ĐẠO DIỄN - NGHỆ SĨ ƯU TÚ PHI TIẾN SƠN:
Làm phim lịch sử là một cách tôn vinh tổ tiên

UÔNG THÁI BIỂU - TƯỜNG SAN (thực hiện) 05:32, 08/08/2024

Trong kỳ trước, đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn đã chia sẻ những ý kiến hết sức tâm huyết về lịch sử dân tộc và trách nhiệm của các nhà làm phim Việt Nam về đề tài lịch sử dân tộc. Tiếp tục câu chuyện, với tư cách là một đạo diễn, ông thẳng thắn phát biểu những nhận định cá nhân đối với thực tế nền điện ảnh Việt Nam và ngay chính nghiệp làm phim của ông trong bối cảnh hiện nay. 

Poster phim Đào, phở và piano
Poster phim Đào, phở và piano

Phóng viên: Thưa đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn, những người trong thời đại chúng ta cũng có thể coi là những chủ thể tiếp nối lịch sử. Xem những tác phẩm điện ảnh của ông, đạo diễn luôn đồng hành, chia sẻ, cảm thông, sống trong trường liên tưởng với nhân vật của mình. Ông có thể nói rõ hơn về số phận con người, nhất là con người Việt Nam qua các câu chuyện, nhân vật mà ông gửi gắm trong các tác phẩm điện ảnh của mình?

• Đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn: Con người Việt Nam có những giá trị cốt lõi, bền vững. Trong đó, con người có cái thiện cái ác, điều hay điều dở. Trên tinh thần dân tộc, truyền thống, chúng ta nhìn nhận về phẩm giá con người Việt Nam. Chúng ta đánh giá tổng thể con người Việt Nam trong dòng chảy phát triển nhân loại, chúng ta là một phần không thể tách rời ra khỏi nhân loại. Nhân loại có từ bao đời nay, lịch sử Việt Nam cũng chỉ mới mấy ngàn năm nay. Cho nên, chúng ta phải thấu hiểu hệ thống giá trị nhân văn của nhân loại, đừng bao giờ khăng khăng là dưa cà chúng ta ngon nhất, đừng tự tôn thái quá. Mình phải nhìn nhận hết sức công bằng, khách quan và đánh giá đúng mực hệ giá trị con người Việt Nam…

• Là một nhà làm phim gần như gắn bó cả cuộc đời với điện ảnh, xin hỏi, trong hành trình sáng tạo của mình, ông có gặp trắc trở gì không?

• Điều đó là chắc chắn. Có hai loại trắc trở. Trắc trở khi tác phẩm của mình làm ra không được chấp nhận, bị cấm hoặc bị đánh giá sai lệch. Một loại trắc trở khác nữa mà mình làm điều hay nhưng không hợp thời. Có một sứ mệnh của văn học - nghệ thuật là sự tiên đoán, đôi khi mình tiên đoán sai mà ngay cả tiên đoán đúng cũng không được chấp nhận. Tôi vừa dự sự kiện vinh danh đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh; nhìn lại quá trình, thành tựu sáng tạo đồ sộ của ông, tôi thấy là vị đạo diễn nổi tiếng của chúng ta cũng trải qua rất nhiều bầm dập. Hay như nhạc sĩ Văn Cao và nhiều văn nghệ sĩ lừng danh khác cũng đã không tránh khỏi sóng gió. Tôi cũng gặp trắc trở, nhưng so với những tên tuổi lớn ấy thì mình chẳng đáng gì, còn chấp nhận được. 

• Tiếp nối câu chuyện về chuyện làm phim, theo ông, nền điện ảnh và các nhà làm phim Việt Nam đang gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

• Về mặt thuận lợi, có rất nhiều cơ hội đang mở ra, nhiều điều kiện về vật chất, khoa học - kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ cho các nhà làm phim. Chúng ta cũng có lượng khán giả hùng hậu, trình độ cao, thông minh, nhạy cảm. Đôi khi họ còn phát hiện những điều trong phim của tôi mà lúc mình làm cũng không nhận ra. Tôi thầm cảm ơn họ. Nhận thức của khán giả của mình đã làm thay đổi chính mình. Ở đây còn có cái mừng là sự tương tác hai chiều, giữa người sáng tác với khán giả luôn bổ trợ lẫn nhau. Điều này thì các bậc tiền bối ngày xưa hiếm có.

Ngày xưa thì tác phẩm tuyên truyền thường đi theo con đường “một chiều”...

Ta phải hiểu thế nào là một chiều. Nếu ta thiển cận về mặt tư duy, trong đó có tư duy chính trị thì sẽ xảy ra những sự cố đáng tiếc. Ở một giai đoạn, cái băng thông, cái con đường chúng ta đi hẹp quá, rất dễ bị trật đường. Còn ngày nay, tất cả các con đường đều mở rộng và mở rộng như vậy thì chúng ta đi tốc độ nhanh hơn, chúng ta thoải mái hơn. Tuy nhiên, con đường mở rộng không phải là vô tận mà nó có những giới hạn, những khoảng, khúc mà anh phải cẩn trọng, giữ gìn. Có ranh giới, nếu đi xa quá sẽ trượt.

• Từ góc độ một đạo diễn, ông nhận định thế nào về nền điện ảnh Việt Nam ở giai đoạn hiện nay và ông có lạc quan về sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà?

• Chúng ta đang có một lực lượng làm điện ảnh hùng hậu chưa từng có. Rất nhiều nhà làm phim trẻ, tài năng, học hành bài bản, tiếp cận nhiều tri thức và kỹ năng mới của điện ảnh nhân loại. Nhưng mà, phải nói thật là chúng ta đi thêm một bước thì thế giới đi thêm ba bước, không cẩn thận thì sẽ tụt hậu. Không dám so sánh với những nền điện ảnh lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc mà ngay cả những nền điện ảnh các nước trong khu vực Đông Nam Á chúng ta cũng đang thua kém nhiều...

Cánh cửa về chính trị, những quan điểm về nghệ thuật hay cả thương mại cũng cởi mở hơn. Đó là điều đáng mừng, nhưng chúng ta cũng rất dễ sai, dễ bị trả giá. Trả giá ở đây tôi không nói về cơ chế, mà nói về nhiều tác phẩm đầu tư rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Có lẽ, chúng ta phải xem xét lại cách làm, cách chọn đề tài. Phải có sự khác biệt chứ không nên bắt chước. Ví như thế giới đã bày trên bàn tiệc của công chúng những món ngon tuyệt vời rồi mà mình cứ xào nấu lại theo cách của họ thì không ai ăn. Mình học từ món ngon của họ nhưng phải chế biến theo kiểu của mình để tạo ra những món lạ nào đó.

• Ông nhìn nhận thế nào về những bộ phim rất thành công về mặt thương mại nhưng chất lượng nghệ thuật còn có những ý kiến trái chiều?

• Điều đó rất là bình thường. Khi làm phim, các nhà sản xuất, các đạo diễn đều có sự tính toán: làm phim thương mại hay làm phim tác phẩm rồi quảng bá nó, làm cho nó lan tỏa hết mức có thể, bày bán nó và nếu hợp khẩu vị thì khán giả ào ào mua vé vào rạp. Sau năm bữa nửa tháng lại có một món mới ra và món cũ có thể bị quên lãng. Đó là điều bình thường. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Họ cứ nghĩ sản phẩm của mình là món ngon nhưng khổ nỗi lại không phù hợp với thực khách và thiếu người ăn. Nhưng một bộ phim, bên cạnh giá trị thương mại còn là giá trị nghệ thuật. Thật ra, đó là hai khía cạnh mà đôi khi hoặc là thế này hoặc là thế kia. Nếu làm phim giải trí, thương mại, tôi phải làm sao bày được hàng thực sự rực rỡ, hấp dẫn, tỏa mùi hương ngào ngạt. Còn nếu xác định làm phim nghệ thuật, tôi làm tác phẩm và tôi mang sản phẩm ấy ra bán thì việc ấy là một việc khác. Nhưng trên thực tế, có những tác phẩm phát hành ở những thời điểm không được chấp nhận, người ta chưa hiểu nó, nhưng ở thời gian sau lại được đánh giá cao. Nhưng làm tác phẩm cũng rất khó, nhiều khi phải trả giá đau đớn…

• Câu hỏi cuối cùng xin gửi tới ông, đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn đang ấp ủ những dự định gì với nghiệp làm phim của mình?

• Trở lại với những vấn đề lịch sử. Có những câu hỏi của lịch sử cần phải mở ra. Có những câu chuyện lịch sử rất đẹp, rất hay cần phải giúp công chúng được coi lại. Có những vấn đề lịch sử tồn tại từ lâu và bây giờ nó vẫn tồn tại. Nó không còn là vấn đề lịch sử nữa, mà nó đã trở thành vấn đề của thời cuộc, vấn đề lớn của nhân loại. Làm được những điều đó là rất hay, rất cần, nhưng mà cũng là những thách thức lớn. Tôi cũng đang đến những vùng đất, gặp gỡ nhiều con người để hiểu thêm, sáng tỏ thêm những gì mình cần tìm hiểu và nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo - điều cực kỳ quan trọng đối với một nghệ sĩ…

Chân thành cảm ơn ông với cuộc trò chuyện cởi mở này!