ĐẠO DIỄN - NGHỆ SĨ ƯU TÚ PHI TIẾN SƠN:
Làm phim lịch sử là một cách tôn vinh tổ tiên

UÔNG THÁI BIỂU - TƯỜNG SAN (thực hiện) 00:52, 01/08/2024

Mở đầu câu chuyện, chúng tôi đã cùng nhau nói về “Đào, phở và piano”- một hiện tượng điện ảnh, một cơn sốt phòng vé trong thời gian gần đây với cách quảng bá rất hiệu quả từ các bạn trẻ thông qua mạng xã hội. Đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn, tác giả của bộ phim, bộc bạch: “Trong hoàn cảnh của điện ảnh nước nhà hiện nay, việc quảng bá cho các tác phẩm điện ảnh còn nhiều nhược điểm. Điều đó làm thiệt thòi cho cả nhà sản xuất, các nghệ sĩ và nhất là sự thiệt thòi của công chúng. Khán giả không biết đến phim thì làm sao xem phim? Việc đó đã xảy ra lâu nay. Rất may, từ mạng xã hội, các bạn trẻ đã nhiệt tình giới thiệu và quảng bá cho phim “Đào, phở và piano”. Như một cơn triều cường, sự lan tỏa bùng lên. Đó là một sức mạnh có thật, mà ngay cả nhà làm phim như tôi vẫn chưa hiểu hết…”.

Nhà báo Uông Thái Biểu trò chuyện cùng Đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn (bìa phải)
Nhà báo Uông Thái Biểu trò chuyện cùng Đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn (bìa phải)

Phóng viên: Thưa Đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ông nói, “Lịch sử và phim lịch sử phải nhảy vào smartphone”. Ông có thể giải thích rõ thêm về câu nói này?

• Đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn: Trước kia, như thế hệ ta, tìm hiểu quá khứ và lịch sử hay bất kể cái gì, kể cả kiến thức mới, chúng ta tìm hiểu bằng những cách truyền thống như vào thư viện, ra hiệu sách hoặc nghe lời từ các vị tiền bối hoặc bạn bè. Ngày nay, bằng những công nghệ mới, các bạn trẻ có điều kiện tiếp cận tốt hơn. Chỉ cần vài giây là họ có thể biết những điều cần biết. Một trong những thứ khó tìm nhất đó là lịch sử, nhưng cái smartphone đã hỗ trợ rất nhiều, dĩ nhiên là các bạn trẻ sử dụng thành thạo hơn lớp già. Đó là một cái gì đấy thuộc về văn minh thời đại.

• Có lẽ là sự thành công của “Đào, phở và piano” làm cho chính bản thân đạo diễn cũng phải suy nghĩ lại ngay cả cách làm phim của chính mình?

• Nhiều người nói, phim là một loại hình nghệ thuật hướng về khán giả trẻ. Thực ra, khán giả ở lứa tuổi nào cũng cần điện ảnh, nhưng lớp trẻ cần được xem phim nhiều hơn. Điện ảnh là nguồn thông tin dễ chấp nhận nhất, dễ đi vào lòng người nhất. Nó có tình huống, có số phận nhân vật, có những thủ pháp nghệ thuật đặc thù để tiếp cận công chúng.

• Thưa đạo diễn, ông đã nói đến câu chuyện quảng bá và một ví dụ rất thành công là “Đào, phở và piano”, một bộ phim về đề tài lịch sử do nhà nước đặt hàng. Chúng ta không nói đến dòng phim thương mại, bởi họ có cách của họ, có nguồn lực và kinh nghiệm của họ. “Đào, phở và piano” đã được quảng bá rất thành công, nhưng theo chúng tôi, có quảng bá như thế nào mà chất lượng nghệ thuật của một bộ phim không đạt độ hấp dẫn, không thu hút thì khán giả vẫn sẽ quay lưng. Như vậy, chất lượng của một tác phẩm điện ảnh mới là điều quyết định, đúng không đạo diễn?

• Một tác phẩm nghệ thuật, trước hết phải có tính giải trí. Với điện ảnh cũng vậy, dù là dòng phim nào thì cũng phải có chất giải trí, sử dụng giải trí, tất nhiên, giải trí không phải là mục đích cuối cùng. Ở nước ta, bấy lâu nay những người làm phim nhà nước có phần thiệt thòi: một là phim không được quảng bá tốt, hai là làm phim không có ý thức giải trí. Đồng thời, khi làm phim thì thiếu sự tương tác với khán giả. Một vấn đề lớn là, trong truyền thông có hai loại, một là trên các phương tiện truyền thông và quảng bá bằng truyền tai nhau, kiểu “Các bạn coi chưa, phim này hay lắm”. Kiểu thứ hai này cũng rất “đáng kể” và hiệu quả. Tôi và các đồng nghiệp của mình, những người làm dòng phim nhà nước (phim tuyên truyền, phim lịch sử) rất cần cả hai kiểu quảng bá đó.

• Trở lại với “Đào, phở và piano”. Qua bộ phim này, ông muốn chuyển tải thông điệp gì đến với công chúng, nhất là lớp trẻ? Điều ông muốn chuyển tải đã thật sự thành công?

• Thực ra, tôi không đến mức đau đáu là mình chuyển tải cái gì, mang lại thông điệp lớn lao gì cho khán giả. Đó cũng không phải là bản chất của nghệ thuật. Bản chất của nghệ thuật là ta kể, ta tạo ra sự rung động, là con đường từ trái tim đến với trái tim. Từ góc độ đó, bộ phim của chúng tôi nói về những con người quả cảm, những người dân bình thường khi mà quân thù đến dày xéo lên mảnh đất quê hương, lên ngôi nhà, ngõ phố của họ, dập tắt khát vọng tự do và phá hủy những giá trị sống của họ thì họ chống lại. Đó chính là lòng yêu nước! Bản thân tôi đã trải qua những chặng đường chiến tranh, đã đi bộ đội vào chiến trường, đã chứng kiến rất nhiều hi sinh, đổ máu của đồng đội, đồng bào. Tôi đã được nhìn thấy những góc phố của Hà Nội rơi rớt lại những vết tích của chiến tranh, từ chống Pháp đến chống Mỹ. Những điều đó đã tạo nên động lực trong tôi, một nhà làm phim, là mình phải nói lên được điều gì đó. Nói một cách giản dị là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; điều lớn hơn là khát vọng tự do. Khi mà tự do của con người bị chà đạp thì ngay cả những người bình thường nhất cũng đã có những hành động anh hùng…

 Thưa ông, nếu khái quát về công việc sáng tạo dòng phim về đề tài lịch sử, ông sẽ nói thế nào?

• Nhiều người cho rằng, làm phim lịch sử là coi lịch sử như một cái mắc áo để nhà làm phim treo ý tưởng lên đó. Cách so sánh này hơi cũ nhưng mà đúng. Bởi lẽ, cái chúng ta gọi là lịch sử, nó cũng chỉ là một phần thôi. Sự ghi chép của các thế hệ đi trước với những sự kiện, nhân vật xảy ra trong quá khứ không phải là đầy đủ và cũng chưa hẳn hoàn toàn chính xác. Cho nên, ta treo một chiếc áo vào một cái mắc áo không chắc chắn lắm, có nên không? Vậy thì, khi gặp những vấn đề lịch sử, chúng ta phải bình tĩnh suy xét; nghĩ về nó, tìm xem cái đáp số chính xác nhất và ý nghĩa nhất...

• Chúng ta có cái mắc áo, có những chiếc áo, nhưng treo những chiếc áo lên mắc áo như thế nào lại thể hiện sự tài năng của nhà làm phim, đúng không ông?

• Theo tôi, vừa thể hiện tài năng, vừa là kinh nghiệm sống và cả sự may mắn!

Mất nước là mất tất cả. Mất nước là mất đi nơi chốn mà biết bao thế hệ sinh tồn, sáng tạo và xây đắp. Mình đấu tranh là để bảo vệ, dành lại Tổ quốc, quê hương và ngay chính bản thân mình. Trong hoàn cảnh đó, thân phận lịch sử, thân phận dân tộc và thân phận của mỗi cá nhân đã gắn bó máu thịt vào nhau, đúng không ông? Có phải chính điều đó đã thôi thúc ông theo đuổi dòng phim lịch sử - kháng chiến?

Có những câu nói rất đơn giản, dễ hiểu nhưng lại rất sâu sắc, ví như: Núi là xương của đất; nước là máu của đất; đất là nơi chúng ta sinh tồn. Tôi cho rằng, đó là những khái niệm tuyệt vời về đất nước. Hình dung rộng lớn và sâu sắc hơn thì những dãy núi, dòng sông trên mảnh đất nơi ta đang sống đây như là xương, như là máu của chúng ta. Điều đó giúp chúng ta cảm nhận Tổ quốc, đất nước và dân tộc quan trọng trong mỗi chúng ta như thế nào, thiêng liêng biết bao nhiêu…

• Nghe những lời tâm huyết của ông, những khái niệm về Tổ quốc, về dân tộc và bổn phận công dân, chúng tôi nghĩ rằng, ông làm phim lịch sử như là một người được giao sứ mệnh. Theo ông, khi làm phim lịch sử, ông có câu nệ sự chính xác theo tư liệu chính sử hay chọn hình thức lấy cảm hứng từ lịch sử để kể câu chuyện mà ông muốn kể?

• Có các khái niệm chính sử, không chính sử và cả dã sử. Các sự thật lịch sử có rất nhiều điều cần bàn, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta biết tôn vinh tổ tiên, đó chính là vấn đề cốt lõi khi chọn đề tài sáng tác về lịch sử. Kẻ nào phê phán tổ tiên, kẻ đó không xứng làm con dân đất Việt. Lịch sử có thể được ghi chép lúc này thế này lúc khác thế khác. Lịch sử có thể được soi xét, nhìn nhận lại và có thể có những phát hiện mới. Chúng ta tham khảo nguồn tư liệu này có thể là đúng nhưng ở nguồn tư liệu khác có thể sẽ có kết quả khác, nhận thức về lịch sử của chúng ta có thể thay đổi. Lịch sử cũng như sự thật, là một quá trình tiếp cận đa chiều. Cho nên, làm phim lịch sử là sử dụng chất liệu lịch sử một cách hợp lý; là quá trình do mình, từ mình đi ra bởi những khao khát mà mình muốn nói cùng kết hợp nhuần nhuyễn với cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ…

• Nhà văn Raxun Gamzatop (Đaghextan) từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác”- tôn vinh lịch sử là trách nhiệm của thế hệ hậu nhân. Ông có đồng ý với chúng tôi là khi chúng ta nói câu chuyện làm phim lịch sử là để cho người đương đại soi vào đó để học ông cha những điều giá trị, rút ra bài học để sống tốt hơn, ứng xử tốt hơn?

Lịch sử cho chúng ta rất nhiều bài học. Bài học quan trọng nhất là bài học về tư cách làm người. Tôi cho rằng, những câu chuyện đạo lý, nhân văn đều xuất phát từ truyền thống, lịch sử. Thử đặt ra giả thiết, nếu một ngày nào đó, con cháu chúng ta mất đi tất cả “trí nhớ” về quá khứ của tổ tiên thì cuộc sống sẽ hụt hẫng biết chừng nào. Lấy tiêu chuẩn từ xã hội hôm nay, có rất nhiều giá trị mà lịch sử mang lại. Chúng ta có thể thấy một phần của lịch sử là cổ hủ, lạc hậu; nhưng những bài học của nó luôn luôn mới, vấn đề là anh hiểu nó như thế nào, sử dụng ra sao. Tôi lấy ví dụ về khái niệm danh tiếng. Ngày xưa, ông lý trưởng quản lý một làng, ông làm chức trách theo lệnh của quan trên, nhưng cái điều mà ông nghĩ nhiều là bản thân sinh ra từ làng, gắn bó với dân làng, ông phải làm gì để không ảnh hưởng đến danh tiếng của chính mình, của gia đình và dòng tộc mình. Cho nên, ông lý trưởng vừa tuân lệnh quan trên nhưng cũng phải giữ danh trước dân. Đó cũng chính là lòng tự trọng. Ngày nay, thật tiếc, nhiều người có chức phận không học được điều đó từ lịch sử; vì lòng tham, họ bị tha hóa, quên mất danh dự và rơi vào vòng lao lý, kỷ luật. Nếu những bài học lịch sử được văn học - nghệ thuật, trong đó có điện ảnh tái hiện, lan tỏa, đề cao những giá trị cao đẹp từ ông cha, có lẽ cũng giúp ích phần nào đó cho đời...

(CÒN TIẾP)