Bạn quý

Truyện ngắn: MAI ĐÌNH 05:42, 08/08/2024
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Những cuộc gọi đi không có tín hiệu, mỗi một tiếng “tít” vang lên, trái tim Thư lại nhói lên một khắc. Thư hoảng hốt, rồi tức giận, rồi điên cuồng kiếm tìm sự giúp đỡ, cho đến lúc này thì chỉ muốn ngã khuỵu. Gần nửa tỷ bạc với các doanh nhân chính hiệu chỉ như đá ném ao bèo, nhưng với một “dân buôn” tự do vừa ngưỡng “đầu ba” như cô, thì không hề nhỏ. Cô giận mình đã bị sự tham lam chiếm hữu mà mất cảnh giác dâng tiền bạc cho kẻ xấu. Nhớ tới khoản tiền đã cho Hằng vay vài năm trước, Thư liền bấm số gọi, giọng khẩn khoản:

- Hằng à, tôi đang cần tiền gấp, bạn xem thu xếp trả lại 300 triệu tôi cho mượn trước kia nha.

- Tôi hiện giờ hết sạch tiền, vừa đầu tư mở thêm một studio mới ở tỉnh khác, chịu chết rồi. Mà khoản vay đó tôi vẫn gửi lãi hàng tháng đầy đủ mà - Hằng đáp lời.

- Làm sao để có tiền trả tôi là việc của bạn, tôi không biết. Hai ngày nữa chuyển khoản giúp tôi đấy.

- Rồi rồi, để tôi tính coi sao.

Hai ngày chờ đợi, Thư khấp khởi hi vọng. Hi vọng có khoản tiền Hằng trả, cô sẽ dùng nó để nhờ người tìm Di. Nghĩ lại hành trình mười năm lập nghiệp của mình, Thư thấy bản thân liều lĩnh lắm. Người ta thường nói vui “liều ăn nhiều”, nhưng Thư thì liều quá hoá dại lúc nào không hay. Học chuyên ngành tài chính ngân hàng, Thư giỏi tính toán, số hai thì đố ai số một. Đấy là bạn bè xưa kia chung lớp, chung ký túc xá thường trêu thế. Bởi ngay từ khi còn là sinh viên, Thư đã biết cách kiếm tiền sinh hoạt, đóng học phí, chi tiêu thoải mái nhờ các tài năng khác ngoài chuyên môn như trang điểm, bán mỹ phẩm, quần áo Quảng Châu… Thư mon men vào sâu chợ đầu mối An Đông lấy hàng “đẹp và rẻ”, đem ra một góc chợ đêm bày bán. Mỗi ngày bán vài ba tiếng đồng hồ, lãi lời bình quân cũng đôi ba trăm, với một sinh viên mà nói, chừng ấy quá rủng rỉnh rồi. Ra trường, Thư không xin vào làm ngân hàng hay các công việc liên quan bàn giấy như chúng bạn, mà nhờ cha mẹ thế chấp sổ đỏ vay 50 triệu, mở tiệm bán quần áo. Trời cho Thư khả năng thẩm mỹ tốt, tư vấn áo váy, phối đồ chuẩn chỉnh chẳng khác stylist chuyên nghiệp là mấy. Khách ưng bụng nên cứ nườm nượp tới, rồi quay lại thành quen. Lấy bé nuôi lớn, từ hàng “ngon, bổ, rẻ” dần chuyển qua “sang, xịn”, cửa hàng thời trang “Thư Clothing” của cô khá nổi tiếng trong thành phố. Nắm bắt tâm lý khách hàng, đi mua quần áo mà thấy có mỹ phẩm thể gì cũng ngó nghiêng, chỉ cần “thao túng tâm lý” một lúc là bán được hàng ngay. Thế là Thư lại đầu tư thêm mảng mỹ phẩm, dành riêng một góc nhỏ trong cửa hàng thời trang để bày bán. Mỹ phẩm Thư nhập về qua trung gian là người em họ ở quê có chị chồng định cư bên Úc, nên nguồn hàng đảm bảo chính hãng, uy tín. Chị em liên kết được hơn một năm thì đứt quãng vì người em chuyển công việc, lại sinh con nhỏ nên không buôn bán nữa. Giữa lúc nguồn cung đang bập bõm, thì Di xuất hiện.

Di đến mua quần áo, một lúc thanh toán cả gần chục triệu bạc. Khi ghé qua góc mỹ phẩm thấy toàn hàng Úc, cô phấn khích khoe với Thư mình là du học sinh, lấy chồng và định cư bên đó đã 5 năm. Thế là trong một tháng về Việt Nam thăm gia đình, Di và Thư kết thân, tính toán cùng nhau mở cửa hàng bán mỹ phẩm Úc chính hãng. Kế hoạch cung cấp, bao chất lượng bao giá cả hàng hoá theo miệng Di mà ngời ngời thành quả. Sau khi Di về lại Úc, Thư bắt đầu nhận mỗi tháng một chuyến hàng. Nhiều chuyến Di săn sale được nhiều, nên Thư thu được khoản lãi khá hời. Ba tháng, rồi sáu tháng, hàng về đều đặn, Thư bán trực tiếp và còn phân phối cho một số người bán lẻ nữa. Mỗi chuyến hàng không chỉ dừng ở vài, ba chục triệu, mà dần lên tới trăm triệu. Lấy lí do gom hàng nhiều, nên Di bắt đầu kêu Thư phải cọc trước. Trò chuyện qua lại với Di, Thư có cảm giác tin tưởng lạ lùng, cứ thẳng tay chuyển tiền đi mà không chút cấn cá gì. Thấy việc hợp tác trôi chảy, vì hàng uy tín nên khách rất đều, Thư thuê hẳn mặt bằng mở cửa hàng. Cả năm làm ăn chắc chắn, chị em nghe ra tình thương mến thương quá, nên khi nghe Di nói đang gặp chút khó khăn về kinh tế, cần vay một khoản để xoay xoả, Thư liền chuyển ngay tài khoản Di hai trăm triệu cái rẹt. Di nói tiền đó sẽ bù qua để lấy hàng luôn, nên Thư tin tưởng lắm. Thư cứ như bị bùa mê, nghe Di nói khoản vay của cô chưa có để trừ vào tiền hàng, nên trước mắt cứ chuyển cọc qua. Kỳ này hàng đang dần khan nên sẽ lấy nhiều gấp đôi, gấp ba các lần trước. Đợi ít nữa thu xếp được thì cô ta sẽ trừ tiền vay vào chuyến hàng sau. Thư lại gom hơn hai trăm triệu nữa chuyển đi, nhưng chờ hàng cả tháng không về tới. Sốt ruột hỏi han thì Di cọc, nói buôn bán phải có lúc này lúc kia, cơm không ăn gạo còn đó. Và giờ thì… Di biến mất không dấu vết. Sự việc vỡ lở, Thư mới ngớ người vì chẳng biết gì về Di ngoài trang facebook cá nhân và số điện thoại liên hệ bấy nay. Quen thân chóng vánh nên nhà cô ta ở đâu, cha mẹ, anh em, bạn bè như nào, Thư hoàn toàn không biết. Mấy tháng hụt vốn, thiếu hàng nên cả cửa hàng thời trang và mỹ phẩm đều thu chẳng đủ bù chi, nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng ba, bốn tháng liền gần cả trăm triệu…

Thư đăng tin lên một hội nhóm những người định cư ở Úc kể rõ sự tình, thì có người nhắn tin riêng, nói là có biết Di. Rằng cô ta đã lừa nhiều người rồi, nếu cần thì chuyển sang 50 triệu, họ sẽ nhờ cơ quan an ninh bên này hỗ trợ giúp Thư. Người này cung cấp cho Thư địa chỉ nhà ở Việt Nam, Thư đã đến tận nơi tìm hiểu và xác nhận, nên quyết bỏ thêm một khoản cho họ, hi vọng có thể tìm Di và lấy lại tiền.

***

Hai ngày trôi qua, tài khoản của Thư không có biến động mới. Sốt ruột, cô tìm đến cửa hàng ảnh viện áo cưới của Hằng, vừa hay gặp Hằng từ trong tiệm đi ra:
- Bạn ơi, tiền của tôi có chưa? - Thư gấp gáp.

- Chưa có đâu, tôi kỳ nay đang bí lắm, để thêm thời gian nữa đi nha, nha…


- Không được, hôm nay bạn phải trả cho tôi ngay. Nể tình bạn bè nối khố mấy mươi năm tôi mới cho mượn, bạn không thể làm ngơ khi tôi khó khăn chứ.

- Nhưng hiện giờ tôi không có, lấy gì trả. Thôi giờ trong ví còn dăm triệu đây, thiếu thì lấy dùng đỡ đi.

- Con ranh này, mày nói thế mà nghe được à, mày nợ tao cả 300 triệu đấy!

- 300 triệu á? Có giấy nợ à? Đưa ra đây rồi tao trả.

- Tao với mày thân thiết như nào, làm gì có giấy nợ, hả?

- Không có thì đi đi, đừng làm phiền tao nữa.

Nói rồi Hằng lên xe ô tô, phóng vụt đi. Thư chạy xe ra công viên, tức tưởi khóc. Bạn bè cởi truồng tắm mưa với nhau mà còn lừa nhau vậy nữa, huống chi... Thư kiệt sức ngồi đó, bỗng nghe có tiếng động phía sau lưng, giật mình quay lại thì thấy một người phụ nữ với chiếc xe đạp ngã lăn nằm bất động. Thư chạy tới đỡ người phụ nữ dậy, chị ta yếu ớt nói:

Tôi bị choáng do rối loạn tiền đình cô ạ. Cô đưa tôi về giúp, tôi có thuốc ở nhà, nghỉ ngơi là đỡ thôi.

Thư đưa người phụ nữ về chung cư, sau khi uống thuốc thì chị nằm mê mệt. Cô chưa hỏi được thông tin người nhà hay bạn bè, để chị lại một mình không yên tâm nên chưa dám rời đi ngay. Tới gần trưa thì chị tỉnh dậy, dáng vẻ vẫn còn khá mệt. Thư sửa soạn nấu bữa trưa rồi cả hai cùng ăn. Chị trải đời nhiều nên nhìn qua là biết Thư đang có chuyện. Thư buồn bã kể hết sự tình, chị thở dài chua xót:

Thôi em ạ, coi như của đi thay người. Ăn cướp trên mồ hôi nước mắt của người khác vậy, đời họ cũng chẳng khá đâu. Chị làm bên mảng du lịch nên đi vắng nhiều hơn ở nhà, hay em cứ dọn đến đây ở tạm, khi nào kiếm được việc làm, ổn định thì chuyển ra.

Cửa hàng thời trang Thư thuê có gác xép để ở luôn, nay chủ đã lấy lại mặt bằng nên cô cũng chưa có nơi nào để đi, đành xuôi theo ý chị. Đúng là chị đi vắng suốt, mỗi tuần ghé nhà chỉ một, vài ngày, thành ra Thư cũng khá thoải mái. Chị khuyên Thư đi xin việc, làm đúng ngành học là tốt nhất. Rồi Thư được nhận vào một ngân hàng chi nhánh ngay trung tâm thành phố. Chị lại nài nỉ Thư cứ ở lại coi sóc nhà cửa giúp chị, dành tiền lương mà thu xếp những khoản nợ nần trước kia. Nửa năm trôi qua, nhiều lần Thư tìm đến Hằng đòi nợ, song lần nào cô cũng phải ra về tay không vì dường như Hằng biết cô sẽ đến nên tránh mặt, chẳng gặp được. Gọi điện thì Hằng không chịu nghe máy. Thư giận lắm, tính mấy hôm nữa sẽ về quê tìm bố mẹ, anh em của Hằng nói chuyện cho ra nhẽ. Khi cô ta cần tiền, Thư nào căn ke, tính toán gì, giờ sao lại “nuốt” tiền của cô như thế được. Thư cũng tính dọn ra ngoài vì việc làm và công nợ đã thu xếp hòm hòm, nên tranh thủ cuối tuần chị nghỉ tour, Thư thưa chuyện:

- Cảm ơn chị thật nhiều vì thời gian qua đã giúp đỡ em. Công chuyện của em cũng dần ổn rồi, em không thể phiền chị thêm nữa.

- Em không cần dọn đi đâu cả. Căn chung cư này, ngay từ đầu đã là của em! - Chị nói.

- Chị nói gì thế, sao nhà này lại là của em được. Chị đùa em à?

- Là Hằng đã dùng số tiền nợ em và bù thêm một khoản nữa để mua căn hộ này. Cũng chính cô ấy đã sắp xếp, nhờ chị đưa em về đây. Công việc của em, cũng là Hằng tìm người quen hỗ trợ.

- Chị nói sao, Hằng là người làm tất cả?

Thư ngồi lặng nghe chị kể hết. Mới biết Hằng luôn quan tâm chuyện làm ăn buôn bán của Thư, cũng đã âm thầm điều tra kẻ lừa đảo. Gặp Di một lần cà phê xã giao, nghe cái cách Di ngọt nhạt chiêu trò, Hằng lờ mờ cảm nhận cô ta không phải người tốt đẹp gì. Lúc này Thư mới nhớ, có lần Hằng đã ý tứ xa xôi nhắc nhở về Di, mà lúc đó hợp tác đang “nuột” quá nên Thư nào có để tâm. Vì không muốn Thư trong lúc quẫn bách lại mất tiền oan thêm một lần nữa, nên Hằng mới làm ra vẻ vô tâm như thế.

Thư bất ngờ và bối rối quá. Cô không biết nên gọi Hằng là bạn, hay là một người thầy, một người thân. Những gì Hằng làm cho cô, còn hơn ruột rà máu mủ. Thư muốn ôm con bạn “nợ đời” để tỏ lòng cảm kích, nhưng cũng muốn được mắng um Hằng một trận cho bõ nỗi ấm ức bấy lâu. Nghĩ thế, Thư chạy ào ra ngoài, quên bẵng đi cái nắng giữa trưa đang cháy khét dưới mặt đường…