Minh họa: Phan Nhân |
Sáng, chị Thanh, chị họ tôi xuống dưới nhà, bảo:
- Đi với chị xuống mộ ba!
-Vâng! Lâu lắm rồi em cũng không ra viếng mộ bác được, tệ quá!
Thế là đi. Hai chị em chở nhau trên chiếc xe dream lùn cũ kỹ của chị, chạy thẳng theo con đường dẫn tới quẹo ông Từ.
- Đường mới sửa đẹp quá chị ha!?
- Được đoạn này thôi. Tháng trước chị với mẹ đi qua quãng trên còn lộn xộn lắm.
- Lần trước chỉ có chị với bác đi thôi sao? Anh Quân không đi cùng ư?
- Không, ảnh bây giờ có liên quan gì với gia đình mình đâu.
- Ngày xưa bác cưng ảnh nhất.
- Ba chị thì...
Lấp lửng như vậy là khó nói chuyện rồi. Tôi đành im lặng đánh mắt sang những hàng nhãn lúc lỉu trái hai bên đường. Giống nhãn xuồng cơm vàng chất lượng cao, đặc sản nổi tiếng của Vũng Tàu này đang thay thế cho loại nhãn nước mà ngày xưa anh Quân hay đưa hai chị em tôi vào vườn bạn anh để hái. Những trái nhãn to tròn, mọng nước ấy, tuy rất ngọt nhưng hạt to, cùi mỏng ăn cả ký cũng chẳng nhớ được vị. Cái thời ấy cũng mới cách đây chừng dăm bảy năm chứ mấy. Bất giác tôi thở dài một tiếng. Chị Thanh hiểu sai tiếng thở dài của tôi, hỏi:
- Em vẫn mến anh Quân lắm phải không?
- Anh ấy thông minh, lịch sự, nhiệt tình, ai mà chẳng quý. Nếu anh ấy không như vậy thì chị đâu có yêu đúng không?
Tôi lại nhấn vào nỗi đau của chị rồi, mà trước sau gì chị chẳng phải xả ra với tôi. Chị không phải là người dễ cởi lòng nhưng chị quá ít bạn bè mà với cả khối tâm sự như thế, để lại trong người có dễ chịu gì.
Anh Quân là người yêu cũ của chị. Ngày bác tôi đã làm giám đốc cái công ty duy nhất trực thuộc Bộ Xây dựng của cái thành phố biển bé nhỏ này được hơn chục năm, anh Quân mới được tuyển dụng về. Là một kỹ sư trẻ, khỏe mạnh, có chuyên môn lại khéo léo trong cách đối xử với mọi người, anh được bác tôi cưng lắm. Sáng sớm, tối khuya, việc gì cũng gọi tới anh. Anh lên phó, rồi trưởng Phòng Kế hoạch chỉ sau ba năm làm việc. Anh với chị Thanh quen nhau khi nào tôi không biết rõ nhưng ai cũng thấy anh chị trông rất xứng đôi. Thực ra cũng có một số người nói ra nói vào về đôi mắt nhanh, sắc sảo trên khuôn mặt vuông vức của anh, cả việc trước đây hình như anh có quen với một cô gái con vị giáo sư có tiếng trong trường xây dựng, gần cưới rồi tới khi cầm tấm bằng đại học loại ưu thì anh lại bỏ vào trong này. Tuy nhiên miệng tiếng người đời, ai hơi đâu mà tìm hiểu cho mệt xác, biết đâu đấy chẳng là miệng lưỡi của những kẻ ghen ăn, tức ở với anh. Anh làm việc cần cù, có trình độ chuyên môn cao, có thăng quan tiến chức nhanh cũng là chuyện bình thường. Ngoài ra, bác tôi cũng là người có tiếng là thanh liêm. Có lần bác gái tôi càm ràm rằng chồng làm giám đốc cả chục năm mà vợ con vẫn phải chạy vạy vay mượn tiền để hóa giá nhà, đã bị bác trai mắng:
- Tôi trình độ trung cấp. Tiền lương lại cao nhất công ty. Ngày lễ, tết, tiền thưởng, phụ cấp cũng gấp đôi, gấp ba người ta. Nhà lầu xe hơi. Cơm Tàu, rượu ngoại, được chiêu đãi suốt ngày. Quyền sinh quyền sát trong tay. Con cái ngoan ngoãn đàng hoàng, bà còn than vãn cái nỗi gì. So với cái thời bao cấp, ở nhà tập thể. Mỗi ngày leo ba tầng lầu xuống máy nước công cộng giặt đồ, ngày nghỉ đi xin vỏ bào về đun ngoài hành lang, tối tối đốt đèn dầu làm việc thì sao?
- Mỗi thời mỗi khác. Tôi với ông thì bạc tóc cả rồi còn cần gì nữa nhưng còn các con …
- Chúng nó lớn cả rồi, có chân tay, đầu óc, phải đi làm lấy mà ăn, ai nuôi báo cô mãi được.
Nhà bác tôi có bốn anh chị em. Chị Minh đi xuất khẩu lao động, lấy chồng ở lại bên Nga. Hai anh họ tôi người mở tiệm bán đồ thể thao, người làm công nhân nhà máy thép trên Phú Mỹ. Chỉ duy có mình chị Thanh út ít, cấn cơm cấn sữa, được học hành đàng hoàng, cũng khá xinh xắn, đoan trang nên bác trai đồng ý nhận chị về làm ở Phòng Kế toán công ty. Danh là con giám đốc nhưng chị cũng chỉ là kế toán viên bình thường. Thế nên hai bác cùng mừng vui khi thấy chị và anh Quân quen nhau. Quân là người đàn ông lý tưởng cho bất kỳ cô gái nào: Trẻ, đẹp, ga lăng, có tài, lại cần cù, chín chắn, khôn ngoan. Những đứa con gái không nhan sắc, không trình độ như tụi tôi chẳng mong gì được anh ngó tới. Nhưng tôi cũng thấy ngờ ngợ về thái độ của anh đối với chị Thanh. Dù anh vẫn một tuần ba tối tới nhà chị chơi, chăm sóc cho chị tận tình chu đáo, chiều lòng được tất cả mọi người trong nhà, kể cả cái con bé nhà quê ăn nhờ ở đậu là tôi, nhưng hình như anh quá tỉnh táo và lý trí trong tình yêu thì phải. Quen nhau mấy năm, tôi chẳng bao giờ thấy họ cãi nhau, giận hờn hay ghen tuông. Cảm giác như mốt món ăn nhìn rất ngon nhưng nếm thử lại thấy thiêu thiếu gì đó mà không biết là thiếu muối, tiêu, hay chanh, ớt. Có lần tôi bóng gió thắc mắc với chị về điều đó, chị cười:
- Ảnh là người đoàng hoàng mà. Vả lại, đàn ông con trai ai không coi trọng sự nghiệp chớ. Ảnh còn sợ lấy vợ sớm khi chưa thành đạt thì sẽ làm chị khổ í.
- Nhưng yêu nhau lâu không cưới, đôi khi sinh lắm chuyện lắm đó chị.
- Thế bộ chị phải giục anh ấy sao? Bây giờ người ta kết hôn muộn. Hai đứa chị còn trẻ, nhà cửa chưa có, cưới về để đi ở nhà thuê sao?
Đấy là thời kỳ trước đây, khi tôi còn ở chung với bác. Vậy mà khi tôi chuyển lên nhà máy của công ty trên Bà Rịa chưa đầy năm đã nghe tin họ chia tay nhau. Người bị mọi người lên tiếng chê trách trong vụ chia tay, chia chân này, tiếc thay lại là chị. Chuyện đó lại diễn ra ngay sau ngày bác tôi đang làm thủ tục nghỉ hưu thì bị đột quỵ, nằm liệt một thời gian rồi mất. Trước và sau đó, anh Quân vẫn tới nhà chị, vẫn tỏ ra săn đón, chăm sóc chị, chỉ có điều, anh có vẻ đau khổ dữ lắm, lúc thì anh trầm tư, lúc lại có vẻ cau có, buồn bã. Anh làm việc như cái máy, mọi người ai cũng phải khâm phục tài năng và nghị lực của anh. Sáng sớm đã thấy mặt anh, tối khuya phòng anh vẫn sáng đèn. Tất cả mọi công việc mà giám đốc mới giao cho phòng anh, từ việc tìm kiếm công trình, tham gia dự thầu, thỏa thuận giá cả, thanh quyết toán các công trình đã thi công xong. Anh đều hoàn tất trong thời gian sớm nhất. Một mình anh gánh hết công việc của cả phòng. Người nói anh làm việc để chứng tỏ với giám đốc mới. Người nói anh lao vào làm việc để tìm quên. Không chắc. Chỉ biết giám đốc mới khen ngợi anh hết lời. Những người trước kia vẫn xì xào bàn tán, nói anh dựa bóng bố vợ tương lai, bây giờ im re. Chỉ có điều chuyện giữa anh và chị Thanh vẫn là đề tài bàn luận trong những lúc nhàn rỗi ở tất cả các phòng, ban công ty. Buồn nhất là tới bây giờ, trong mắt nhiều người, chị Thanh vẫn là cô kế toán viên nguyên tắc máy móc, trước thì cậy thế bố, sau thì lại phạm lỗi bắt cá hai tay. Thật thà thì bản thân tôi, người vẫn luôn ngưỡng mộ và tự hào về anh Quân cũng thấy khó chịu về thái độ và cách cư xử khó hiểu của chị khi đó. Chị và anh Quân yêu nhau lâu như vậy, ai cũng biết, vậy mà hôm đám tang bác, chị lại gục đầu vào vai một người con trai khác, khóc nức nở rồi sau đó còn cương quyết đòi chia tay với anh Quân, nguyên nhân hình như chỉ vì trước đó anh Quân bận giải quyết việc thi công công trình ở Dung Quất nên không về dự đám tang bác được.
Khá nhiều người biết rõ về gia đình bác tôi, về chuyện tình của anh và chị. Không ai thanh minh cho hành động đó của chị được. Với lại, dù có thanh minh, giải thích gì thì họ cũng chia tay nhau rồi. Tội phản bội của chị tôi bày ra đó, không chỉ bằng hành động gục đầu vào vai bạn trai cũ mà còn bằng vào nét mặt đau khổ của anh Quân khi đi công tác về. Còn ai nói gì được nữa.
- Chuyện anh Quân được điều ra làm giám đốc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu lọc hóa dầu ngoài đó chị biết chưa?
- Chị có nghe nói.
- Anh ấy còn trẻ thế mà đã…
- Ừ!
- Anh ấy đâu có thiết gì cái chức đó, cũng không tính lập nghiệp ở miền Trung đâu. Ở công ty người ta đang bàn tán xôn xao anh ấy bị chị đá đau quá nên xin đi xa để tìm quên.
- Miệng tiếng người đời, nhất là mấy bà rỗi việc ở văn phòng công ty mình thì…
- Không phải mấy chị đấy, mà là chính miệng chú Tiếp nói ra. Chú Tiếp thấy anh ấy đau khổ nên chuyển anh ấy ra Đà Nẵng một thời gian chứ anh Quân còn trẻ, năng động, chuyên môn cao…
- Bất cứ một cú hích nào người ta cũng cần phải lấy đà em à. Đối với anh Quân, vị trí giám đốc công ty cũng không phải là cái đích cuối cùng.
- Chị cứ nói thế. Chú Tiếp vừa mới...
Một tiếng kêu ối, khiến tôi bỏ dở câu nói. Một cậu bé từ bên đường lao ra xém chút nữa va vào chúng tôi. May mà đường xấu nên chị chạy chậm. Chùm nhãn trên tay cậu bé rơi quá nửa. Chúng tôi dừng xe, xuống nhặt lên cho cậu. Tôi bóc thử vài trái. Đúng như dự đoán, những trái nhãn này còn non, hạt còn chưa đen hết. Cậu bé có vẻ cũng giống tôi hồi mới ở quê vào, thấy nhãn to, không có người trông nên tiện tay bẻ đại làm phí phạm cả chùm nhãn.
Bác trai đã giảng cho tôi một bài dài về chuyện này. Tuy nhiên bao năm rồi, tôi vẫn là dạng người “thấy đỏ tưởng chín”, thích những thứ lấp lánh hơn vàng thô. Bác tôi giờ đã thành người thiên cổ. Cuộc sống thật dễ đổi thay, chỉ bản tính con người là khó sửa.
Xe dừng lại ở lối dẫn xuống khu II Nghĩa trang Phường 12, thành phố Vũng Tàu. Đây là khu nghĩa trang cũ. Bác tôi là một trong những người sau cùng được chôn ở đây. Bây giờ những người mất, an táng hay hỏa táng cũng đều được đưa sang Long Hương -Bà Rịa, xa gấp đôi, gấp ba. Người sống thì ai cũng phải chết đi. Người chết thì trừ những ngôi mộ không có thân nhân chăm sóc dẫn đến cỏ che mưa xóa, còn lại các ngôi mộ được xây to, ốp đá thì nằm đấy vĩnh viễn, nếu không được di dời nên nghĩa trang cũng giống như thành phố cứ càng ngày càng mở rộng mà vẫn càng ngày càng chật chội.
Chúng tôi đi sâu xuống dưới chừng ba trăm mét, chị Thanh dừng xe trước một dãy những ngôi mộ lớn, nhỏ, đã cũ màu. Vòng vèo đi bộ thêm một trăm mét nữa mới tới mộ bác. Tôi với chị đứng lặng bên ngôi mộ đã được ốp đá hoa cương to đẹp. Vòng khói nhang mờ ảo trước tấm ảnh bác trông như làn khói thuốc lào bác mới vừa thở ra khiến tôi rùng mình ớn lạnh. Có không nhỉ những linh hồn từ một thế giới xa xôi nào đó đang theo mùi hương hoa, nhang khói trở về quanh quất đâu đây nhìn, nghe, tâm sự với những người thân trên dương thế bằng một thứ ngôn ngữ câm lặng mà người trần khó thể nào nhận biết!? Hai chị em cầm những nén nhang cháy dở đi cắm cho những ngôi mộ quanh đấy. Tùy theo mức độ xấu, đẹp, sơ sài hay cẩn thận, tôi đoán được địa vị và điều kiện kinh tế của người nằm dưới mộ hoặc con cái, cháu, chắt họ trên dương gian. Tất cả họ đã từng sống, từng làm việc tranh đấu, vật lộn với cuộc sống trăn trở, day dứt hay thanh thản, êm đềm rồi cuối cùng họ cũng nằm xuống dưới ba lớp đất mà thôi. Ngày xưa, bác tôi hay trích lời người xưa cái gì mà: “Dục tri, tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị. -Muốn biết nhân đời trước thì xem những gì hưởng trong đời này. Muốn biết quả đời sau thì xem đời này tạo ra sao”. Bác tôi đã sống một đời thanh bạch, tử tế như thế, mong rằng kiếp sau bác sẽ sống an yên, vui vẻ ít buồn lo.
Tôi và chị Thanh ngồi xuống bệ đá cạnh mộ bác và bắt đầu nhổ những cây cỏ dại, chen chúc với những cành cây cẩm tú nở đầy hoa tím thẫm. Ánh mắt bác Chính nheo nheo cười, nhìn chúng tôi bằng ánh nhìn nồng hậu. Ánh mắt này bác thường nhìn những người bác đặc biệt yêu thương và dĩ nhiên anh Quân là người thường xuyên được nhìn như thế.
- Từ ngày bác mất tới giờ, anh Quân ra mộ mấy lần rồi hả chị?
- Ảnh không hỏi nên chị không thể dẫn anh ra đây được.
Vậy là chưa lần nào anh ra đây cả, tôi thầm nghĩ và cố tỏ vẻ thản nhiên:
- Nghe ảnh than “Cả tuần chẳng có thời gian ngủ lấy một tiếng” chắc là bận lắm!
- Ừ, làm gì có thời gian và lại cũng phải còn một chút lòng tự trọng đối với người đã khuất nữa.
Cay đắng quá! Có lẽ là có uẩn khúc gì đây? Tôi dò dẫm:
- Chị với anh Tân thế nào rồi?
- Tân nào?
- Anh Tân của chị chứ anh Tân nào?
Làm như tôi không biết vụ chị và anh ta hôm bác mất? Làm như chị chưa từng nói với tôi vụ anh Tân học cùng trường với anh Quân, tốt nghiệp loại ưu mà không có người nâng đỡ nên bao năm ra trường mà vẫn không kiếm được việc làm đàng hoàng. Giấu người ngoài chứ chẳng lẽ lại giấu người trong nhà. Hay là…
- Chị với anh Tân chỉ là bạn. Tháng trước anh ấy đi Bảo Lộc có mang hai khóm cúc tới trồng ở đây nhưng đất cằn quá nên nó chết mất rồi.
- Sao anh Tân không xin về công ty mình, vừa là bạn chị vừa là bạn học cùng anh Quân...
- Chị thì chẳng đủ sức, còn nhờ anh Quân thì có lẽ anh Tân không nhờ. Với lại, chị biết anh Quân không bao giờ thích cho anh Tân vào làm cùng công ty đâu.
Tôi chờ chị trút thêm nỗi lòng nhưng hình như những câu chuyện buồn luôn kết thúc dở chừng. Chị im lặng ngay sau tiếng thở dài mệt mỏi để cả hai lại rơi vào suy tư. Tôi không biết chị Thanh nghĩ gì. Về anh Quân với khuôn mặt đẹp trai, cái ghế giám đốc lơ lửng trước mặt hay về anh Tân với tấm bằng đỏ và ánh mắt buồn nơi cao nguyên xa xôi. Suy cho cùng thì người phụ nữ nào cũng cần một người tốt, yêu mình thật lòng nhưng làm thế nào để biết chính xác người ta có tốt và thật lòng với mình không lại là chuyện khác.
Chị Thanh đứng lên, bật quẹt, đốt thêm tuần nhang mới, lầm rầm khấn. Sau đó chị nắm lấy vai tôi, nhẹ nhàng:
- Nước mắt và nước lã, người ngoài nhìn vào đều giống nhau nhưng người nếm nó thì chỉ một giọt cũng phân biệt được em ạ! Chúng ta về thôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin