Từ những năm 60 đến nay, nhà văn Trình Quang Phú đã tạo được dấu ấn của mình khi viết về lãnh tụ. Tác phẩm của ông được tái bản nhiều lần như Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (22 lần), Đường Bác Hồ đi cứu nước (17 lần)... Ở tuổi 84, ông vừa ra mắt sách Theo dấu chân Người, nhân kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đến Quảng Châu - một bước ngoặt lịch sử lớn trong cuộc đời Người (1924 - 2024).
GS.TS nhà văn Trình Quang Phú hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Ông gặt hái nhiều giải thưởng văn học với tác phẩm Ký sự xứ người đoạt Giải thưởng Văn học Mê Kông năm 2022 và Giải Sáng tạo TP Hồ Chí Minh năm 2023. Tác phẩm Nhà văn và chữ tình gửi lại đoạt giải A Giải “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2025 của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tác phẩm Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng đoạt giải A, Cuộc vận động Sáng tác, quảng bá về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021-2025 của Ban Tuyên giáo Trung ương... |
• Ý TƯỞNG VIẾT TỪ HƠN 20 NĂM TRƯỚC
• Cảm hứng nào khiến nhà văn Trình Quang Phú bỏ ra nhiều năm tìm tư liệu và viết Theo dấu chân Người?
PGS.TS nhà văn Trình Quang Phú |
- Vào khoảng năm 1996 - 1997, lúc cuốn Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng in lần thứ nhất, tôi đã đem sách tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả hai ông đều khuyên tôi viết về thời gian Bác Hồ ở nước ngoài. Ông Phạm Văn Đồng đặc biệt nhấn mạnh: 30 năm Bác Hồ ở nước ngoài có bao nhiêu kho tư liệu quý và hấp dẫn, hãy cố gắng khai thác những tư liệu, những câu chuyện đó. Lúc bấy giờ, tôi nghĩ khó quá bởi tư liệu ấy ở rất nhiều nơi trên thế giới, rất mông lung. Và tôi chọn cách dễ hơn là biên soạn cuốn Đường Bác Hồ đi cứu nước. Cuốn sách cũng có những tư liệu, những câu chuyện Bác Hồ đi từ quê hương đến Bến Nhà Rồng, rồi từ Bến Nhà Rồng đi khắp năm châu. Cuốn sách sưu tầm và biên soạn này cũng được ông Võ Nguyên Giáp viết lời hoan nghênh ngay trang đầu, ở lần in thứ 2 và nhiều độc giả đón nhận.
Từ việc biên soạn cuốn sách Đường Bác Hồ đi cứu nước, tôi đã hình dung ra thật cụ thể cuốn sách Theo dấu chân Người sau này và luôn đau đáu suy nghĩ: Cuốn sách này mới chỉ là biên soạn, chưa phải của mình viết ra và tôi quyết tâm việc viết cuốn sách của riêng mình. Nhiều công việc cuốn đi, lần lữa, đến nay, cuốn sách được ra đời năm 2024 - năm Bác Hồ đến Quảng Châu, Trung Quốc.
• Khi viết thể loại văn học truyện ký, khác với những cuốn sách biên soạn, kể chuyện trước đây, ông có gặp áp lực gì với những nhà văn đã từng viết tiểu thuyết rất thành công về Bác Hồ như Sơn Tùng với Búp sen xanh, Nguyễn Thế Kỷ với bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm...?
- Tôi không gặp áp lực gì đáng kể. Nói thật là đọc Sơn Tùng tôi rất quý anh ấy vì chính anh Sơn Tùng là người truyền cảm hứng viết về Bác cho tôi. Trong đêm gặp nhau ở rừng Trường Sơn năm 1968, hai anh em đã nói chuyện về đề tài Bác Hồ và đã hứa với nhau, sau trận chiến này nếu còn sống sẽ viết về Bác.
Có những thông tin những câu chuyện về Bác, các nhà văn đã viết rồi có thể khiến mình ít nhiều chao đảo về mặt tư liệu nhưng việc phải đi tìm được cái gốc của nó là gì, như thế nào để viết và quyết định viết theo cách của mình, theo tôi khá thú vị. Tất cả những trang sách khác chỉ là tham khảo hoặc gợi ý. Còn nếu vì người khác đã viết thành công mà thấy áp lực thì tôi nghĩ sẽ khó mà viết được.
• VỚI BÁC, VẪN VẸN NGUYÊN SỰ TRÂN QUÝ
• Dấu ấn sâu đậm nhất trong đời viết văn của nhà văn Trình Quang Phú là viết về Bác Hồ. Ngoài câu chuyện gặp gỡ Sơn Tùng như nhà văn đã chia sẻ còn có nguyên nhân nào khác?
- Năm 1968, ngoài lời hứa cùng nhà văn Sơn Tùng, việc giục giã tôi viết về Bác lớn hơn chính là yêu cầu của chiến trường. Vào những năm 60, quân và dân giải phóng miền Nam rất mong có những câu chuyện về Bác Hồ, vì vậy những tác phẩm viết về Bác đầu tiên của tôi là những bài viết rất ngắn để gửi cho Đài Phát thanh Giải phóng. Lúc bấy giờ, tôi làm ở Vụ Tuyên truyền đối ngoại của Ban miền Nam. Và nhiệm vụ đầu tiên là phải viết những bài viết đó. Tôi cũng được có cơ hội đi theo những đoàn miền Nam ra thăm Bác, chứng kiến được những cảnh, những câu chuyện xúc động, thấy mọi người yêu thương Bác và Bác yêu thương những con cháu miền Nam như thế nào nên cảm động ghi lại. Từ những bài viết ngắn, về sau nâng lên thành những tập truyện ký như Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng.
• Trong quá trình tìm tư liệu viết Theo dấu chân Người, câu chuyện nào khiến ông xúc động?
- Quả thực, khi viết có nhiều điều day dứt trong tôi. Bác Hồ là người yêu nước, chí lớn. Ở tuổi thanh niên đẹp như thế, ra đi chỉ có hai bàn tay trắng, có thể chỉ có vài đồng bạc nhỏ mà cha cho để dằn lưng thôi nhưng Người sẵn sàng gạt đi những khó khăn, đặc biệt là tình yêu nồng cháy của mình với Út Huệ. Nhìn lại mối tình đầu đời của Bác, một mối tình sâu sắc với người bạn học từ thời ở Huế, cùng chia sẻ trong những ngày tháng đầy khó khăn: Mẹ mất lúc cha đi vắng, anh chị ở xa, một mình Bác vừa nuôi em, vừa đi chôn mẹ, có cô bạn Út Huệ chia sẻ bên cạnh… Tình cảm ấy có cơ sở để phát triển thành một mối tình sâu sắc. Một tình yêu tưởng như trọn vẹn, hai người hẹn trở lại tìm nhau, gặp nhau giữa Sài Gòn. Về sau, Bác đã tới Pháp rồi, có trở về Sài Gòn một lần nữa nhưng dứt khoát không gặp lại Út Huệ, không cho Út Huệ biết bởi sợ chuyện tình cảm sẽ kéo mình lại mất và con đường đi tìm đường cứu nước có thể không trọn vẹn được. Phải có một nghị lực phi thường và một tình yêu đất nước rất lớn mới quyết tâm gạt bỏ mối tình riêng sâu sắc của mình được.
Ở nước ngoài, theo dấu chân Bác cũng có rất nhiều câu chuyện xúc động. Ví dụ như năm 1919, khi Bác mới chỉ 29 tuổi thôi mà một mình đến lâu đài Versailles (Paris), nơi có bao nhiêu tổng thống, thủ tướng các nước đang họp ở đó để gửi bản yêu sách của Nhân dân An Nam. Phải có một ý chí sắt đá, tinh thần dũng cảm mới có thể đứng giữa ngay thủ đô một nước đang xâm lược mình cất lên tiếng nói đòi quyền tự do, phản biện cho dân tộc. Có thể vì hành động này mà bị bắt ở tù nhưng Bác vẫn dũng cảm làm vì tình yêu lớn dành cho dân tộc và Người đã tạo nên một quả bom nổ giữa thủ đô Paris những năm tháng đó. Hành động của người thanh niên 29 tuổi ấy phi thường, xúc động lắm chứ. Hay như khi Bác sang Liên Xô, khao khát gặp Lênin nhưng cuối cùng không gặp được. Lênin từ trần và Bác dũng cảm, không cần chờ đoàn Quốc tế Cộng sản đi mà tự một mình đi viếng Lênin giữa giá buốt. Tôi xúc động trước tình cảm sâu sắc ấy...
• Nói về thể loại truyện ký, việc hóa thân vào nhân vật sao cho đúng với bối cảnh lịch sử, phong cách nhân vật, tâm lý nhân vật vô cùng quan trọng. Ông gặp khó khăn gì khi “nhập vai” Bác Hồ?
- Đọc, hiểu và viết về Bác từ lâu nên bản thân những tư liệu, câu chuyện về Bác Hồ có sức mạnh kéo tôi theo. Nhưng có những tư liệu vật vã trong tôi suốt bao ngày, bao năm và nó sẽ bật ra những chi tiết để mình đưa vào tác phẩm. Để viết được về Bác trong tác phẩm này, tôi phải lắng nghe rất nhiều lời nói của Bác. Xem ngôn ngữ, phong cách Bác nói như thế nào. Bác là người có phong cách nói ngắn, rõ, đầy đủ. Ngôn ngữ của Bác là ngôn ngữ của người xứ Nghệ nhưng có pha trộn. Chỉ riêng việc tìm hiểu về ngôn ngữ của Bác cũng phải mất nhiều năm mới viết được.
• Có một câu hát nổi tiếng: “Nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn”; còn với nhà văn Trình Quang Phú, một đời viết về Bác Hồ, ông có những cảm nhận thế nào khi viết về Bác, nghĩ về Bác?
- Không hiểu thế nào, từ khi còn bé, đi làm liên lạc, tôi đã coi Bác Hồ như một ông Thánh. Bác là gì đó vừa rất gần gũi nhưng cũng đầy cao sang, một lý tưởng mà mình trân quý. Vào cuối năm 1954, lúc đó tôi chỉ 14 tuổi thôi, đi thiếu sinh quân, cùng với vài bạn được Thiếu tướng Nguyễn Chánh - Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm đơn vị khen và tặng hình Bác Hồ. Tấm hình cắt ra từ báo Nhân dân, dán trên một cái bìa dày nhưng rất quý vào thời điểm đó. Từ đó về sau bỗng dưng những câu chuyện đẩy đưa, thời thế đẩy đưa mà có cơ hội gặp, tiếp xúc và viết về Bác Hồ. Và tình cảm về Bác bao giờ cũng đầy trân quý như thời trong sáng ngày xưa.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy mình học được Bác Hồ từ những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống. Bác rất chú ý những chi tiết nhỏ. Ví dụ, Bác gặp mọi người là biết hoàn cảnh người đó như thế nào. Chẳng hạn, khi đó có Tạp chí Euro của châu Âu in những bài viết về Nhật Bản, Việt Nam, Bác Hồ lật ra nói với Thanh Hải: “Quyển này hay lắm, cháu nên đọc”. Thanh Hải có buột miệng nói: “Dạ, trong đó họ có in bài của cháu”. Bác nhắc: “Chú thì chỉ biết có bài của chú, không biết có bài của ai à?”. Chỉ là một câu nói đó nhưng Bác đã dạy ta cần phải nghĩ đến người khác trước, nghĩ đến mình sau. Hay lần tôi được gặp Bác, một hột cơm rớt xuống, tôi lượm bỏ đi thì Bác lượm bỏ vào bát của Bác, nói: “Người nông dân làm ra hạt gạo một nắng hai sương”. Câu nói của Bác thường ngắn, nói rất ít nhưng điều đọng lại rất lớn.
• Những bài học của Bác Hồ cách đây đã hàng chục năm, theo ông có giá trị như thế nào với thời cuộc hiện nay?
- Tôi vừa đi viếng anh Võ Tòng Xuân, anh giáo sư rất thân với tôi. Hai anh em từng thống nhất với nhau, đồng bằng sông Cửu Long chỉ nên trồng lúa một triệu ha thôi không cần 3,5 triệu ha, để chuyển đổi 2,5 triệu đấy thành trồng cây ăn quả, trồng này, trồng kia thì người nông dân thu nhập không chỉ một mà gấp 7, gấp 5 lần so với việc chỉ trồng lúa. Nông dân Việt Nam hiện nhiều nơi vẫn còn nghèo khổ và nếu họ tiếp tục làm ruộng, trồng lúa như thế họ vẫn tiếp tục khổ. Từ hạt gạo của Bác Hồ, từ hạt cơm của Bác Hồ nghĩ đến người nông dân thì bây giờ chúng tôi cũng vẫn canh cánh nghĩ đến người nông dân. Những bài học vẫn còn vẹn nguyên giá trị nhưng đòi hỏi mình cần phải linh hoạt trong suy nghĩ.
Hay với Bác Hồ, một trong những điều mà Bác rất giỏi là việc tiết kiệm thời gian. Thời gian mất đi cũng giống như nước của dòng sông đổ ra biển không bao giờ lấy lại được, ào ào đi thôi. Với những người lớn tuổi như tôi, càng hiểu sự hữu hạn của thời gian, càng cần chắt chiu thời gian bởi thời gian trước mắt không còn nhiều nữa.
• Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin