Khai mạc Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc

QUỲNH UYỂN 09:23, 02/08/2024

(LĐ online) - Đêm 1/8, tại thành phố Quảng Ngãi, lễ khai mạc Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc do Bộ VH-TT-DL phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra đầy màu sắc.

Tham dự có bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đại diện lãnh đạo các Sở VH-TT-DL, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật cùng hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 24 tỉnh, thành đại diện các vùng, miền, các dân tộc anh em, đồng bào Nhân dân và du khách.

Tặng hoa cho các đoàn nghệ nhân

Phát biểu khai mạc Hội thi, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh: Với bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta là quốc gia đa dân tộc có kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng được nhiều thế hệ sáng tạo và lưu truyền cho đến ngày nay. Kho tàng di sản văn hóa ấy là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá, là nguồn lực nội sinh để các thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa, vun đắp, bảo tồn và phát huy, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa như một cơ sở quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã gặt được nhiều thành tựu góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam; đồng thời đóng góp chung vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Cả nước hiện có hàng ngàn phong tục, nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thự và trag phục truyền thống. Nhiều phong tục của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu phục dựng nhằm đảm bảo sự đa dạng, phong phú sắc thái văn hóa các vùng miền. Nhiều tấm gương sáng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được biểu dương lan tỏa trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ, phát huy di sản văn hóa của quốc gia.

Tỉnh Quảng Ngãi là vùng đất địa linh nhân kiệt, đậm đà bản sắc văn hóa, nơi đây văn hóa cổ đại và hiện đại hòa quyện tạo nên giá trị văn hóa độc đáo, tinh hoa của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt vẫn hiện diện rõ nét trong từng di tích, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa và ẩm thực của cư dân.

Đoàn nghệ nhân Lâm Đồng tham dự Hội thi

Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của các dân tộc trên cả nước. Qua đó khẳng định niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn thịnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn nghệ nhân Lâm Đồng trước giờ diễu hành

Đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ hội tụ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, sáng tạo trong lao động nghệ thuật, góp phần giữ gìn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Bằng niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật, tình yêu di sản văn hóa dân tộc, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công sẽ mang đến hội thi nhiều tiết mục đặc sắc phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình. Đó là sự kết tinh từ những nét văn hóa đặc sắc nhất của các vùng miền trên cả nước.

Bà Huỳnh Thị Sương - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi đã phát biểu chào mừng: Hội thi nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1989 - 2024). Là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, nét đặc sắc văn hóa Quảng Ngãi là sự tiếp nối, giao thoa của 3 nền văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Pa - Đại Việt; Quảng Ngãi năm xưa là nơi có đội hùng binh Hoàng Sa, kiêm quản Trường Sa đã vượt hàng ngàn dặm biển khơi để cắm cột mốc xác lập chủ quyền và bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Quảng Ngãi còn được biết đến với 12 cảnh đẹp “Cẩm thành thập nhị cảnh” và nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Khởi nghĩa Ba Tơ, Trà Bồng, chiến tháng Ba Gia, chứng tích Sơn Mỹ, di tích anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm… là minh chứng hùng hồn cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mảnh đất địa linh nhân kiệt này cũng là quê hương sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa như: Bình Tây đại nguyên soái Trương Định, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Đoàn chủ nhà Quảng Ngãi tái hiện Hải đội Hoàng Sa, Trường Sa vượt trùng khơi cắm mốc chủ quyền trong đêm khai mạc

Quảng Ngãi tự hào có nhiều loại hình diễn xướng dân gian được gìn giữ và phát triển. Ở miền biển và đồng bằng có hát dân ca, hát ru, hát bả trạo, hô thai, dân ca kịch, tuồng và đặc biệt là nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ở miền núi có nghệ thuật diễn xướng dân gian hát ta lêu, ca choi của đồng bào H’Rê; hát xà ru, a giới, a lát của đồng bào Co; hát ra nghế, dê ô dê của đồng bào Ca Dong. Với kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống đa dạng, mang đậm bản sắc, đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đoàn nghệ nhân dân tộc H'Rê - Quảng Ngãi diễn xướng cồng chiêng đêm khai mạc

Lễ khai mạc chứng kiến màn diễu hành nghệ thuật và rước biểu tượng vật thiêng (totem) ấn tượng của 24 đoàn nghệ nhân mang theo bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc đến An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Hoà Bình, Khánh Hòa, Lai Châu, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh những trích đoạn nghi lễ, nghi thức, những tích trò của các vùng miền, những làn điệu dân ca, những câu hò, điệu hát, di sản Không gian văn hóa cồng chiêng với các nhạc cụ truyền thống hòa cùng vũ điệu dân gian của các dân tộc Trường Sơn Tây - Tây Nguyên cũng được tấu lên đa âm, đa sắc.

Đoàn Lai Châu với vẻ đẹp Tây Bắc
Đoàn Bắc Giang mang đến Hội thi không gian miền quan họ
Giới thiệu Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đậm đà trong đêm hội

Tham dự hội thi đoàn nghệ nhân Lâm Đồng có 30 nghệ nhân K’Ho đến từ buôn Bồ Liêng (Lâm Hà), Bon Đưng, B’Nớ C (Lạc Dương) đại diện cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh với chương trình diễu hành đặc sắc mang theo biểu tượng kiến trúc nhà sàn truyền thống và cây nêu đẽo gọt công phu cùng phong cách trình tấu đã để lại dấu ấn mạnh mẽ ngay trong đêm khai mạc.

Đoàn Lâm Đồng gây ấn tượng bởi bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào K'Ho

Như một đợt kiểm kê di sản rộng lớn, Hội thi sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 1 - 4/8 với nhiều hoạt động, nội dung thi như: Thi diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống và trình diễn trang phục truyền thống; Thi ẩm thực và trình diễn nghi lễ cổ truyền; công diễn các tiết mục xuất sắc và bế mạc, trao giải Hội thi.

Hội thi là ngày hội khoe sắc của các dân tộc anh em, như một cuộc kiểm kê di sản văn hóa rộng lớn