Minh họa: Phan Nhân |
Xưởng sản xuất chậu cảnh ngày càng đông khách nên ông chủ bận rộn suốt, chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Khách đến nhà lần nào cũng gặp mình bà. Bà Hoa có khi cũng đang lúi húi ngoài vườn chăm mấy luống rau sạch, đi tìm xem con gà mái hoa mơ dạo này đẻ hoang ở bụi nào. Có khi bà còn bận hái búp lá chè xanh mang về hãm nước cho ông. Tính ông chỉ thích uống chè tươi hoặc nước hoa vối đun loãng ra là nhất. Khách đến gọi chỉ thấy tiếng mà chưa thấy người nên đi lại ngắm nghía xung quanh. Lần đầu ghé nhà khách bị thu hút bởi những chiếc giày được trồng đầy hoa được treo ở khắp nơi. Từ giày Tây, giày thể thao, giày lao động đều được chủ nhân trồng vào đó khóm nhài đang nở hoa trắng muốt, khóm cúc nở vàng, khóm hoa mười giờ bông đỏ, bông tím chen nhau đua sắc. Có những chiếc giày còn mới tinh như chưa hề được sử dụng lần nào. Khách để ý kĩ hơn thì nhận ra đó đều là những chiếc giày chân trái. Từ ngoài vườn, bà Hoa đi vào, tay xách theo chùm vải cuối mùa mời khách. Sân trước, lũ gà con chim chíp đi tìm mẹ…
- Cháu thấy kể cũng lạ. Nhà có xưởng chuyên sản xuất đủ các loại chậu kiểng. Ấy vậy mà nhà bà chỉ thấy trồng hoa vào những chiếc giày?
Khách thấy bà chủ cười, chỉ tay ra ngõ. Thấp thoáng một bóng người đàn ông hiện ra đi tập tễnh bằng đôi nạng gỗ. Ông chủ đã về, khuôn mặt rám nắng, phúc hậu. Tay ông xách theo bó đài sen tươi, vừa vào nhà đã dúi cho bà rồi quay ra nhìn khách bảo:
- Bà nhà tôi rất thích món này, ăn cho dễ ngủ. Mà cháu đến xem chậu cây hay có việc gì?
- Cháu đến để xem vài mẫu chậu trồng cây, nhập một ít về bán túc tắc.
- Vậy thì phải mời cháu sang bên xưởng tham quan. Chứ ở nhà tôi chỉ bày vài mẫu.
Khách nhìn xuống thấy một bên chân ông chủ bị cắt cụt trên đầu gối, chiếc quần âu được cắt ngắn đi. Chân bên kia, ông đi một chiếc giày thể thao màu trắng. Khách như chợt hiểu ra, bùi ngùi xúc động. Bà chủ tay tẽ hạt sen bỏ ra đĩa, miệng tủm tỉm bảo khách:
- Các cháu nhà tôi mỗi lần đi công tác xa về thường rất hay mua giày tặng bố. Mà cháu thấy đấy, ông là thương binh, chân chỉ còn một bên nên giày cũng chỉ có thể đi được một chiếc. Chiếc còn lại vứt đi thì tiếc, bà thường lấy để trồng cây vào đó.
Trời bỗng nhiên đổ một cơn mưa bất chợt, như là cái cớ níu khách lại chơi. Tính bà niềm nở, gặp ai cũng thích chuyện trò. Nhìn bức ảnh cưới đã bạc phếch thời gian treo trên tường nhà, khách tò mò hỏi về chuyện tình của ông bà. Rót chén trà vừa mới hãm, bà thủng thẳng kể:
- Ừ thì tôi và ông nhà gặp nhau tại Đoàn điều dưỡng 585 đóng tại Thanh Hóa. Khi đó tôi là nữ hộ lý có nhiệm vụ chăm sóc cho các thương binh nặng ra Bắc điều dưỡng. Ông nhà tôi là một trong số đó. Cảm thương và kính trọng người lính đã vì đất nước, nhân dân mà mất đi một phần thân thể nên tôi luôn chăm sóc rất tận tình cho ông ấy. Rồi tình cảm cứ dần dần nảy sinh, cả hai người đều rung động từ lúc nào không hay.
- Ông bị thương năm bao nhiêu ạ?
- Cuối năm 1978, trong chiến dịch truy quét quân Pôn Pốt tại Campuchia. Cả tiểu đội tôi vướng phải mìn khiến nhiều đồng đội đã hy sinh. Tôi may mắn còn sống nhưng bị thương nặng, một bên chân hoại tử. Tỉnh dậy, tôi rùng mình ớn lạnh nhìn cơ thể bị cưa mất một chân. Nhưng nỗi đau đớn thể xác không bằng nỗi đau tinh thần khi thấy các đồng đội hy sinh. Nhiều người trong số họ tuổi đời còn quá trẻ, có khi còn chưa biết cầm tay cô gái nào thề hẹn - ông ngậm ngùi tâm sự.
- Vậy năm bao nhiêu thì bà rời quê theo ông vào tận đây làm dâu ạ?
- Năm 1984, đúng mùa nắng lửa…
Kí ức lại ùa về trong tâm trí của bà. Dưới chân là cát nóng, trên mặt là cơn gió Lào bỏng rát táp thẳng vào. Khi ấy bà còn trẻ, mái tóc dài đen nhánh. Ông còn là chàng trai vạm vỡ và rắn rỏi, ngay cả khi chỉ còn một bên chân. Bố mẹ bà vì thương con gái mà không đồng ý mối lương duyên của hai người. Họ không đành lòng để bà lấy chồng xa quê. Cũng chẳng ai tin rằng bà có thể sống hạnh phúc với người chồng là thương binh nặng. Thế nên đám cưới của ông bà chỉ có ấm trà nhạt, ít bánh kẹo, cau trầu vui cùng đơn vị. Thấm thoắt cũng đã mấy mươi năm. Trên mảnh đất nắng gió, gian khó ngày nào, một xưởng sản xuất chậu cảnh được gây dựng lên, từng đứa con lần lượt ra đời, hoa đã nở và cây cho trái ngọt.
Bà quay sang nhìn ông bằng đôi mắt trìu mến, thủ thỉ ôn lại chuyện xưa:
- Ngày mới rời Vĩnh Linh vào Đông Hà lập nghiệp, hai vợ chồng mình chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Loay hoay tìm kế sinh nhai mãi, cả gia đình chỉ trông chờ vào nguồn trợ cấp của ông. Đúng là khó khăn trăm bề ông nhỉ?
Quay sang phía khách, bà kể, cũng may ngày đó tỉnh có chính sách tạo việc làm cho vợ thương binh mà mình được nhận vào làm việc trong trại thương binh của tỉnh. Thấy mọi người xung quanh chơi cây cảnh, ông liền nảy ra ý tưởng làm chậu cây để bán. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng bà chẳng thể nào quên được hình ảnh ông cặm cụi làm việc. Đi lại vốn vất vả, khó khăn nhưng vẫn không cản được ý chí, nghị lực vươn lên của một người thương binh từng đi qua bom rơi đạn lạc. Trời cho ông đôi bàn tay khéo léo lại thêm được bà con trong vùng yêu quý, chẳng mấy chốc công việc đúc chậu cảnh trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho cả gia đình. Từ những chiếc chậu đầu tiên đơn giản, thô mộc, ông đã học hỏi, sáng tạo thêm nhiều khuôn mẫu, kiểu dáng khác nhau. Khách gần giới thiệu khách xa. Khách lẻ rồi khách sỉ. Một mình làm không xuể, ông thuê thêm vài nhân công. Cứ túc tắc quen khách, khi lượng tiêu thụ lớn hơn, ông bắt đầu mở xưởng. Khó khăn chồng chất khó khăn. Những lúc cực nhọc nhất, ông luôn có bà là điểm tựa.
- Cháu nghe nói ông bà sinh được hai người con, đều học hành giỏi giang. Giờ làm ngoài Hà Nội lương cao lắm đúng không ạ?
- Vợ chồng tôi cưới nhau được ba năm vẫn không có con. Hai vợ chồng an ủi nhau nếu số phận đã vậy thôi thì cứ nắm tay nhau sống hạnh phúc đến cuối đời. Ai ngờ hai đứa con đủ nếp đủ tẻ ra đời. Nhờ đôi bàn tay của ông ấy mà các con được ăn học trưởng thành. Hai em giờ công việc ổn định, đều xây dựng gia đình cả rồi. Lương thì… sống tốt là được rồi cháu ơi.
Ngoài trời mưa càng nặng hạt hơn. Thấy khách có vẻ sốt ruột, bà chủ dẫn khách đi tham quan quanh nhà. Nhìn đâu, khách cũng thấy sự ngăn nắp, gọn gàng, cây cối tươi xanh. Bà kể, từng chiếc ghế gỗ ngồi rửa bát, gội đầu đến hàng rào đầy hoa được cắt xén gọn gàng đều là từ bàn tay ông cả. Khách nhận ra tình yêu thương, chiều chuộng của ông dành cho bà từ những điều nhỏ bé trong nhà. Bà khen “ông nấu ăn giỏi lắm”. Tuy bận bịu với xưởng đúc chậu nhưng thỉnh thoảng ông vẫn vào bếp phụ bà. Nhất là trong những ngày bà đau ốm phải nằm một chỗ. Khi thì chống nạng, khi thì thoăn thoắt di chuyển bằng ghế gỗ, ông nấu cho bà những món ngon. Giặt giũ, phơi phóng, quét dọn nhà cửa, chẳng việc gì ông nề hà. Lấy ông, bà chưa bao giờ thấy thiệt thòi. Trái lại, bà còn thấy cuộc đời mình may mắn hơn biết bao người khác. Ban ngày ông đôn đáo lo chuyện lớn nhỏ ở ngoài. Chiều về nhỏ to cùng bà chuyện con cái, tuổi già, vườn cây, ao cá. Ông khiến những người thân của bà ở quê nhà dần đã được yên lòng.
Mấy năm gần đây, xưởng sản xuất chậu cây được mở rộng, ông cũng bận bịu hơn. Vừa dạy nghề, cầm tay chỉ việc cho công nhân vừa phải lo đầu ra cho sản phẩm. Thật ra, đến tuổi này, ông cũng thèm được nghỉ ngơi. Cũng đắn đo suy nghĩ mãi ông mới quyết định mở rộng xưởng để bà con nông dân trong xã có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập. Để nhiều người trẻ không phải lặn lội tìm việc trong những khu công nghiệp xa xôi. Nhiều người lao động đã có tuổi cũng không phải đi theo công trình làm phụ hồ như trước. Bà đã nhiều lần khuyên ông đừng tham công tiếc việc. Nhưng trong thâm tâm bà biết chỉ khi được làm người có ích cho xã hội ông mới thấy vui.
Thấm thoắt gần bốn mươi năm, trải qua bao biến cố thăng trầm, hai ông bà vẫn nắm lấy tay nhau để nuôi dưỡng tình yêu thủy chung, son sắt. Trong suốt buổi trò chuyện, khách thấy ông luôn nhìn bà bằng ánh mắt trìu mến. Còn bà lúc nào cũng cầm lấy đôi bàn tay rắn rỏi của ông. Những người sinh ra sau cuộc chiến như khách có lẽ không thể nào hiểu hết được thứ tình yêu có cả tình đồng chí. Bà nhìn bức ảnh cưới chợt thở dài. Nhiều năm nay, hai ông bà đã dành thời gian cùng nhau đi rất nhiều vùng đất khác nhau, gặp gỡ biết bao người. Nhưng có một nơi ông bà muốn đến để gặp lại những người đồng đội năm xưa tại Đoàn điều dưỡng 585, thì không thể nữa rồi. Bởi đơn vị đã giải thể, đồng đội cũ mỗi người mỗi phương trời, cũng chẳng biết ai còn, ai mất…
Ngoài trời, cơn mưa rào mùa hạ đã ngớt. Cây cối được mưa tưới tắm càng thêm thắm biếc tươi xanh. Ông chủ nhấp một ngụm trà, mời khách mau sang xưởng xem hàng kẻo tối muộn. Lúc đi qua sân nhà, khách một lần nữa nán lại ngắm những chiếc giày biết nở hoa. Hệt như cuộc đời gian khó mà tươi đẹp của người thương binh già ấy. Lúc hai người đi khuất khỏi ngõ, bà chủ vẫn đứng trong hiên nhà nhìn theo. Sau cơn mưa, phía hoàng hôn ẩn trong mây một cầu vồng dần dần xuất hiện…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin