sao nó nhớ dai dữ dzậy cà!

***

Anh Năm dẫn chúng tôi đi thăm vườn, giới thiệu vườn lan vũ nữ, nhà lồng phúc bồn tử (dân gian còn gọi là trái mâm xôi). Vườn anh Năm không rộng lắm, diện tích chưa tới 1 ha, nhưng nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật trong việc gieo trồng, nên cho năng suất cao và mang lại nhiều lợi nhuận. Trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà tranh, vách đất che kín. Một phóng viên đài phát thanh hỏi:

- Đây là nhà gì vậy anh? Sao che phủ kín vậy?

- Đây là nhà nuôi trùn quế, trùn được nuôi bởi phân bò nhưng phải ở trong bóng râm mát, mục đích tạo độ ẩm cho trùn sinh sôi. Đây là một quy trình vòng tròn khép kính rất tiện ích. Trùn quế ăn phân bò cho ra sản phẩm để bón cho cây cỏ voi là thực phẩm cho bò ăn, cà phê và các loại hoa trong vườn, sản phẩm phụ của trùn quế để nuôi gà, nuôi cá.

Chúng tôi về lại nhà chế biến cà phê rang xay, nơi chị Năm cùng công nhân ngồi lựa hạt cà phê. Anh Bộ - một phóng viên cơ quan thường trú hỏi chị Năm:

- Chị ơi! Chị có thể cho biết bí quyết rang xay cà phê cho chất lượng cao.

- Thật ra chả có bí quyết gì mới, việc trước tiên là phải tuyển hạt cà phê từ gốc, có nghĩa là những hạt chín đỏ, không lẫn hạt xanh (còn gọi là cà phê xô). Dĩ nhiên khi thu mua giá thành cao hơn cà phê thường. Quy trình sản xuất chế biến rang xay của gia đình giống như mọi cơ sở sản xuất khác, qua mỗi lần chế biến, mình đều rút kinh nghiệm gia giảm chất phụ gia.Do đó, khi sản phẩm xuất xưởng phải đạt 3 tiêu chí là độc, đỉnh, đạt. Độc là gì, là ít người chế biến giống mình, chiếm lĩnh thị trường giữ độc quyền. Đỉnh là cà phê chất lượng cao, uy tín tuyệt đối. Đạt là hiệu quả của lợi nhuận cao trong bán buôn giao dịch, tiết kiệm chi phí trong sản xuất.

Từ ngoài sân, anh Năm bước vào nói lớn: 

- Trận địa đã bày xong, qua mời mấy chú vào "chiến đấu". Trưa rồi đói bụng giữ à nghen.

Cả đoàn kéo nhau xuống nhà bếp, hương vị heo rừng (nuôi) xào sả ớt thơm lừng. Trên bàn bày biện các loại rau sống, rau mùi… chính giữa là một đĩa thịt gà to hấp sả với lá chanh thái mỏng. Ngoài ra còn vài xị đế và mấy thùng bia.

- Có mấy người đâu mà anh chị bày biện linh đình.

- Hồi sau sẽ rõ. - Anh Năm trả lời tỉnh bơ.

Cùng lúc ấy, một nhóm công nhân nam nữ và mấy ông bạn hàng xóm cùng nhau kéo vào, không khí trong phòng ăn ồn ào rôm rả. Một chú công nhân nhanh nhảu:

- Cháu chào các chú nhà báo.

- Sao biết bọn tôi là nhà báo.

- Sáng nay, chú Năm bảo cháu bắt gà, mần thịt, hôm nay đãi khách có nhà báo trên tỉnh xuống thăm.
Anh Năm vỗ tay xin nói đôi lời:

- Xin giới thiệu với mọi người, hôm nay có chú em ngày xưa chiến đấu với bọn tôi ở vùng đất này, nay chú là nhà báo. Cùng đi với chú là anh em làm báo ở tỉnh ta. Mời tất cả mọi người vào bàn ăn và nâng ly “dô”, hết mình nghe chưa.

Không khí trong phòng ăn trở nên vui vẻ, sôi nổi, tiếng cụng ly lốp cốp, những lời chúc sức khỏe ăn nên làm ra. Chị Năm không uống, ngồi gắp từng miếng thịt gà cho mọi người.

- Các chú ăn đi, đây là những món ở nhà sản xuất chăn nuôi, đừng làm khách nhé.

Khi bữa tiệc gần tàn, hơi men thấm vào da thịt, mọi người ngồi nói chuyện công việc làm ăn. Chị Năm Nở ngồi xích lại gần tôi, tỉ tê tâm sự:

- Sau ngày cưới ở trại an dưỡng Phú Hội, vợ chồng chị xin tổ chức cho ra ở riêng. Ngoài đồng lương và tiền trợ cấp thương binh không còn thu nhập nào khác, gia đình thiếu thốn đủ điều. Anh Năm bàn với chị đi tìm đất ở núi R'Chai để sản xuất. Anh vào khu kinh tế mới Tân Hội, may quá, gặp anh Núi là đồng đội với anh Năm ngày xưa, lúc bấy giờ anh Núi là Trưởng ban xây dựng vùng kinh tế mới Tân Hội. Anh Năm trình bày hoàn cảnh của gia đình và những khó khăn ngặt nghèo, chật vật với đồng lương của thương binh. Nghe vậy, anh Núi nói: - Sao mày không nói sớm, bây giờ vùng đất bằng, đất tốt, tao cấp hết cho bà con đi kinh tế mới từ Đà Lạt, Tùng Nghĩa, Phú Hội, Phú An rồi, chỉ còn vùng đất dưới chân núi R'Chai, đất này không được tốt lắm, nhiều sỏi đá và mảnh đạn còn sót lại, mày muốn thì tao cấp cho.

Từ ngày đó, hai vợ chồng chị bắt tay vào khai hoang, sản xuất trồng cây ngắn để lấy cái ăn. Sau đó thuê đất trồng mía, ép đường, trồng đậu phộng ép dầu… Em biết tính anh Năm mày rồi đó, không chịu bằng lòng với công việc cò con nên muốn làm ăn lớn. Nhưng, trời không thương, một hôm đang ép mía nấu đường thì một cơn lốc xoáy làm tốc mái nhà ép mía, ngọn lửa bùng lên cháy luôn trang trại, lan ra đám mía chưa thu hoạch. Thế là tài sản đổ sông, đổ biển. Nhiều đêm chị ngủ không được, ngồi khóc tỉ tê. Anh Năm thấy vợ mình rơi vào hoàn cảnh ấy chỉ biết dùng lời khuyên bảo: “Mình ngã nơi nào, mình phải biết đứng lên từ đống đổ nát, phải làm lại thôi. Trong chiến tranh mình không thể thất bại, tại sao bây giờ mình lại chịu thua”. Sau ngày đó, anh ra đi, chị cứ tưởng là anh đi cho khuây khỏa quên đi tai nạn vừa qua. Nào ngờ, anh tìm về những người đồng đội cũ, giờ đây các anh ấy đi làm kinh tế ở nông trường, có anh làm công ty xuất nhập khẩu của một huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh. Các anh nghe anh Năm trình bày hoàn cảnh tai ương nên ra tay giúp vốn bằng cách cho vay, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm bón, có lúc các anh còn cử cán bộ lên đây để theo dõi xem gia đình làm ăn có hiệu quả không. Nhờ thế nên sản phẩm anh chị làm ra đều có nơi tiêu thụ không những trong nước mà còn xuất đi nước ngoài. Từ đó mới có tiền nuôi con ăn học, sắm thêm thiết bị sản xuất.

Từng sợi nắng xuyên qua những hàng cau, trời chiều ngả bóng. Cánh nhà báo chúng tôi xin phép ra về và không quên cảm ơn gia đình đã đón tiếp chúng tôi rất ân cần. Ra tới đầu ngõ, chị Năm gửi cho mỗi người một phần quà gọi là “cây nhà lá vườn”. Đây là đặc sản của vườn anh chị, mong các em nhận về cùng gia đình thưởng thức cho vui.