Từ 7 năm nay, tuần nào, dịp lễ, tết nào Nhà văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng cũng luôn vang lên những câu hò, điệu hát của các làn điệu dân ca. Giữa nhịp sống sôi động của dòng chảy hiện đại, ta như chợt lắng lại khi bắt gặp những thanh âm ngọt ngào, tha thiết chở nặng tình người, tình đất để càng thấy tự hào, yêu thêm nguồn cội, quê hương.
Hoạt động của CLB làm sống dậy các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc anh em |
Ra đời vào tháng 10/2017, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca và nhạc cổ truyền Nhà văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng đã làm sống dậy các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền trong đời sống. Say các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc, nghệ sĩ đàn bầu Vũ Mạnh Đương cùng các nghệ nhân đã cùng nhau tập hợp lại thành một sân chơi rộng lớn với ý tưởng thành lập 1 CLB trên khắp toàn tỉnh. Đông đảo nghệ nhân, nghệ sĩ, những người có chung tình yêu với các làn điệu dân ca, dân vũ, nặng lòng với văn hóa truyền thống đã đến với CLB.
Từ chỉ có 5 CLB thành viên trên địa bàn Đà Lạt và Lâm Hà với 72 hội viên trong ngày đầu ra mắt. Trải qua 7 năm, CLB không ngừng lớn mạnh trở thành mái nhà chung của những người đang nắm giữ và thường xuyên luyện thực hành các làn điệu dân ca, dân nhạc; số CLB thành viên gia nhập ngày càng tăng lên. Qua 5 lần liên hoan, mỗi lần liên hoan là một cuộc trình diễn quy mô với các loại hình dân ca diễn xướng dân gian của các dân tộc anh em, các vùng, miền văn hóa hội tụ như chính sắc thái của cư dân ở Lâm Đồng. Liên hoan lần đầu vào tháng 11/2018 với 12 CLB thành viên tham gia, trên 200 nghệ nhân biểu diễn 58 tiết mục đặc sắc; đến liên hoan lần thứ 5 vào tháng 10/2023 có 28 CLB tham gia với 450 nghệ nhân biểu diễn 82 tiết mục; đặc biệt có 2 CLB đến từ tỉnh Bình Phước và Ninh Thuận. Tiếng vang của CLB đã lan ra tỉnh bạn, không chỉ dừng lại ở Ninh Thuận, Bình Phước mà tiếp tục thu hút các CLB dân ca đến từ Phú Quốc, Vũng Tàu.
Liên hoan dân ca và nhạc cổ truyền đã tạo sân chơi rộng lớn nuôi dưỡng các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc |
Các hội diễn trở thành ngày hội lớn của những người lao động yêu thích dân ca, có chung niềm đam mê, tình yêu với di sản văn hóa dân tộc. Qua hội diễn, các nghệ nhân đã làm sống dậy các câu hò, điệu lý, chèo, cải lương, quan họ, ví giặm, hát then, đàn tính, cồng chiêng, các tích tuồng cổ, các hình thức diễn xướng dân gian, các vũ điệu dân vũ, dân nhạc...; sưu tầm, gìn giữ nhiều làn điệu dân ca có nguy cơ bị mai một.
Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên đi đến từng các huyện, thành, thăm nắm tình hình hoạt động luyện tập của từng CLB thành viên, động viên nhau bằng tinh thần. Với đặc thù là CLB quần chúng nên kinh phí hoạt động chủ yếu do thành viên tự nguyện đóng góp phục vụ cho các hoạt động tập luyện, biểu diễn, xây dựng chương trình, mua sắm trang phục biểu diễn, nhạc cụ, tham gia các hội thi, hội diễn các cấp... Trong điều kiện khó khăn, nhưng bằng tình yêu với các làn điệu dân ca, nhiều CLB vẫn duy trì tốt các hoạt động, là nòng cốt cho việc gìn giữ, truyền dạy dân ca ở các địa phương. Có thể kể đến các CLB thành viên tiêu biểu như: CLB Dân ca xã Mỹ Đức (Đạ Tẻh), CLB Dân ca Hoài Đức, Lán Tranh, Tân Hà, (Lâm Hà), CLB Đàn tính xã Phi Tô (Lâm Hà), CLB Tiếng trống Mê Linh, CLB Tiếng hát quê hương xã Mê Linh (Lâm Hà)...
Nghệ sĩ Vũ Mạnh Đương - Chủ nhiệm CLB Dân ca và nhạc cổ truyền Nhà văn hóa Lao động tỉnh tâm sự: Chúng tôi coi những làn điệu dân ca của quê hương là những báu vật, không thể đánh mất, nên chúng tôi quyết tâm gìn giữ, làm lan tỏa vẻ đẹp để trao truyền cho thế hệ tiếp nối, để những giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc được sống mãi với thời gian.
Với sự duy trì sinh hoạt đều đặn hàng ngày, hàng tuần, mỗi năm các CLB thành viên đã tổ chức dàn dựng, tập luyện đưa đến công chúng gần 400 tiết mục. Các nghệ nhân trong các CLB đã tích cực tuyên truyền về những nét đẹp của làn điệu dân ca các dân tộc đến đông đảo người dân, vận động hội viên vừa tiếp tục sưu tầm tập luyện những bài dân ca lời cổ, vừa đẩy mạnh sáng tác đặt lời mới cho các làn điệu dân ca với chủ đề ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ngợi ca quê hương đất nước; về tinh thần đoàn kết dân tộc và cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới; đồng thời mở các lớp truyền dạy kỹ năng hát cho thế hệ trẻ. Hoạt động của CLB thành viên ở các buôn làng, thôn, xã thực sự là nòng cốt của phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, đưa phong trào đàn, hát dân ca phát triển rộng khắp trong cộng đồng dân cư, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân.
Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Nhà văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong rất nhiều CLB, nhiều hoạt động giáo dục, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao thì CLB dân ca và nhạc cổ truyền như “xương sống” của Nhà văn hóa Lao động tỉnh. Hoạt động của CLB và tâm huyết của các nghệ nhân, nghệ sĩ làm cho Nhà văn hóa không lúc nào vắng lời ca, tiếng hát. CLB Dân ca và nhạc cổ truyền đã thực sự tạo sinh khí cho hoạt động của nhà văn hóa. Không chỉ là những liên hoan tạo nên sân chơi rộng lớn, mà tất cả các sự kiện của Nhà văn hóa như: Tết cho lao động nghèo, biểu diễn, giao lưu văn nghệ kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày thống nhất đất nước và các sự kiện trọng đại hàng năm… CLB đều dàn dựng các tiết mục phong phú, biểu diễn những chương trình chào mừng công phu, ấn tượng. Bằng tâm huyết của mình, các nghệ nhân dân gian đã cùng với Nhà văn hóa Lao động tỉnh bảo tồn và phát huy có hiệu quả các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, làm sống dậy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của người lao động và của Nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin