(LĐ online) - Tối 30/8, tại Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng đã tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 lần thứ 15. Tham dự chương trình có lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban MTTQ cùng đông đảo những người sáng tạo âm nhạc và yêu âm nhạc.
Tặng hoa cho các đơn vị, tập thể góp sức làm nên chương trình |
Mở đầu chương trình, NSƯT Đình Nghĩ ôn lại truyền thống của Ngày Âm nhạc Việt Nam, qua đó khẳng định những vai trò, vị trị và những đóng góp to lớn của nền âm nhạc nước nhà đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử; tôn vinh các nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công đã đóng góp tài năng, trí tuệ xây nên nền âm nhạc đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Tiết mục Đất nước lắng nghe bước Người về |
Ngày 3/9/1960, Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân Thủ đô hát “Bài ca kết đoàn”, chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại Công viên Bách thảo (Hà Nội).
Tiết mục Mời nước mời trầu (Dân ca quan họ) |
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 3/9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam, nhằm động viên đội ngũ văn, nghệ sỹ trong lĩnh vực âm nhạc, phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày Âm nhạc Việt Nam đầu tiên được tổ chức vào ngày 3/9/2010 tại Hà Nội; rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức hưởng ứng, trong đó có Lâm Đồng.
14 năm qua với 15 lần tổ chức, “Ngày Âm nhạc Việt Nam” trở thành ngày hội lớn của những người sáng tạo, trình diễn, thưởng lãm âm nhạc, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát triển âm nhạc dân gian, truyền thống và khẳng định tầm quan trọng của nền âm nhạc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng và trong đời sống.
Tài năng âm nhạc trẻ Huy Lê độc tấu Violon Bèo dạt mây trôi |
Ngày hội Âm nhạc cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của giới nhạc sĩ, nghệ sĩ, phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam, khuyến khích các tài năng âm nhạc tiếp tục cống hiến, đặc biệt là các tài năng trẻ, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh cho công chúng.
Riêng Lâm Đồng, ngày 3/9 hàng năm đã trở thành một ngày truyền thống của chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và chi hội Âm nhạc Lâm Đồng. Đây cũng là cơ hội để các nhạc sĩ, nghệ sĩ, những người yêu âm nhạc nhìn lại những chặng đường hoạt động âm nhạc của mình, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghệ sĩ Thu Hường tự biên tự diễn ca khúc Đất và Mẹ |
Đặc biệt vào tháng 10/2023, Đà Lạt chính thức trở thành thành viên của mạng lưới Thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc. Đây là vinh dự, tự hào của Đà Lạt, đồng thời cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân phố Hoa, trong đó có những hội viên của chi hội Âm nhạc Lâm Đồng trong việc chung tay đóng góp công sức, trí tuệ, cùng với địa phương tạo nên đời sống âm nhạc thật đẹp. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã có nhiều ca khúc, tác phẩm âm nhạc dành cho quê hương, cho nơi mình gắn bó; nhiều tác phẩm đã đi vào lòng công chúng, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân.
Chương trình đan xen giữa truyền thống và hiện đại như bản giao hưởng đa sắc màu |
Chương trình nghệ thuật được chia làm 2 phần với những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc. Phần 1 có chủ đề “Mừng ngày Âm nhạc Việt Nam” nhằm tôn vinh những ca sĩ nghệ sĩ, những tác phẩm tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam qua các tiết mục Hát múa “Hát mừng Ngày Âm nhạc” (Đỗ Hồng Quân), ôn lại truyền thống Ngày âm nhạc, tặng hoa chúc mừng các nhạc sĩ, nghệ sĩ.
Tiết mục Độc tấu Saxophon Đà Lạt hoàng hôn |
Phần 2 có tiêu đề “Âm nhạc – Kết nối yêu thương” đã diễn ra sâu lắng với nhiều tiết mục ca múa nhạc vừa khẳng định Đà Lạt là thành phố của thi ca, thành phố của nghệ thuật, miền đất mộng mơ lãng đãng sương mờ: Hòa tấu liên khúc Hello Việt Nam – Một vòng Việt Nam (nhóm nghệ sĩ trẻ Trung tâm Nghệ thuật Thiên Hà); Hòa tấu Trống cơm (Dân ca quan họ), Hát múa Mời nước mời trầu (Dân ca quan họ), Đơn ca Đại ngàn trong tim ta (sáng tác Phước Hòa), Độc tấu đàn ghita Tango in the sky (Nguyễn Thy biểu diễn), Đơn ca Tiếng hát sơn nữ (sáng tác: Vi Quốc Hiệp – Thanh Toàn, Đình Đức biểu diễn).
Tiết mục Giấc mơ trưa |
Đơn ca Đất và mẹ (Thu Hường sáng tác và trình bày), Độc tấu kèn Saxophon Đà Lạt hoàng hôn (sáng tác Minh Kỳ, biểu diễn Phan Văn Kim), Tốp ca Con thuyền ví dặm (Dân ca Nghệ An, CLB dân ca Nhà văn hóa Lao động biểu diễn), Độc tấu Violon Bèo dạt mây trôi (Dân ca quan họ, biểu diễn Huy Lê), Đơn ca Vì yêu tôi ở lại nơi này (sáng tác Trương Lê Sơn), Nhớ Trường Sa (Quỳnh Hợp – Thanh Dương Hồng, biểu diễn Đình Đức), Hát múa Đất nước lắng nghe bước Người về (sáng tác Trần Khánh Nam, biểu diễn Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh)…
Các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc xen kẽ giữa truyền thống và hiện đại đã làm nên không gian của hát múa hòa cùng những giai âm thiết tha, hào hùng ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, tình người, tình yêu thiên nhiên tươi đẹp, tình yêu đôi lứa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin