Miên man giao mùa

NGUYỄN BÁ THUYẾT 00:53, 01/08/2024

Ta đang sống với những ngày hạ chuyển sang thu, thời gian như đang chậm trôi đi trong miên man vũ khúc giao mùa. Người ta thường ví giao mùa như cô gái dậy thì mang tính khí thất thường. Đất trời khi thì ban nắng chói chang, lúc thì đòi mưa sụt sùi, thống thiết.

Đâu đó, những cành phượng đang vội vàng đỏ rực như muốn đốt cháy một vùng trời, lộc vừng rắc kín lối về ngõ nhà ai như tấm thảm đỏ mềm mại dưới bàn chân. Trời làm giông gió, chợt đến, chợt đi, chợt đem về nỗi niềm miên man, trống vắng. Đã từ bao đời nay, giao mùa luôn mang lại cho con người cảm giác lâng lâng, một chút gì nuối tiếc, một chút khát khao trong trầm tư mông lung...

Giao mùa cái nắng bớt gay gắt, bỏng rát như những ngày chính hạ, nhưng nắng của giao mùa vẫn khá sung sức, vẫn là thử thách khắc nghiệt cho những con người và muôn loài trước khi bước sang thu. Đi trên những con đường oi ả ban trưa, những tấm áo cần lao ướt đầm mồ hôi bởi cái nắng như nung da thịt. Chợt ta ước ao có được trận mưa hay những cơn gió ùa đến, len lỏi vào từng khung cửa để làm dịu mát không gian, làm nhẹ lòng người.

Cuộc sống vốn dĩ đã có quá nhiều thứ âu lo, giao mùa lại phải gánh thêm nỗi lo mang tên bão lũ. Những thông báo cơn áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, mưa lớn ở nhiều vùng trong cả nước, lũ quét, lũ ống gây tang thương cho những con người, những gia đình trong những ngày tháng Bảy vừa qua khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Ai ai cũng mong muốn có được sự bình yên với nhịp sống thường ngày. Nhưng để có được sự bình yên đó, rất nhiều người đang phải căng mình nỗ lực trong mưa lũ.

Trong cái nắng hầm hập hay mưa giông tầm tã của giao mùa, hình ảnh những người lính, bộ đội, công an thường xuyên bám trụ ở các vùng thiên tai, giữa dòng xoáy đầy hiểm nguy để giành giật lấy từng mạng sống, giành giật lấy những căn nhà, món đồ cho những số phận không may gặp hoạn nạn... đã tạo nên nỗi niềm xúc động cho bất cứ ai. Tự hào vô cùng, hãnh diện vô cùng bởi chúng ta là người Việt Nam. Niềm tin mãnh liệt của cả dân tộc luôn bên nhau trong hoạn nạn khó khăn sẽ cùng nhau chiến thắng thiên tai, cùng nhau vượt qua gian lao thách thức, đó chính là khúc tráng ca được cất lên từ tình yêu cuộc sống, mang đậm tính triết lý nhân sinh sâu sắc.

Giao mùa miên man niềm nhớ, là khoảng thời gian mang đến nhiều xúc cảm nhất với những cô, những cậu học trò, những sĩ tử với biết bao bâng khuâng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Hội ngộ, chia tay, những dòng nhật ký viết vội, những giọt nước mắt trong trẻo dành cho nhau khi phải xa mái trường, xa thầy cô, bè bạn thân yêu để bước vào cánh cửa cuộc đời tự lập cánh sinh.

Những ngày giao mùa, không chỉ có sĩ tử mà cả những người cha, người mẹ, người ông, người bà cũng đang sống trong tâm trạng lo lắng, bồn chồn trộn lẫn háo hức, rộn ràng khó tả khi đồng hành với cháu con trong mùa thi để mong con được chạm vào ước mơ, ghi dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời đứa con, đứa cháu thân yêu của mình. Cảm xúc vỡ oà niềm vui và nước mắt khi nghe tin con đạt kết quả cao hay những lời động viên, vỗ về, an ủi sẻ chia cháu con không đạt được như ý muốn. Có nhiều cánh cửa cuộc đời mở ra để tuổi trẻ bước vào và tiếp tục nuôi dưỡng khát khao, mơ ước. Giữa bầu trời rộng lớn, lẫn trong cái nắng, cơn mưa giao mùa, ta cảm nhận được một cách đủ đầy tình yêu vô bờ bến mà những người thân yêu dành cho cháu con.

Đón giao mùa ở một nơi xa, dưới bầu trời khi cơn giông đang vần vũ, lòng ta lại thắc thỏm nhớ quê. Làng quê xưa mùa này mưa bão sẽ tràn về bất chợt. Có những năm bão lụt tới triền miên. Những ngôi nhà nhỏ, những con người nghèo khó luôn phải cố sức gồng mình bên dòng sông quê để vượt lũ lụt, bão giông. Những cánh đồng chưa kịp gặt, những ruộng hoa màu đổ rạp vì gió quật trông thật xót xa, ai oán khôn cùng. Từng bông lúa, cọng rau được vớt lên từ ruộng nước thấm bao nỗi đắng đót, nhọc nhằn của người dân quê.

Tôi sinh ra từ miền quê chiêm trũng, bến nước, bờ tre nên thấu hiểu nỗi vất vả của ông bà, cha mẹ, của những con người chân tay chai sạn, áo quần bạc màu mưa nắng, luôn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm nên hạt lúa, củ khoai nuôi sống bao thế hệ con người. Chỉ thế thôi cũng đã quặn thắt niềm thương, nỗi nhớ cũng đủ ứa lệ với giao mùa ở quê xưa...