Tuyên truyền, giáo dục liêm chính thông qua hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật

THÚY NGÀ 05:15, 07/08/2024

Xây dựng, hình thành và thực thi tốt văn hóa liêm chính, tiết kiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, có tinh thần gương mẫu, tiên phong, tận tụy, trung thành với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể, cộng đồng.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của Nhân dân. Ảnh: Q.Uyển
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của Nhân dân. Ảnh: Q.Uyển

Giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển địa phương, đất nước; tỉnh Lâm Đồng đã tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội về công tác giáo dục liêm chính.

Nhằm thực hiện phương châm “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu” các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã tuyên truyền, giáo dục liêm chính, văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh”. Trong đó “3 điều cần làm, đó là: Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung; Làm hết trách nhiệm, quyết tâm cao, tư duy đổi mới; Làm mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất”. “4 điều cần tránh, bao gồm: Tránh làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân; Tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; Tránh làm việc qua loa, đại khái, không mang lại hiệu quả; Tránh an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý”. Mục đích hướng tới của “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” nhằm tạo chuyển biến đồng bộ, rõ nét về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Có thể nói công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính thông qua hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; đóng góp tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung và văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số tại chỗ của Lâm Đồng (K’Ho, Mạ, Churu, M’Nông) đã tập trung khai thác mảng đề tài về khảo cứu, tổng luận, sưu tầm, dịch thuật và sáng tác, xuất bản các tác phẩm, ấn phẩm, sách... nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; 2 Nghệ sĩ Ưu tú; 1 tác giả được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng nhà nước” về văn học nghệ thuật. Mỗi năm, xuất bản hơn 50 đầu sách cá nhân, các tuyển tập văn, thơ; công bố, giới thiệu từ 5.000 đến 8.000 tác phẩm văn học trên các tạp chí, báo và phát sóng trên các đài phát thanh và truyền hình trong và ngoài tỉnh. Có nhiều nghệ sĩ được phong các tước hiệu quốc tế trên lĩnh vực nhiếp ảnh, mỗi năm có trên 30 cuộc triển lãm thu hút trên 10.000 lượt công chúng và du khách xem, thưởng thức. Hoạt động chiếu bóng lưu động thực hiện 560 buổi chiếu với đa số là phim Việt Nam, phục vụ trên 150.000 lượt người xem/năm. Các nhạc sĩ đã sáng tác hơn 150 ca khúc các thể loại; tham dự và đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh và quốc gia. 

Ngoài ra, việc xây dựng nếp sống văn hóa, hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh thực sự trở thành các phong trào thi đua sôi nổi và phát triển sâu rộng đến các thôn, buôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 288.291/315.065 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 1.300/1.367 thôn, tổ dân phố được công nhận, công nhận lại danh hiệu văn hóa; có 111/111 xã được công nhận và công nhận lại danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 27/31 phường, thị trấn đạt “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 1.527/1.557 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa. 

Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, xuất sắc trong xây dựng môi trường văn hóa thật sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư; các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm cho người nghèo; các hoạt động từ thiện nhân đạo... những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: uống nước nhớ nguồn, tình làng nghĩa xóm, lòng nhân ái, tinh thần “lá lành đùm lá rách”... được khơi dậy, vun đắp và không ngừng phát huy bằng những hành động thiết thực, những việc làm cụ thể.

Tuy nhiên, việc sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về phòng, chống tham nhũng tiêu cực là công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm nên nhiều cây bút ngại va chạm, chưa có những tác phẩm phản ánh sự việc cụ thể, mà mới chỉ xuất hiện những tác phẩm với nội dung chung chung.

Trong giai đoạn hiện nay, tuyên truyền, giáo dục liêm chính thông qua hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết và cấp bách. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, các ngành cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức, gắn với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo Bác, các quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ những người làm báo, văn nghệ sĩ trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; trong sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật góp phần tham gia vào công cuộc chấn hưng văn hóa, củng cố, xây dựng nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện.