Đạ Tẻh là huyện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng tổ chức giải đua thuyền truyền thống thường niên vào mùa xuân, giải quy tụ đội đua đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn. Đây không chỉ là sân chơi thể thao bổ ích, tạo khí thế sôi nổi trong những ngày đầu năm, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của cư dân từ các vùng, miền tụ hội về mảnh đất Đạ Tẻh lập nghiệp.
Giải đua thuyền truyền thống của huyện Đạ Tẻh vào đầu xuân |
Giải đua thuyền trên hồ Đạ Hàm là giải truyền thống được huyện Đạ Tẻh tổ chức vào mùng 5 Tết Âm lịch hàng năm, giải bắt đầu tổ chức từ năm 2006. Qua từng năm, giải đấu được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp cả về phương tiện thuyền đua và các vận động viên tham dự. Hồ Đạ Hàm là một trong những hồ thủy lợi lớn trên địa bàn huyện Đạ Tẻh được xây dựng từ năm 1995 và có khả năng phục vụ tưới tiêu cho khoảng 500 ha lúa trên địa bàn xã An Nhơn.
Hồ Đạ Hàm có tác dụng rất lớn trong việc triển khai các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như xây dựng cánh đồng lớn, hình thành vùng chuyên canh Nếp quýt, một đặc sản đã được chứng nhận thương hiệu của huyện Đạ Tẻh. Hồ Đạ Hàm cũng là một trong những di tích danh lam thắng cảnh của tỉnh Lâm Đồng được nhiều người biết đến.
Theo lời của người xưa, mùa xuân là thời khắc chuyển giao của đất trời; lễ hội đua thuyền được tổ chức để cầu mong một năm mới khai thông sông rạch, mưa thuận gió hòa, cuộc sống được ấm no hạnh phúc. Trong lễ hội, các làng lập ra thành từng đội để thi đấu, đội nào về đích đầu tiên sẽ mang một ý nghĩa rất may mắn, trong năm đó làm gì cũng thuận lợi, tài lộc phơi phới. Chính vì vậy, mỗi dịp Tết đến, xuân về; bà con Nhân dân trong huyện lại tập trung về khu vực đập thủy lợi để cổ vũ cho các đội đua, đây cũng là dịp để mọi người thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng cho một năm mới an lành, hanh thông trong mọi công việc.
Đạ Tẻh là vùng đất mới, cư dân từ các vùng, miền của đất nước đến nơi này lập nghiệp. Ngoài những tên địa danh đậm đà bản sắc miệt Nam Tây Nguyên như Đạ Kho, Đạ Tẻh, Đạ Lây, Đạ Pal... thì cũng gắn liền với thôn, xã nơi quê cũ như Quảng Trị, Triệu Hải, An Nhơn, Quốc Oai, Mỹ Đức, Hà Tây... Điều đặc biệt, chính những cư dân đến đây lập nghiệp đều đến từ những miền quê cũng giàu truyền thống với môn đua thuyền và một số cư dân vốn làm nghề đánh bắt cá trên sông nước.
Trong số các đội đua, đội xã Quảng Trị là đội đua khá nổi trội vì năm nào xã cũng có thành tích cao dù tuổi trung bình của các thành viên trong đội đã trên 50. Ông Trương Chí Dũng, Trưởng Thôn 1, xã Quảng Trị cho biết: Các thành viên nòng cốt của đội đua thuyền hầu hết sinh sống tại thôn, sự thành công của đội đua trong những năm qua chính là nhờ khi ở quê cũ họ đã làm nghề đánh cá trên sông, vào đây lập nghiệp họ vẫn tiếp tục làm nghề sông nước nên kỹ năng chèo thuyền rất thành thạo. Tuy nhiên, vấn đề độ tuổi của các thành viên khá cao nên trở ngại lớn là việc phát triển đội trẻ trong tương lai.
Theo một số tay chèo có tiếng của xã Quảng Trị như ông Nguyễn Ba, Nguyễn Hùng, Hồ Viết, Phạm Minh Dũng..., việc phát triển đội đua trẻ còn một số khó khăn như hiện nay thuyền đa số là thuyền gắn máy nên kỹ năng và sức dẻo dai của con người bị hạn chế một phần. Mặt khác hiện nay con em, thế hệ trẻ đi làm ăn xa nên cũng khó để trẻ hóa đội hình.
Hay các đội có thành tích cao khác như An Nhơn, Đạ Lây đều quy tụ những tay chèo thuyền đến từ những vùng quê sông nước và địa phương nơi họ sinh sống cũng tổ chức các giải đua thuyền thường niên. Theo UBND xã Đạ Lây, thời gian gần đây, đội đua gặt hái được những thành tích quan trọng, đa phần đội đua quy tụ những tay chèo đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi ở quê cũ, có một số người làm nghề đánh cá hay sinh sống gần khu vực các sông, hồ nên kỹ năng chèo thuyền khá thành thạo. Cũng theo UBND xã Đạ Lây thì khó khăn lớn nhất trong việc phát triển đua thuyền của địa phương chính là việc trẻ hóa đội hình.
Giải đua thuyền ở huyện Đạ Tẻh được chia thành 2 bảng A và B. Mỗi bảng thi đấu vòng loại một lượt cự ly 1.500 m để chọn 3 đội có thành tích cao nhất vào chung kết. Vòng chung kết gồm 6 đội có thành tích cao nhất của 2 bảng thi đấu cự ly 1.500 m để tranh cúp vô địch. Mỗi đội thi đấu có 12 vận động viên đăng ký và 7 vận động viên chính thức trực tiếp tranh tài tại các cự ly.
Theo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đạ Tẻh, giải đua thuyền được tổ chức thường niên nên quy tụ đông đủ các đội đua và đông đảo bà con Nhân dân đến xem, cổ vũ. Các đội gồm thị trấn Đạ Tẻh, xã Quảng Trị, xã Đạ Kho, xã Đạ Lây, xã Mỹ Đức, xã An Nhơn, xã Triệu Hải, xã Đạ Pal, xã Quốc Oai. Để duy trì và phát triển giải đua thuyền, huyện Đạ Tẻh đã có những hỗ trợ để các địa phương đóng thuyền đua và các xã, thị trấn có trách nhiệm bảo quản, duy tu, sửa chữa.
Lên cao nguyên, lữ khách không chỉ được ngắm cảnh núi non hùng vỹ mà còn biết đến lễ hội đua thuyền đặc biệt chỉ có ở Đạ Tẻh, đây là điểm rất riêng của huyện miền núi này. Để giải đua thuyền truyền thống phát triển chuyên nghiệp hơn nữa thì ngoài sự hỗ trợ phương tiện, địa phương cũng cần phải quan tâm đến yếu tố con người, nhất là những vận động viên trẻ để nối tiếp truyền thống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin