Không gian văn hóa truyền thống K’Ho dưới chân núi Lang Biang

HỒNG THẮM 04:59, 17/08/2024

Một căn nhà sàn truyền thống của người K’Ho được làm từ các loại vật liệu từ thiên nhiên như: Tre, nứa, gỗ, mây, lá cây... Nằm lặng lẽ trên một sườn đồi dưới chân núi Lang Biang, căn nhà đơn sơ như tách mình khỏi nhịp phố thị ồn ã.

Anh Dagout Brice Liêm và thế hệ tương lai của buôn làng
Anh Dagout Brice Liêm và thế hệ tương lai của buôn làng

Một sáng tháng Tám, khi mặt trời vừa ló dạng, đứng từ căn nhà của anh Liêm nhìn ra một khoảng rừng xanh ngát, hít thở bầu không khí trong lành mang lại cảm giác thật dễ chịu. Nơi đó có tên Bàng Yô Hội quán. Bàng Yô theo giải thích của chủ nhân ngôi nhà - anh Dagout Brice Liêm, một nghệ nhân, một ca sĩ người K’Ho. Theo anh giải thích, Bàng Yô có nghĩa là ông bà tổ tiên, hiểu rộng hơn cũng mang nghĩa là cội nguồn. Tại không gian chính của ngôi nhà, cũng là nơi được chăm chút nhất với một cây nêu ở giữa cùng các loại nhạc cụ, dụng cụ của người K’Ho như: Chiêng, trống, đàn đá, gùi, thổ cẩm... Đây cũng chính là nơi anh Dagout Brice Liêm đón khách và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. 

Anh Dagout Brice Liêm sưu tầm đàn đá để làm phong phú thêm những điệu nhạc dân gian
Anh Dagout Brice Liêm sưu tầm đàn đá để làm phong phú thêm những điệu nhạc dân gian

Ngôi nhà sàn có chiều dài 17 m, rộng 7 m gồm có 2 tầng, được anh làm một cách tinh tế, công phu trong vòng một năm. Dù không được phục dựng 100% nguyên bản theo văn hóa người dân tộc K’Ho Lạch, nhưng việc mở rộng không gian sinh hoạt cũng phần nào mang đến sự thoải mái dễ chịu cho du khách. 

Nỗ lực phục dựng ngôi nhà, cũng chính là hiện thực hóa cho ước mơ mà anh Liêm đã ấp ủ từ rất lâu trên con đường làm nghệ thuật của mình. Là một người làm văn hóa chuyên nghiệp, đứng biểu diễn trên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sân khấu lớn nhỏ trên khắp đất nước nhưng anh Dagout Brice Liêm luôn khát khao có được một sân khấu để những gì tinh túy, mộc mạc, nguyên bản nhất của văn hóa đồng bào K’Ho được hiện hữu. Bởi anh luôn cho rằng, muốn được mộc mạc nhất, nguyên bản nhất thì cồng chiêng hay bất cứ âm nhạc nào phải ở trong không gian vốn có của nó.

Anh bảo rằng mình cũng là người được thế hệ đi trước trao truyền cảm hứng, dẫn dắt, định hướng quay trở về với nguồn cội, với văn hóa dân gian. Để rồi sau những năm tháng bôn ba, năm 2017, anh quyết định gắn bó với cuộc sống của buôn làng và mang quyết tâm phải làm được một thứ gì đó cho chính mảnh đất đã nuôi mình lớn. Đó cũng là bắt đầu cho chuỗi ngày sáng lên nương rẫy, chiều tối nhận show đi diễn cồng chiêng, từ từ tích cóp để có vốn làm nhà, mua sắm, sưu tầm các vật dụng. 

Những vật dụng truyền thống anh Liêm sưu tầm
Những vật dụng truyền thống anh Liêm sưu tầm

Sau hơn 1 năm, anh tổ chức lễ về nhà mới, bắt đầu đón khách đến thưởng thức ẩm thực, văn hóa truyền thống. Trong không gian ấy, câu chuyện về văn hóa dân tộc với Dagout Brice Liêm càng thêm thân tình, câu từ chất chứa trong lòng như có dịp được bộc bạch ra. Sinh ra lớn lên ở chân núi Lang Biang, vùng đất mà lâu nay mọi người vẫn cho rằng được trời phú cho giọng hát, nụ cười… đã làm say đắm lòng người. Trong hành trình ấy, anh Dagout Brice Liêm không một mình. Anh đang dẫn dắt một nhóm các bạn trẻ, đa phần là con cháu trong dòng họ đến với cồng chiêng, với âm nhạc, với những loại nhạc cụ dân gian truyền thống của Việt Nam như: Trống, đàn đá, đàn T’rưng. Những cô gái K’Ho duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống, uyển chuyển với những động tác múa đơn giản. Những chàng trai mạnh mẽ với từng bước di chuyển nhịp nhàng khi đánh chiêng. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp đầy quyến rũ, mộc mạc, hoang dã, gần gũi với thiên nhiên. Nhìn sự tập trung, cặm cụi của từng người, trong ánh mắt anh Dagout Brice Liêm cũng ngập tràn niềm tin.
 

Cái khó nhất đó chính là vừa phải nuôi dưỡng một thế hệ kế thừa, để làm sao trong sự phát triển đa dạng của văn hóa, các em thanh thiếu niên vừa có đam mê, vừa có công việc để duy trì. Họ là tương lai của buôn làng, cũng là tương lai của việc giữ gìn văn hóa” 

Anh Dagout Brice Liêm chia sẻ

Dù đã trải qua nhiều năm tháng làm nghề, tham gia diễn xướng, biểu diễn ở nhiều không gian khác nhau nhưng khi được đón những vị khách đầu tiên đến với ngôi nhà sàn, anh Dagout Brice Liêm không giấu nổi niềm hạnh phúc. Đồng thời, khi nhận được những góp ý chân thành từ khách để có thể hoàn thiện hơn không gian, dịch vụ… như tiếp thêm cho anh động lực để tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình. 

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương, hiện nay, trên địa bàn thị trấn Lạc Dương có khoảng 11 nhóm cồng chiêng đang hoạt động. Ngành văn hóa cũng đã và đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người K’Ho nói riêng.

Theo ông Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương, chính từ các mô hình du lịch văn hóa gắn với cộng đồng của người K’Ho là điểm nhấn, góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách đến với địa phương. Trong đó, những người như anh Dagout Brice Liêm là những hạt nhân quan trọng, đã lựa chọn một hướng đi khác biệt hơn phần còn lại, đó là tổ chức hoạt động trong một không gian nhà sàn truyền thống của người K’Ho.

Anh Liêm bảo rằng mình vẫn nhớ lời căn dặn của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, rằng không vì những khó khăn trước mắt mà vận hành nhà sàn sai định hướng, chạy theo thị hiếu mà đi vào lối mòn, đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống.

“Mình nhớ mãi những khoảnh khắc mà ông bà, cha mẹ ngồi bên đống lửa, bên chóe rượu cần rồi những người bà, người mẹ ngân nga từng điệu hát ru một cách chậm rãi... Mọi thứ dường như vẫn vẹn nguyên, nhưng chỉ là trong ký ức. Bây giờ đã không còn nhiều và nếu không bảo tồn, lưu giữ từ bây giờ thì mình sợ rằng sẽ không còn kịp, khi mà...”, câu nói của anh Dagout Brice Liêm bỏ lửng.

Ai cũng biết ý của anh Dagout Brice Liêm là gì. Đó cũng chính là những gì mà tất cả những người dành sự quan tâm đến văn hóa nhìn thấy. Thế nhưng, phục dựng văn hóa không phải là câu chuyện sớm chiều, không phải là nỗ lực cá nhân. Nhưng nếu không có những cá nhân nỗ lực, sẽ không có bắt đầu để hướng về niềm tin ở tương lai.