Là một trong 54 dân tộc anh em, người Churu có dân số 24.000 người, cư trú chủ yếu ở Lâm Đồng (97%) tại các xã Đà Loan, Ninh Loan, Tà Hine, Tà Năng, Đạ Quyn (Đức Trọng); xã Tu Tra, Pró, Ka Đơn, Lạc Lâm, Lạc Xuân (Đơn Dương). Một phần nhỏ chưa đến 1.000 người cư trú ở các xã Phan Sơn, Phan Lâm huyện Bắc Bình - Bình Thuận, giáp ranh với Lâm Đồng.
Những nét đẹp văn hóa trong hôn nhân mẫu hệ của người Churu được gìn giữ |
Người Churu định canh định cư và làm ruộng từ lâu đời, thực hiện hôn nhân một vợ một chồng. Gia đình theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân; sau hôn lễ, người con trai về ở bên nhà vợ; con cái sinh ra mang họ mẹ; gia tài, ruộng vườn được truyền cho con gái.
Kể từ lúc mẹ cô gái trùm chiếc khăn thổ cẩm trắng lên đầu cô dâu, chú rể trong lễ cưới như một sự gắn kết trăm năm; giây phút thiêng liêng đó đánh dấu họ chính thức trở thành vợ chồng. Họ cùng lắng nghe hai bên cha mẹ, dòng họ dặn dò, răn dạy về đạo nghĩa vợ chồng, về dựng xây tổ ấm gia đình. Mẹ chàng trai dặn: “Con phải luôn yêu thương, đùm bọc vợ con, có rau ăn rau, có cá ăn cá, có bắp ăn bắp, hai con phải sống vui vẻ, đẻ cho cha mẹ một đàn con trai, con gái”. Mẹ cô gái dặn: “Trai lớn gả vợ, gái lớn bắt chồng. Hai con ưng nhau, lấy nhau thì phải nhớ giữ lấy nhau, thương nhau, nuôi vợ con, lo cho bố mẹ vợ, anh em trong gia đình; đừng hiếp dọa con. Đói nghèo hai vợ chồng làm nương, làm rẫy, nuôi thân mình, nuôi bố mẹ; chăm cho các con từ khi tóc mình đen đến khi tóc trắng, không được bỏ nhau, nhớ lấy đừng quên con nhé”. Ông cậu dặn chàng trai: “Bây giờ cháu thuộc về nhà người ta rồi, thì phải tuân theo những nếp ăn ở của nhà người ta, phải sống chung thủy, yêu thương vợ mình, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, cùng nhau vượt qua hoạn nạn”...
Người đàn ông sau khi được “bắt” về nhà vợ, những ngày đầu sẽ theo bố vợ lên rừng lấy củi, đi săn, ra đồng cày ruộng, cùng vợ đi rẫy, tỉa bắp, gieo hạt, tham gia vào các công việc lao động sản xuất. Một năm đầu, chàng rể ở chung với gia đình nhà vợ, ăn chung, làm chung; sau đó hai vợ chồng trẻ có thể làm nhà ra ở riêng, ăn riêng tùy theo ý mình. Mọi việc lớn, nhỏ trong gia đình từ nuôi dạy con cái, làm ăn, lao động sản xuất đều được hai vợ chồng bàn bạc, thảo luận; nhưng quyền quyết định cuối cùng là của vợ, mẹ vợ. Tuy nhiên, vị trí và vai trò của người chồng không vì thế mà bị xem nhẹ.
Trường hợp, gia đình nhà vợ hà khắc, người đàn ông cũng cố sống vì vợ vì con, không ai bỏ về nhà mình, vì nơi đó không còn chỗ dành cho anh, tự ý bỏ về cũng sẽ bị cha mẹ, chị em trong gia đình không chấp nhận và phải trả lại lễ vật thách cưới cho nhà gái, nên họ luôn mong sống tốt đẹp để gia đình nhà vợ ngày càng yêu quý.
Nghệ nhân ưu tú Ma Bio (thôn Diom, Lạc Xuân, Đơn Dương) cho biết, từ xưa đến nay, đàn ông Churu khi đã được “bắt” làm chồng, sẽ toàn tâm toàn ý sống với gia đình nhà vợ, sống làm người nhà vợ, chết làm ma nhà vợ. Những ngày đầu mới về, chàng rể sẽ sống cùng gia đình nhà vợ, có khi là 3 - 4 thế hệ. Thấy bố vợ làm việc gì, cũng cùng bắt tay làm việc nấy, cùng gánh vác mọi việc nặng nhọc trong gia đình. Mối quan hệ giữa bố vợ và con rể luôn hòa hợp, gần gũi bởi họ cùng làm, cùng ăn, cùng uống rượu cần mỗi đêm bên bếp lửa. Mẹ vợ quý con rể để chàng rể chăm chỉ làm ăn, yêu thương con gái mình, toàn tâm toàn ý chăm lo cho cuộc sống.
Hôn nhân một vợ, một chồng, chung thủy đã được xác lập từ xa xưa trong cộng đồng người Churu. Vợ chồng sống chung thủy, trách nhiệm với nhau, cùng nuôi dạy con cái nên người. Nếu vợ qua đời, người đàn ông sẽ không bỏ về nhà bố mẹ, mà ở lại nhà vợ nuôi con, chăm lo cho bố mẹ vợ, nên họ khó có cơ hội được “bắt” làm chồng mà đi bước nữa. Qua nhiều năm tháng, nếu có tình cảm với chị hoặc em gái của vợ thì sẽ diễn ra tục “nối dây”, nhưng với điều kiện chị, em gái của vợ chưa có gia đình, hoặc chồng chết; những việc “nối dây” không ép buộc, do đôi bên cùng đồng thuận. Nếu gia đình nhà vợ không có ai phù hợp “nối dây” thì người đàn ông ở vậy bên nhà vợ.
Nếu không thương chàng rể, sau khi con gái qua đời, nhiều gia đình nhà vợ sẽ đưa chàng rể về nhà cha mẹ đẻ, dù người đàn ông cũng không muốn, vì đã được gả đi, nhà bố mẹ đẻ không còn chỗ cho anh, cha mẹ đã già, các chị em gái đều có danh phận được chia đất đai, trở về sẽ không còn nơi chốn nào. Còn nếu người đàn ông tự ý bỏ đi, sẽ không được mang theo con và phải trả lại mọi lễ vật đã thách cưới cho nhà vợ. Nghệ nhân ưu tú Ma Bio kể, bà có người cháu gái 41 tuổi vừa qua đời vì bệnh, để lại cho chồng 45 tuổi 2 đứa con. Gia đình dòng họ của bà không làm lễ đưa cháu rể về nhà cha mẹ đẻ. Mọi người trong gia đình, dòng họ vợ động viên anh ở lại, nuôi các con trưởng thành, rồi thương yêu ai, ai “bắt” thì cứ tiếp tục đi bước nữa.
Từ xa xưa, phụ nữ Churu không có khái niệm bỏ chồng, đã yêu, đã chọn và “bắt” về làm chồng là chung sống hòa hợp, quan tâm, chăm sóc trọn đời, chỉ có cái chết mới chia lìa được họ. Người Churu theo chế độ mẫu hệ chứ không phải nữ quyền, cho nên, người phụ nữ đi kèm với vị thế, cũng là những trách nhiệm vô cùng nặng nề. Khi đã có gia đình, người phụ nữ đóng vai trò người chồng, người cha, trở thành “trụ cột” trong gia đình, họ không chỉ có trách nhiệm sinh con đẻ cái, giữ mọi của cải, mà còn phải thạo cả việc lên nương, làm rẫy; thừa kế, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ đẻ lúc tuổi già. Có trường hợp “bắt” phải người chồng lười biếng, ham chơi, người phụ nữ kém may mắn thường chịu đựng, luôn cầu mong một ngày Yàng phù hộ cho người chồng thay đổi, sống có trách nhiệm với gia đình vợ con, chứ không bao giờ có ý định bỏ chồng. Vì vậy, ly hôn là trường hợp vô cùng hiếm gặp trong gia đình người Churu từ xưa đến nay.
Nhiều trí thức Churu cho rằng, dân tộc họ đã phát triển từ rất lâu đời cùng với việc lập làng định canh định cư, làm thủy lợi trồng lúa nước, phát triển các nghề truyền thống, nhưng chế độ mẫu hệ là một yếu tố làm cộng đồng dân tộc họ chậm phát triển hơn trong dòng chảy lịch sử. Lý giải về điều này, họ cho rằng chế độ mẫu hệ chỉ phù hợp với một giai đoạn phát triển nhất định, khi xã hội ở vào hình thái kinh tế săn bắt hái lượm. Vì người đàn ông sức dài, vai rộng là lực lượng lao động chính trong gia đình, xã hội thì cả cuộc đời sống thụ động, không được quyền chủ động. Thay vì những người phụ nữ chân yếu tay mềm từ bé đã lo lao động làm lụng vất vả, tích cóp tiền của để lớn lên “bắt chồng”; thì đàn ông từ khi sinh ra lớn lên ở với cha mẹ đẻ được chiều chuộng, trước sau gì cũng theo vợ đến ở nhà người, họ vừa làm vừa chơi vì mang tâm lý “có làm lụng như những người phụ nữ trong nhà thì đến ngày đi lấy vợ cũng không mang theo được gì”. Đến khi về ở nhà vợ, thì mọi việc do vợ và mẹ vợ quyết định, họ tiếp tục ở thế bị động, không ít người đàn ông có suy nghĩ ỷ y mọi việc đã có vợ lo nên làm ăn cầm chừng. Đến khi cha mẹ vợ già về với tổ tiên, người đàn ông có vị thế hơn trong nhà thì cũng đã già, lúc đó con gái và vợ tiếp tục là những người quyết định mọi việc trong gia đình. Hầu hết những người đàn ông cả đời trong trạng thái bị động, không ở thế chủ động sẽ tạo sức ỳ lớn cho một cộng đồng. Như vậy là lãng phí cả nguồn thể lực và trí lực đối với sự phát triển kinh tế gia đình, phát triển cộng đồng, phát triển xã hội…
Trai gái Churu hôm nay đi học hành, lao động, công tác ở khắp nơi, họ sống tự lập, tự xây nên ngôi nhà của riêng mình, dù vẫn giữ chế độ gia đình mẫu hệ, con cái theo họ mẹ, dù chàng trai vẫn được nhà gái mang trầu cau đến hỏi, nhưng đàn ông Churu đã chủ động quyết định đời mình, họ chủ động trong hôn nhân, tự do lựa chọn bạn đời, nhiều người đàn ông Churu đã cưới vợ về ở nhà mình. Những giá trị tốt đẹp về đạo nghĩa vợ chồng, thủy chung, son sắt, xây dựng gia đình bền vững trong gia đình mẫu hệ vẫn được gìn giữ. Để những thế hệ mới của người Churu lớn lên trong tinh thần chủ động, góp hết sức mình xây dựng tổ ấm gia đình, dựng xây buôn làng, quê hương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin