Ở những nơi cơn bão đi qua, có một thứ được coi như “đặc sản” ám ảnh chẳng kém gì mưa, gió hay ngập lụt, đó là cái nắng bừng lên sau khi tan bão.
Đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão. Ảnh: Thành đoàn Hà Nội |
Nắng sau bão, là cái oi bức khó chịu, tưởng như bị bó buộc trong bức tường vô hình không thoát ra được. Oi ả, bức bối, nhưng không ai mong muốn có thêm cơn mưa nào trút xuống nữa. Nếu có mưa, thì chẳng còn tâm trạng sợ sệt nép mình vào góc tường, trùm chăn thật chặt mỗi khi âm thanh sấm chớp ầm ầm vang lên. Người ta bận nghĩ về cách sống sót, suy tính cách vượt qua những điều tồi tệ sẽ lại xảy đến thế nào và hi vọng, cơn bão vừa đi qua là cơn bão cuối cùng trong năm.
Nắng lên, bị đánh thức thật sớm bởi tiếng chổi soàn soạt dưới nền xi măng, nghe mùi bùn đất tanh nồng đang dần khô. Những cái cây trụi lá qua nhiều ngày ngậm nước như cũng đang đấu tranh tìm lại sự sống. Cánh cửa sổ bao lâu đóng kín, nay mới bật ra để nắng hắt sáng một góc nhà. Chỉ cần thấy mặt trời mỗi sớm mai ngoi lên sau đỉnh núi mờ xa, trời cao và xanh, dường như ngày mới sẽ bắt đầu dễ dàng hơn. Ngắm cái nắng sau bão, người ta chép miệng thở dài, than vãn đất trời chi nghiệt ngã quá. Nhưng cũng hiểu rằng, có nắng nghĩa là những ngày bình yên đã quay trở lại.
Nắng lên rồi, nhưng phải chờ nhiều ngày cho đất khô mới có thể gieo hạt rau. Chờ nhiều ngày nữa mới có thể mua hoặc được hỗ trợ vôi sát trùng khu chuồng trại, ươm lại đàn gà mới. Nhiều ngày sau bão, người ta phải loay hoay, cân đo đong đếm ăn gì, tiêu gì, dành dụm ra sao để tái lập lại cuộc sống. Những ngày này, nắng ngột ngạt khiến thân thể rệu rã nhưng lại chẳng thể lười biếng được. Nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, chăm chút lại từng vạt tường, góc mái, hàng rào đã nhiều năm gắn bó. Bởi vì sau mỗi bận bão tràn qua, họ không muốn “cái tổ” ấm áp của gia đình mình trở nên cũ kỹ, tàn tạ thêm nữa.
Ngày không bão, nắng lên chính là ngày mùa. Nắng làm bừng dậy sắc vàng lúa chín. Những ngày ấy, nắng theo đôi chân trần vương bụi của mẹ, của em, đùa vui trên cánh đồng. Có nắng, trẻ con có thể đá bóng, tắm sông; người lớn nương bóng cây, thư thái ngả lưng trên cỏ canh lật rơm phơi, hít hà hương nếp... Còn bây giờ, cái màu nắng chiều tàn úa sau bão gieo vào lòng người cảm giác hoang hoải. Dù là nhọc nhằn, dù phải sạm đen thêm nhiều lần nữa, họ vẫn cam chịu, miệt mài và lặng lẽ gom nhặt mồ hôi thành những đồng tiền lẻ, lo cho con miếng cơm manh áo...
Nắng lên, những cuốn sách ướt mưa được mang ra hong, cong queo, loang lổ màu bùn đỏ. Đám trẻ con làng quê vùng lũ tự lập từ bé, đứa nào đứa nấy coi việc bỏ giấc trưa, thức canh phơi sách là nhiệm vụ quan trọng. Rồi chúng xăm xắn mang đồ dùng đi quét dọn trường lớp, háo hức vui. Nhưng đêm về chỉ chực ăn xong bữa tối là lăn quay ra ngủ vì mệt. Những đứa trẻ sinh ra nơi “rốn lũ”, chúng vô tư làm công việc đó không phải chỉ một lần, mà nhiều lần trong đời học sinh của mình. Không ít những đứa trẻ - ngay thời khắc ấy - đã quyết tâm phải học thật giỏi, sau này sẽ kiếm thật nhiều tiền, không phải chật vật sống ở nơi làng quê nghèo quanh năm lụt lội; chúng sẽ nỗ lực kiến tạo cuộc đời mình thật khác.
Những ngày nắng héo hắt sau bão, người dân vùng lũ lại hoạch tính về những chuyến tha hương. Họ sẽ cố vất vả thêm một chút, tằn tiện thêm một chút, năm sau sẽ nâng lên cái nền, sẽ sửa lại cái mái, sẽ trát lại mảng tường.... Thời giờ người khôn của khó, tấc đất tấc vàng, sống đâu làm đâu, rồi họ cũng chỉ thấy quay về quê nhà là hạnh phúc. Đâu ai được chọn nơi mình sinh ra, thế nên họ phải gắng mà yêu, gắng mà chống đỡ, gắng mà sinh tồn. Những chuyến đi ấy, họ lại khoác lên mình và người thân niềm hi vọng. Lại ấp ủ, chờ đợi ngày đoàn viên. Những cuộc chia xa - đoàn tụ tái diễn, với nhiều người hành trình ấy lặp lại gần cả cuộc đời. Bởi thế mà người ta tôi rèn nên sự kiên cường và biết chấp nhận mọi nỗi đau, mất mát. Thương biết bao những cuộc chia xa và đoàn tụ như thế.
Nắng lên sau bão, bề bộn bao nỗi lo toan, nhưng nắng cũng là tiếng gọi ngày bình yên quay trở về!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin