Nghi lễ cưới của người M’nông

TRỊNH CHU 01:36, 14/08/2024

Nét riêng làm nên sự độc đáo của nghi lễ cưới người M’nông (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) chính là việc người con trai hoàn toàn chủ động trong hôn nhân nhưng sau đám cưới vẫn ở rể phía nhà vợ.

Đam Rông vừa tổ chức tái hiện lễ cưới của người Mnông để gìn giữ, quảng bá nét đẹp 
văn hóa của dân tộc này
Đam Rông vừa tổ chức tái hiện lễ cưới của người M'nông để gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc này

Trong ngôn ngữ của người M’nông, nghi lễ cưới gọi là lèh tàm bau. Lèh tàm bau thường được tổ chức ở nhà gái. Tới ngày như đã ấn định trước đó, nhà trai mang lễ vật gồm: 1 con heo, 3 ché rượu cần, 1 con gà trống, 1 bộ chiêng, 1 cây lao và 2 cây đèn sáp... đến nhà gái. Nhà trai được nhà gái đón tiếp nồng hậu trong tiếng chiêng rộn ràng, cùng những điệu múa xoang uyển chuyển. Nhà gái nhận lễ vật từ phía nhà trai, không quên cắt cử người nhà kiểm kê các lễ vật, thấy lễ vật đầy đủ như đã định thì lấy xà gạt gõ vào đầu con heo xác nhận. Nhà gái sau đó đem con heo đi mổ thịt, rồi giữ lại một nửa số thịt (nửa có đầu heo), một nửa số thịt còn lại gửi cho phía nhà trai.

Trước khi nhà trai vào trong nhà, phía nhà gái cử 2 thanh niên đứng ở cửa tiến hành nghi lễ té nước cho các thành viên nhà trai. Phía bên trong nhà, nhà gái cử 1 người chuẩn bị rót rượu, 1 người chuẩn bị thịt, 4 - 5 người chuẩn bị cơm để thiết đãi nhà trai. Mỗi thành viên phía nhà trai sẽ được phía nhà gái tặng một sợi cườm đeo cổ. Bên ché rượu cần giữa nhà, chủ lễ cầm tay đôi vợ chồng trẻ, khấn vái các vị thần linh chứng giám, xin thần linh phù hộ cho đôi trai gái mới cưới yêu thương nhau đến trọn đời. Chủ lễ sẽ nếm thử rượu cần, rồi trao cần rượu cho người đại diện nhà trai uống, tiếp đến là đôi vợ chồng trẻ, sau đó là bố cô dâu. Cần rượu lại được chuyển cho một thành viên nhà trai, rồi một thành viên khác của phía nhà gái, luân phiên cho đến khi hết các thành viên của hai gia đình. Trong lúc mọi người uống rượu cần, chủ lễ dắt chú rể vào phòng ngủ của bố mẹ vợ và kho lúa của gia đình phía đằng nhà vợ, ý nói từ giờ phút này, chú rể chính thức là một thành viên của gia đình nhà gái. Chủ lễ bảo cô dâu và chú rể trao sợi cườm cho nhau trước sự chứng kiến của mọi người. Tiếp đến, chủ lễ cầm một tấm chăn rộng trùm lên đầu cô dâu và chú rể. Đôi vợ chồng trẻ đút cơm cho nhau, biểu hiện tình cảm gắn bó keo sơn. Sau nghi thức này, cô dâu và chú rể mời rượu bố mẹ, họ hàng hai bên để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn. Mọi người cùng uống rượu, ăn thịt, ca hát, nhảy múa, trao cho nhau những lễ vật, chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Qua lễ cưới, chú rể lưu lại nhà vợ 4 hoặc 8 ngày, sau đó cùng bố mẹ và họ hàng nhà vợ trở lại nhà bố mẹ đẻ để “lại mặt” bố mẹ đẻ, đồng thời đưa cô dâu ra mắt bố mẹ và họ hàng phía nhà chồng, trước khi trở về sống lâu dài bên nhà vợ.

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đam Rông, việc phục dựng lễ cưới của người M’nông bên cạnh mục đích gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của người M’nông, còn là dịp để tôn vinh nét đẹp văn hóa của người M’nông khi họ đã biết loại bỏ những thủ tục rườm rà, rình rang trong cưới xin. Nhiều năm qua, người M’nông đã biết chắt lọc, gìn giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp biến những yếu tố văn hóa tích cực, phù hợp với xu thế hiện nay để làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc mình.