Đạ Tẻh là vùng kinh tế mới, nơi hội tụ cư dân các vùng, miền, đa số các tỉnh miền Trung và một số tỉnh, thành phía Bắc về đây lập nghiệp. Được tách ra từ huyện Đạ Huoai năm 1986, 38 năm trước, Đạ Tẻh là vùng đất hoang sơ, với nhiều khó khăn. Song, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các thế hệ lãnh đạo huyện và tinh thần đoàn kết, nỗ lực của người dân, Đạ Tẻh phát triển vượt bậc, trở thành huyện nông thôn mới trù phú.
Với chủ đề:“Quê hương trên đường đổi mới và phát triển bền vững”, Trại sáng tác văn học, nghệ thuật (VHNT), do Hội VHNT Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Đạ Tẻh tổ chức vừa qua, đã “thổi” vào cảm xúc sáng tạo của 15 văn nghệ sĩ Chi hội VHNT Đạ Tẻh và Bảo Lộc. Để chỉ trong 10 ngày tham gia Trại, đã “tuôn chảy” thành những ý nhạc, lời thơ, những bức ảnh đa sắc màu, thể hiện sinh động cuộc sống nơi miền quê đáng sống này.
Lâm Đồng cuối tuần giới thiệu một số tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ tham dự Trại sáng tác.
Đạ Tẻh hôm nay. Ảnh: Đình Quýt |
Ký: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM
Mắt thấy, tai nghe
Tôi có người cháu tên là Đức. Nhà ở tận công viên Cầu Giấy (TP Hà Nội). Dịp cuối năm vừa rồi, vào thăm tôi tại trung tâm thị trấn Đạ Tẻh. Gặp nhau, cậu cháu mừng mừng tủi tủi, hơn mười năm qua mới lại được gặp trên mảnh đất này.
Là cậu ruột cháu, nhưng tôi không hơn bao tuổi, Đức sinh năm Mậu Tuất, còn tôi Kỷ Sửu. Đầu năm 1977, cháu nhập ngũ, công tác và chiến đấu tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động 29 Bộ Công an. Nhiệm vụ chính là tiễu phỉ ở Gia Lai. Sau về bảo vệ lăng Bác, bảo vệ lãnh tụ, hộ tống các đoàn khách quốc tế thăm Việt Nam. Đến năm 1990, do sức yếu được phục viên và sống ở Hà Nội cho đến nay. Còn tôi, cuối năm 1977, cũng xa gia đình vào công tác tại Vùng Ba (Đạ Tẻh, Lâm Đồng) bây giờ.
Trong một bữa cơm có hai người, khi nâng chén rượu ngon được nấu từ gạo nếp quýt dẻo thơm, nhắm với canh cá lăng đá nấu khế chua, bất ngờ cháu hỏi:
- Cậu ơi, sao lại đặt tên huyện là Đạ Tẻh? Có phải nó “tẻ nhạt” không?
- Thật bất ngờ, nhưng tôi hỏi lại: Đã mấy lần vào thăm cậu, thăm vùng đất này, cháu thấy thế nào?
Là người từng trải, đôi mắt sáng hơi nheo lại dưới vầng trán cao, Đức nói như đọc một cách thong thả:
- Nhanh, phát triển nhanh. Đẹp, cái đẹp rất cá tính của vùng đất trẻ. Thú thật với cậu, cháu thích sống ở đây hơn Hà Nội!
- ...
Thế rồi, như một cuốn phim đã được quay từ những lần tôi đưa cháu đi nhiều địa điểm đã được đầu tư, xây dựng, kể những dự định sẽ phát triển trong tương lai của Đạ Tẻh… Đức bắt đầu "mở máy":
- Cậu có nhớ hôm đưa cháu vào hồ thủy lợi Đạ Tẻh không? Chưa cần tôi trả lời, Đức nói say sưa như người trong cuộc, cháu nhớ là:
Từ những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, Công ty Tư vấn thủy lợi II đã tiến hành khảo sát địa chất công trình dự kiến xây dựng trên sông Đạ Tẻh thuộc xã Mỹ Đức. Qua khảo sát cho thấy toàn thân đập thiết kế nằm trên vùng than bùn, nếu xây đập, áp lực nước sẽ đẩy lớp than bùn dẫn đến rỗng thân đập sẽ không giữ được nước. Nên con đập được đưa ngược lên thượng lưu, rút lưu vực của hồ chứa xuống còn 198 km2 với hơn 100 ha mặt nước, dung lượng 24 triệu m3.
Tuy nhiên, sau thời gian đắp đập, Ban quản lý Dự án 416 đã cho ngừng thi công với nhiều lý do. Bao nhiêu mong đợi, hy vọng có nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của hàng vạn người bị dập tắt. Nhiều người có ý định bỏ đi nơi khác sinh sống.
Trước tình hình trên, Huyện ủy, UBND huyện đã tìm mọi cách tác động. Đã có đơn kiến nghị với hàng chục chữ ký và con dấu gửi Trung ương. Ông Nguyễn Giới - Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, phụ trách phía Nam đã về tận nơi xem xét. Nhận ra những nguồn lợi to lớn mà công trình mang lại, nhất là việc giữ được dân yên tâm ở lại xây dựng vùng kinh tế mới chiến lược, ông thể hiện quyết tâm:
- Bác Hồ đã dạy: “Làm thủy lợi dù vất vả mươi năm nhưng để cháu con sung sướng muôn đời”. Dẫu khó khăn đến mấy cũng phải tiếp tục khởi công.
Và cuối năm 1992, công trình được chặn dòng. Nguồn nước mát như dòng sữa mẹ vun bồi cho cuộc sống sinh sôi. Những người muốn ra đi đã yên tâm ở lại. Những người đã ra đi giờ muốn quay về. Đến nay, công trình thủy lợi Đạ Tẻh đã phát huy tác dụng to lớn. Không kể các hệ thống kênh rẽ, riêng kênh chính, kênh Đông và kênh Nam đã có chiều dài 18.206 m, cấp nước tưới cho 2.300 ha đất canh tác, nuôi cá và nước sinh hoạt. Ngừng một lát, Đức có vẻ triết lý:
- Người đi trước đã khơi nguồn cho sự sống. Thế hệ của cậu và con cháu sau này cần giữ nước như... giữ lửa! Đúng không cậu?
Tôi không trả lời ngay câu hỏi của Đức. Tôi muốn cháu hiểu thêm một vùng đất mới đang phát triển như Đạ Tẻh hôm nay, tôi bảo:
- Hôm trước cháu hỏi cậu, sao lại đặt tên huyện là Đạ Tẻh, có phải là sự “tẻ nhạt” không? Đức ạ: Cũng như một đời người, từ lúc lọt lòng mẹ đến khi trưởng thành đều trải qua những phút giây khóc, nói, cười, hạnh phúc. Hình thành một vùng đất, một khu dân cư, cũng đi từ hoang sơ đến trù phú, cũng từ năm tháng thăng trầm cho ra hoa, kết trái và để lại những dấu ấn không phai mờ...
Huyện Đạ Tẻh cũng vậy. Trước năm 1975, vùng đất này thuộc quận Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Về phía chính quyền cách mạng, trước năm 1975, huyện Đạ Tẻh ngày nay nằm trong vùng căn cứ địa cách mạng tỉnh Lâm Đồng, giữa hành lang chiến lược các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phước Long, Đắk Lắk, còn được gọi là K4.
Sau ngày 30/4/1975, K4 được sáp nhập vào huyện Bảo Lộc, vùng đất Đạ Tẻh ngày nay được gọi là xã Lộc Trung. Từ giữa năm 1976, thực hiện chủ trương của Nhà nước trong việc bố trí và điều động dân cư, xây dựng vùng kinh tế mới.
- Cháu hiểu, sau gần 40 năm xây dựng và phát triển, diện mạo Đạ Tẻh hôm nay đã và đang đổi thay từng ngày. Những cái gây ấn tượng nhất với cháu, cậu biết không, trước tiên là: Tiếng loa công cộng từ đài truyền thanh. Sáng nào đi bộ trên đường, cháu đều nghe chương trình của đài huyện, rất thiết thực, gần gũi với đời sống hàng ngày.
Thế mà ở Hà Nội, có người còn lên tiếng “dẹp bỏ cái loa phường ồn ào đi”. Dẹp thì dễ, nhưng để tuyên truyền, hướng dẫn dư luận... thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương đến tận tai người dân thì không có gì thay thế được phương tiện này. Nhanh, tiện lợi, hiệu quả cậu ạ.
Thứ hai là các cụm đèn xanh, đỏ hướng dẫn giao thông ở các đường giao nhau trong thị trấn. Cháu nghĩ, chỉ ở các thành phố đông người mới có. Nhưng Đạ Tẻh đã đi trước, đón đầu. Vừa đảm bảo an toàn trước mắt, vừa hướng tới một nếp sống văn minh, hiện đại lâu dài cho mọi người.
- Và thứ ba là… Tôi ngắt lời cháu: Còn nhiều nữa phải không? Đúng “Tranh trông xa, hoa nhìn gần” mà. Bức tranh Đạ Tẻh hôm nay đang ngày càng hiện lên rõ nét các sắc màu. Đồng bào các dân tộc đoàn kết gắn bó, đời sống tinh thần, vật chất ngày càng phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Tiếp tục gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và môi trường… tất cả vì mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống của mọi người.
Tôi thân mật vỗ vai rồi nhìn thẳng vào mặt cháu: Thế nào, cháu yêu, có còn thấy “tẻ nhạt” nữa không? Cái địa danh của một vùng đất không phải là tất cả. Dù nay mai huyện Đạ Tẻh có thể có tên khác. Nhưng cái còn lại mãi mãi, nói như đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Đức Thái tại buổi khai mạc Trại sáng tác văn học - nghệ thuật Đạ Tẻh năm 2024:
- Dù ở đâu mà luôn đẹp cảnh quan, luôn đẹp tình người... thì ở đó sẽ là nơi đáng sống.
Tôi giơ cao cánh tay, nói to: Anh có đồng ý thế không?
- Dạ, cháu xin giơ cả hai tay ạ.
Chúng tôi nắm chặt tay nhau như cái cách cầu thủ bóng đá thường tỏ rõ quyết tâm trước trận đấu...
NGUYỄN THỊ TUYẾT LOAN
Đạ Tẻh tình em
Mời anh về Đạ Tẻh cùng em
Miền quê mới đang từng ngày thay đổi
Ba tám tuổi độ thanh xuân phơi phới
Kiêu hãnh vươn mình sánh bước đi lên
Đẹp làm sao từng lối phố thênh thênh
Nhà cửa khang trang người xe tấp nập
Cô gái Tôn KLong lưng gùi e ấp
Cõng xuân ngời buôn sóc thơm hoa
Em đưa anh thăm Triệu Hải hiền hoà
Thác Bảy Tầng bắc qua dải lụa bạc
Trăng Đạ Pal hoà âm vang suối nhạc
Tiếng chim rừng miền sơn cước hoang sơ
Sơn thủy hữu tình gieo ý nhạc vần thơ
Ngắm sóng biếc phất phơ lồ ô hát
Đập Đạ Mí gương trong soi gió mát
Cò lả rập rờn bát ngát lúa An Nhơn
Đèo Con Ó sương giăng giăng mây vờn
Quốc Oai, Mỹ Đức rập rờn ong bướm
Măng cụt, sầu riêng, buởi da xanh giống mới
Cá suối rau rừng men đượm rượu cần cong
Nước Đại Hàm vẫn biêng biếc một dòng
Như hồn quê nặng lòng chung thủy
Đoàn kết yêu thương tựa tre xây thành lũy
Qua thăng trầm toả sáng những vì sao…
HOÀI AN
Tự hào quê ta
Anh về Đạ Tẻh cùng em
Có con sông mát, có triền núi cao
Có mây đồng cỏ ngạt ngào
Có bầy nhạn trắng ẩn vào chân mây
Tự hào trang sử đất này
Rừng ngăn bước giặc, núi vây bốt thù
Đất là hầm ẩn chiến khu
Đất là mẹ, đất dưỡng ru trí nồng
Vượt qua lửa đạn bão giông
Bước qua gian khó thành đồng dựng lên
Tự hào Đạ Tẻh không quên
Ơn người soi đuốc lửa thiêng dẫn đường
Anh về Đạ Tẻh thân thương
Thăm đồng lúa chín, thăm vườn ngát xanh
Thăm con suối mát trong lành
Thăm em gái nhỏ tóc xanh ngày nào…
Tình quê nồng ấm môi trao
Nụ cười tỏa nắng tự hào quê ta!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin