Trong những ngày đầu thu tháng Tám lịch sử này, chúng ta vừa tiễn biệt một người cộng sản chân chính, một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, một vị hiền nhân tài đức trọn vẹn đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta vẫn còn nghe lời khẳng định đầy tự hào của Tổng Bí thư khi nói về sự phát triển của đất nước: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Để có được những thành tựu to lớn như hôm nay nhờ có sự phát huy của truyền thống lịch sử đấu tranh ngàn đời, trong đó có Cách mạng tháng Tám mùa thu năm 1945 với hào khí thiêng liêng còn vang vọng đến hôm nay qua những ký ức, những thước phim, hình ảnh tư liệu quý giá và đặc biệt qua những trang thơ hào sảng đắm say lòng người, những ca khúc, hành khúc với nhịp điệu hào hùng. Đó chính là “lịch sử tâm hồn” của một dân tộc đứng lên giành lấy chính quyền với sức mạnh như vũ bão. Đó là sự phát huy cao độ nghệ thuật cách mạng chớp lấy thời cơ với nguồn năng lượng của cả trầm tích văn hóa Việt. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang lời hịch - lời kêu gọi hào sảng thiết tha biết bao của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Với thế hệ hôm nay và mai sau, ký ức về “mùa thu vàng” trong những bản hành khúc bất diệt mãi là niềm tự hào. Ảnh tư liệu |
Cả dân tộc vùng lên đứng dậy “vui bất tuyệt” như tên một bài thơ viết trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng của nhà thơ Tố Hữu. Chưa bao giờ đại từ “ta” được sử dụng với tần suất, với nhịp điệu reo vang hào hùng: “Ai dám cấm ta say, say thần thánh?/ Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên/ Tim bỗng hoá mặt trời”. Có thể nói, Tố Hữu - lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, ông cũng là người trực tiếp chỉ đạo cuộc cách mạng khởi nghĩa tháng Tám ở Huế. Vì thế, hơn ai hết, người chiến sĩ, thi sĩ Tố Hữu đã bộc lộ khí chất của người lãnh đạo trẻ tuổi đầy tiềm năng còn là những phút giây thăng hoa của đôi cánh thi ca góp phần vào tuyên truyền, động viên cộng hưởng. Cảm xúc không thể kìm nén trong ông bùng cháy thành bài thơ “Huế tháng Tám”: “Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!/ Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi/ Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!/ Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc/ Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?/ Ta hét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà”. Một niềm vui hồ hởi tưng bừng như con trẻ, cả đất trời, cả dân tộc hồi sinh và ngay trong tâm hồn thi ca của nhà thơ cũng được hồi sinh với những cảm xúc mới mẻ. Có thể nói trong hào khí thiêng liêng của Cách mạng tháng Tám thì hình ảnh nổi bật nhất, hùng tráng nhất và lôi cuốn phơi phới nhất là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh. Với dân tộc Việt Nam, lá cờ luôn là biểu tượng thiêng liêng thể hiện ý chí và nguồn động lực vô biên trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Trong niềm hứng khởi đó, nhà thơ Tố Hữu viết: “Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/ Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!”. Các cụm từ, điệp từ láy như vẽ nên trước mắt chúng ta cả một biển người trào dâng sóng dậy rực đỏ một màu cờ sao. Đặc biệt là trường ca “Ngọn quốc kỳ” của nhà thơ Xuân Diệu như một tráng ca hào hùng qua biểu tượng ngọn quốc kỳ đã nói lên được cả một không khí, hào khí, hào hùng của Cách mạng tháng Tám. Lá quốc kỳ là hồn của Tổ quốc là sức mạnh tinh thần của dân tộc, là hùng khí thiêng liêng của núi sông, là máu đào của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, là sáng bừng ý chí, là tập hợp kết đoàn, là sức mạnh nội sinh. Với giọng thơ hào sảng chan chứa bao niềm tin, nhà thơ đã viết: “Tổ quốc ở bên ta/ Cờ đứng lên chiêu tập sức muôn nhà/ Cờ giữ đất, quyết tranh từ mỗi bước”. Lá cờ là gió mới tung bay sức mạnh dồn nén thổi bùng lên: “Gió đã lên gió dậy khắp sơn hà/ Gió đã nổi gió cờ vun vút/ Như tất cả ngọn sóng triều vùn vụt”. Hình ảnh gió thổi cờ bay chính là âm hưởng hào khí của các cuộc cách mạng thần thánh.
Hào khí Cách mạng tháng Tám gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nhà thơ Việt Nam đã tiếp nhận một nhân sinh quan mới, một quan niệm nghệ thuật mới, một nội dung tư tưởng mới, một thăng hoa tâm hồn mới. Hình tượng Bác Hồ là một nguồn cảm xúc mới. Viết về Bác Hồ cũng chính là viết về linh hồn của cuộc cách mạng. Nhà thơ Tế Hanh với lòng tôn kính, ngưỡng mộ đã viết: “Hồ Chí Minh, chỉ là người có thể/ Đưa con thuyền Tổ quốc đến vinh quang”. Nhà thơ Lê Đại Thanh từ thành phố cảng Hải Phòng cùng hòa chung khí thế trong bừng bừng sục sôi viết nên vần thơ hào sảng về Bác: “Mắt mở rộng, tay giữ chắc lái thuyền đất nước/ Gió bão thét ngọn trào dâng xâm lược/ Vị cha già cương quyết vượt can qua/ Bao năm trào thử thách với phong ba/ Người chiến đấu không một giờ nản chí”. Tổng Bí thư Trường Chinh - người chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12/03/1945 đã kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” chỉ đạo đường lối chiến lược tạo tiền đề quyết định cho tổng khởi nghĩa tháng Tám khi thời cơ đến. Ông cũng là nhà thơ mang bút danh Sóng Hồng viết bài thơ “Cách mạng mùa thu” có đoạn: “Cách mạng tháng Tám chỉ trong hai mươi ngày/ Mà làm đổi thay tất cả/ Không còn nữa kiếp người nô lệ/ Toàn dân ta đã được đổi đời/ Đất nước từ nay tự do, độc lập/ Kìa! Tương lai rạng rỡ, sáng ngời!".
Nếu như thi ca là tiếng lòng hướng nội thì âm hưởng những ca khúc viết trong những mùa thu Cách mạng tháng Tám đã tạo nên khúc hòa âm hùng tráng thể hiện nồng nhiệt nhất hào khí cách mạng thật hồ hởi, thật tươi mới với một tinh thần lạc quan quật khởi góp phần vào khí thế làn sóng trào dâng của nhịp hoan ca say đắm lòng người. Trước hết, đó là bài hát “Tiến quân ca” (sau này được chọn làm Quốc ca) của nhạc sĩ Văn Cao. Dù viết trước ngày Cách mạng tháng Tám nhưng đây là một bài hát cùng với lá cờ đỏ sao vàng được chọn làm tâm điểm cho biển người vùng lên cướp chính quyền. “Tiến quân ca” được hát vang bởi giai điệu, ca từ như là lời kêu gọi thúc dục, là sự cổ vũ ngợi ca những đoàn quân cách mạng đang thực hiện sứ mệnh lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc: “Đoàn quân Việt Nam đi - Chung lòng cứu quốc - Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa - Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước - Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca - Đường vinh quang xây xác quân thù - Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu”. Đến nay, ca khúc “19 tháng 8” của nhạc sĩ Xuân Oanh được coi là “dấu mốc âm nhạc” về tổng khởi nghĩa: “Toàn dân Việt Nam đứng lên góp sức một ngày - Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai - 19/8 khi quốc dân căm hờn kêu thét - Tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung”. Nhịp điệu, tiết tấu âm nhạc như một hồi kèn hiệu lệnh vang xa vừa dõng dạc trang nghiêm vừa rạo rực hào khí cách mạng thức tỉnh mọi người cùng nhất tề đứng lên: “19/8 ánh sao tự do đưa tới - Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng - Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn”. Hòa chung khí thế hừng hực ca khúc “Diệt Phát xít” của Nguyễn Đình Thi mang đậm tinh thần đoàn kết kêu gọi mọi tầng lớp nhất tề đứng lên chống kẻ thù chung: “Đồng bào tuốt gươm vùng lên - Đã đến ngày trả mối thù chung”. Ở Nam Bộ, góp vào với khí thế cả nước nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã viết bài hát “Đoàn vệ quốc quân” với nhịp bước hành khúc rắn rõi: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi - Nào có sá chi đâu ngày trở về”. Và luôn giục giã: “Ra đi, ra đi theo hồn sông núi - Ra đi, ra đi thà chết chớ lui”. Những nhịp hành khúc này cũng là điệu kèn xung trận có sức mạnh tiếp thêm hòa vào sức mạnh. Đây là những bản “ký sự bằng âm nhạc” đã “đi cùng năm tháng” nắm bắt thể hiện trọn vẹn khí thế cách mạng ở những thời khắc lịch sử thiêng liêng. Và trong những ngày thu tháng Tám này, ta được nghe lại bài hát “Ba đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Ký phổ thơ Vũ Hoàng Địch viết trong những ngày sục sôi cách mạng ấy lòng lại bồi hồi nhớ về hình ảnh Bác Hồ kính yêu trên kỳ đài lộng gió cờ sao với câu hỏi nổi tiếng: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Thưa Bác, chúng con nghe rõ tiếng của Người là tiếng của non sông là hiệu triệu muôn trái tim của: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin