Đậm đà phong vị văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam

QUỲNH UYỂN 09:14, 03/08/2024

(LĐ online) - Nằm trong hoạt động Hội thi diễn xướng dân gian các dân tộc đang diễn ra tại Quảng Ngãi do Bộ VH-TT-DL tổ chức, cuộc thi văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam đã diễn ra đậm đà phong vị, giàu bản sắc.

Đoàn nghệ nhân K'Ho tỉnh Lâm Đồng tham dự cuộc thi

Tham dự cuộc thi, 24 đoàn nghệ nhân đại diện cho các dân tộc anh em đến từ 24 tỉnh, thành trong cả nước đã mang đến những món ăn đặc trưng ẩm thực dân gian truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Hơn 120 món ăn với nguyên liệu là những sản vật phổ biến trên khắp quê hương Việt Nam từ đồng ruộng, rừng núi, đến miền biển, đồng bằng, sông nước được chế biến theo những cách riêng biệt, khác nhau, được sắp đặt khéo léo, tinh tế, sáng tạo ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa.

Các nghệ nhân người Mông tỉnh Sơn La giã bánh giày
Cùng bắt tay chế biến các món ăn

Đó là những món ăn được chế biến công phu, được giã, được xay với đậm đà gia vị của người Thái, người H'Mông, người Dao, người Co, Pa Cô, Gialai, Ê đê, S’Tiêng… Đó cũng là hương thơm tỏa ra mang theo nhiều mùi vị thân quen của từng món ăn “sơn hào, hải vị” từ miền rừng đến hải sản, thủy sản của miền biển, sông nước mang vẻ đẹp của ẩm thực Việt.

Người Co tỉnh Quảng Ngãi chuẩn bị những món ăn dân dã

 Những đặc sản dân tộc, vùng miền qua các món ăn còn thể hiện sự sáng tạo, khả năng thích nghi với cuộc sống, bền bỉ chinh phục thiên nhiên. Dù các món có được chế biến theo cách nào đi nữa thì các món ăn của các dân tộc anh em cũng rất khoa học đảm bảo dinh dưỡng để nuôi lớn các thế hệ người Việt khỏe mạnh.  

Đoàn nghệ nhân Phú Yên với món cá ngừ đại dương mang phong vị của biển

Tất cả các món ăn thêm ngon hơ khi được đặt trong những không gian văn hóa vốn có của nó. Đó là không gian đấu chiêng đôi của dân tộc K’Ho Lâm Đồng, không gian hò Huế, không gian của cồng chiêng hòa tấu cùng nhạc cụ dân tộ và các vũ điệu cuồng say của đồng bào Co Quảng Nam, không gian then của người Tày, Nùng – Thái Nguyên…

Các món ăn thêm hấp dẫn khi được đặt trong không gian văn hóa của nó
Món nem Thanh Hóa 

Đoàn nghệ nhân Lâm Đồng đã mang đến cuộc thi những món ăn mang đậm phong vị núi rừng, đậm đà bản sắc của đồng bào K’Ho. Cụ thể các món: da trâu cà đắng, gà đồi nướng, cá lóc nướng trui, thịt trâu gác bếp, thịt trâu giã nhuyễn, nấm sữa xào sả, rau dớn xào, canh lá bép, cơm lam, rượu cần, dưa leo và chuối laba tráng miệng. Tất cả được sắp đặt trên những vật dụng bằng tre nứa mộc mạc, thân quen gần gũi như mẹt, rổ, bầu...

Các nghệ nhân nữ K'Ho - Lâm Đồng chuẩn bị món thịt trâu gác bếp
Các mon ăn truyền thống của người K'Ho Lâm Đồng có sức cuốn hút bởi hương vị núi rừng

Giải thích thêm về từng món ăn, ông K’Thế (Bồ Liêng - Đinh Văn - Lâm Hà) cho biết món da trâu cà đắng là món ăn truyền thống lâu đời của người K’Ho, ăn có vị đắng, nhưng ăn xong lại ngọt nơi cổ. Từ xưa, đồng bào K’Ho mổ trâu trong các dịp lễ, thịt thì chia cho cả buôn làng cùng ăn, còn da mang gác bếp để ăn dần nhiều năm, nhiều tháng. Khi ăn sẽ thui trên lửa, cạo sạch, dập mềm, rồi hầm nhừ với cà đắng. Món nấm sữa là nấm rừng Tây Nguyên chỉ có vào mùa mưa, nguyên liệu sạch, ăn rất thơm ngon, nhưng không trồng được. Rau dớn, lá bép là những loài rau rừng có vị ngọt, lành và bổ, từng nuôi sống đồng bào và chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ.

Đoàn nghệ nhân KHo - Đồng thuyết trình trước Ban giám khảo về giá trị dinh dưỡng, ý nghĩa từng món ăn
Đoàn nghệ nhân K'Ho - Lâm Đồng thuyết trình trước Ban giám khảo về giá trị dinh dưỡng, ý nghĩa từng món ăn

Sự độc đáo và khác biệt trong từng món ăn của đoàn nghệ nhân K’Ho - Lâm Đồng thể hiện từ việc chọn nguyên liệu đến cách tẩm ướp, chế biến với các vật dụng như ống tre, nứa, lá chuối, than củi. Sự hấp dẫn nhờ vào gia vị tự nhiên cũng lấy từ núi rừng, tất cả được nướng trực tiếp trên lửa, lưu giữ hương vị nguyên bản, độ ngọt tự nhiên đã để lại dấu ấn ở cả mùi, vị, hương, sắc.

Hội thi đã làm nên một đại tiệc đa sắc màu, giàu ý nghĩa, nhất là hình ảnh các dân tộc anh em cùng nhau nấu nướng, cùng nhau quây quần thưởng thức những món ăn, chia ngọt sẻ bùi. Từ đó vun đắp tình đoàn kết gắn bó, sự hiểu biết lẫn nhau từ trong nếp ăn, ý ở của các dân tộc anh em.

Các dân tộc anh em cùng giao lưu, tìm hiểu văn hóa ẩm thực của nhau, chia ngọt sẻ bùi

Đây là dịp để các dân tộc có cơ hội giao lưu văn hóa ẩm thực, bảo tồn những món ăn truyền thống, biến những món ăn ngon trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút bạn bè quốc tế.

Những món ăn đặc trưng vùng, miền, các dân tộc được sắp đặt

Cuộc thi cũng làm cho các dân tộc thêm yêu quý và trân trọng ý nghĩa của từng món ăn, từng hương vị của quê hương, cùng nhau gìn giữ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.