Văn hóa là căn cốt của một dân tộc văn hiến, văn minh, là sức mạnh mềm tạo nên tầm vóc mỗi dân tộc. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều trí tuệ, tâm huyết và kỳ vọng cho vấn đề này, đặt nền móng cho một đề cương văn hóa trong hình hình và nhiệm vụ mới.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức biên tập, xuất bản |
Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do; xây dựng, bảo vệ, đổi mới và phát triển đất nước, văn hóa là một lĩnh vực vô cùng quan trọng. Chính vì thế, ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, giữa lúc chiến cuộc thế giới và tình hình trong nước đang nước sôi lửa bỏng, công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, Đảng ta vẫn tập trung nghiên cứu sâu sắc lĩnh vực này và công bố Đề cương về văn hóa Việt Nam do chính Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đề cương đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lúc đó, góp phần to lớn vào thành công của cách mạng, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Tuy nhiên, như chính đồng chí Trường Chinh nhìn nhận trong dịp kỷ niệm 40 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đề cương có nhiều hạn chế vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Đảng ta chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu sắc, toàn diện các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc đã thành công, chúng ta chuyển trọng tâm sang xây dựng, bảo vệ cũng như đổi mới và phát triển đất nước. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu nghiêm túc và vạch ra những luận đề bao quát cho một đề cương mới của văn hóa Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm nhận sâu sắc đòi hỏi này của thực tiễn. Ông đã giành nhiều tâm huyết nghiên cứu toàn diện vấn đề này. Các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, tư tưởng,… của Tổng Bí thư mới được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tổng hợp thành cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" ra mắt ngày 21/6 vừa qua cho thấy phạm vi bao quát rộng lớn, nghiên cứu toàn diện một trong những vấn đề mà đồng chí tâm huyết, trăn trở và am tường sâu sắc nhất.
Cuốn sách hệ thống những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa Hồ Chí Minh, cũng như đường lối, quan điểm khoa học, sáng tạo của Đảng về văn hóa, đồng thời làm sâu sắc, phong phú, sống động hơn nữa những căn cốt về văn hóa, đặc biệt là những luận đề sau đây:
Trước hết, văn hóa là giá trị sáng tạo tinh hoa, tinh túy; là hồn cốt, sinh khí; là sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc. Văn hóa còn là dân tộc còn. Văn hoá soi đường cho quốc dân đi.
Thứ hai, văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để phát triển đất nước, là một trong những trụ cột nền tảng của phát triển. Vì thế, cần phát triển văn hóa đồng bộ, ngang bằng với chính trị, kinh tế, xã hội; làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi mặt, mọi mối quan hệ xã hội; kiến tạo hệ giá trị văn hóa làm cơ sở định hình chuẩn mực giá trị đạo đức và sức mạnh của con người Việt Nam.
Thứ ba, nền văn hóa mà Đảng và nhân dân ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; mang tính thống nhất trong đa dạng; vừa thấm đậm tinh thần dân tộc và tích hợp các giá trị văn hóa các dân tộc trên lãnh thổ nước ta, vừa tiếp thu và đóng góp cho tinh hoa văn hóa nhân loại. Coi văn hóa là sức mạnh mềm, thành tố quan trọng của sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
Thứ tư, con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Nhân dân vừa là người sáng tạo, vừa là người thụ hưởng văn hoá. Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam với trí lực, tâm hồn, nhân cách; tôn trọng sự biểu đạt đa dạng của văn hoá của các dân tộc và vùng miền; đẩy mạnh các phong trào văn hoá sâu rộng và hiệu quá, xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trên tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội thành quy tắc ứng xử trong xã hội, cộng đồng, công sở và không gian mạng; phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức... là những nhân tố đặc biệt quan trọng tạo nên tầm vóc của một dân tộc văn hiến, một đất nước văn minh.
Thứ năm, kiên trì học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong Đảng làm nòng cốt để xây dựng, chấn hưng văn hóa dân tộc; cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương về văn hóa, đạo đức.
Đây là những luận đề rất quan trọng mà Tổng Bí thư đã nghiên cứu sâu sắc và luận giải thuyết phục trong các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn,… suốt hàng chục năm nay. Đó là kết tinh trí tuệ, tâm huyết và kỳ vọng của một người hết lòng vì Đảng, vì dân và được toàn Đảng, toàn dân tin yêu, kính ngưỡng.
Những luận đề nói trên đã định hướng nhận thức, dẫn dắt hành động đối với toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; có sức cảm hóa sâu, lan tỏa rộng đến mọi cộng đồng và tầng lớp nhân dân. Có thể nói, những luận đề ấy thực sự là nền tảng cơ sở cho một đề cương văn hóa mới trong thời đại hiện nay.
(Theo chinhphu.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin