Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được đưa vào Chương trình giáo dục địa phương

QUỲNH UYỂN 12:58, 06/08/2024

(LĐ online) - Năm học 2024 - 2025, Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4” chủ đề 4.

Bìa cuốn “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4”
Bìa cuốn “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4”

Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng đã biên soạn xong tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 nhằm trang bị cho học sinh những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của Lâm Đồng; qua đó giúp học sinh hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương.

Riêng “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4” giúp học sinh khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, đất và người Lâm Đồng với 6 chủ đề. Bên cạnh Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa truyền thống cũng được đưa vào các chủ đề như: Lâm Đồng - Địa phương em; Trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Lâm Đồng; Lễ hội Mừng lúa mới ở Lâm Đồng; Nghề dệt thổ cẩm ở Lâm Đồng; Di tích quốc gia Ga Đà Lạt. Mỗi chủ đề được thiết kế thành các hoạt động học tập, gồm: Khởi động - Khám phá - Luyện tập - Vận dụng, giúp học sinh hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh.

Chủ đề 4: Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, trong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4
Chủ đề 4: Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, trong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4

Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được đưa vào giới thiệu tại Chủ đề 4. Trong chủ đề này, hoạt động Khởi động yêu cầu học sinh chọn và mô tả một di tích hoặc khu du lịch em thích ở tỉnh Lâm Đồng. Hoạt động Khám phá yêu cầu học sinh tìm hiểu Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt về vị trí, thời điểm xây dựng; mô tả chi tiết, một số hình thức đấu tranh của các tù nhân thiếu nhi; thời điểm Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được công nhận là di tích quốc gia; yêu cầu học sinh tìm hiểu về một số hoạt động và mục đích các hoạt động ấy của học sinh Lâm Đồng tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Một trang sách giới thiệu về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Địa chỉ đỏ trên thành phố Hoa
Một trang sách giới thiệu về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Địa chỉ đỏ trên thành phố Hoa

Trong hoạt động Luyện tập, yêu cầu học sinh thực hiện vai trò hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (về địa chỉ, quá trình hình thành, nét độc đáo của di tích, giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống yêu nước); yêu cầu học sinh chia sẻ cảm nhận về điều ấn tượng nhất của Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt; yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi vì sao Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là một địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, lòng tự hào dân tộc.

Trong hoạt động Vận dụng, yêu cầu học sinh tập xây dựng kế hoạch tham quan Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt; ghi vào sổ tay những điều ấn tượng về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt; sưu tầm tranh, ảnh, bài viết đề cập đến Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Các cựu tù thiếu nhi về thăm Di tích, gặp lại hình ảnh của mình ngày xưa

Chủ đề về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt trong tài liệu còn cung cấp 10 hình ảnh và 2 nội dung liên quan đến di tích, giúp học sinh tìm hiểu về “Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Địa chỉ đỏ trên thành phố hoa” và một số hoạt động ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của học sinh Lâm Đồng.