Trong cuộc đời của con người có rất nhiều điều để thương, để nhớ. Những điều ấy hiện diện ở hiện tại, trong mơ ước, trong kỳ vọng của tương lai. Tuy nhiên, đối với nhiều người, quá khứ vẫn luôn là chuỗi ký ức quý giá, nơi chúng ta tìm về để nâng niu, cảm nhận sự ấm áp của những ngày tháng đã qua. Với tôi, quá khứ ngọt ngào nhất vẫn là những đêm trung thu dưới ánh trăng quê mộc mạc, là buổi tối rước đèn, phá cỗ. Đó là ký ức luôn đầy đặn, tròn trịa trong tâm trí.
Ai đã từng đi qua tuổi thơ thì chắc hẳn chẳng thể nào quên được những đêm rằm tháng Tám. Những đêm trung thu của tuổi thơ không chỉ là một phần ký ức mà còn là mảnh ghép hoàn hảo trong cuộc đời mỗi người. Với tôi, ngày tháng ấy không bao giờ phai mờ dù phải sống xa quê, xa nhà. Tết Trung thu là một phần không thể thiếu trong thế giới của trẻ thơ. Đó là thời điểm để trẻ em tận hưởng sự yêu thương và chờ đợi, là dịp để cảm nhận sự gắn kết với gia đình và cộng đồng. Mỗi chiếc đèn lồng, bánh trung thu, nụ cười... đều chứa đựng sự ấm áp và tình cảm chân thành. Trung thu luôn là tết của sự yêu thương và chờ đợi. Những ký ức về đêm trung thu ấy không bao giờ nhạt phai, mà luôn sống động trong tâm trí tôi. Đó là những khoảnh khắc ngọt ngào, là bản giao hưởng của tuổi thơ, nguồn cảm hứng và niềm vui mà tôi sẽ luôn gìn giữ và nâng niu.
Những đêm trăng sáng, khi ánh trăng phủ lên toàn bộ làng mạc, khiến mọi thứ trở nên lung linh và huyền ảo, luôn gợi lại những cảm xúc hào hứng và mong chờ. Tôi nhớ rõ cảm giác hồi hộp khi chờ đợi đến giờ rước đèn, sự háo hức khi thấy những chiếc đèn lồng hình ông sao đầy màu sắc và niềm vui khi được hòa mình vào không khí rộn ràng của các bạn nhỏ trong làng. Những cái Tết Trung thu, tuy có phần đơn sơ, nhưng luôn được trẻ con ngóng đợi từ trước hàng tháng trời với niềm vui khôn tả.
Để có những chiếc lồng đèn, chúng tôi tập trung cùng nhau, tất cả hăng say làm với nhiều công đoạn từ chọn giấy, kết khung tre, căn chỉnh sao cho hình ngôi sao thật cân đối. Những chiếc đèn lồng tự tay làm ra, dù có thể không hoàn hảo, nhưng chúng chứa đựng sự sáng tạo và công sức của từng đứa trẻ. Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng từ những chiếc đèn lồng ấy chiếu rọi lên con đường làng, làm cho mọi thứ trở nên ấm áp và lung linh hơn.
Khi ánh trăng sáng tỏ, đám trẻ nghèo cùng nhau đi từ đầu làng đến cuối ngõ khoe những chiếc đèn lồng với sự vui tươi và phấn khích. Tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau vang lên khắp nơi, tạo nên một không khí đầy sức sống và ngập tràn niềm vui. Có lẽ, sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại chính là lý do khiến những ký ức về trung thu của tuổi thơ trở nên đặc biệt như vậy. Cỗ trung thu của trẻ con nhà quê cũng không gì to tát lắm. Đó là mấy cái kẹo chanh, kẹo cốm, mấy cái bánh quy hay quả mận, trái quýt… đơn giản là vậy nhưng đứa nào cũng hồi hộp, mong chờ và háo hức để được các cô, các chú phát tận tay cho mình. Chúng tôi vừa liên hoan, vừa ca hát vui vẻ. Đó là một đêm phá cỗ thật ý nghĩa dưới ánh trăng.
Ký ức về Tết Trung thu thời con trẻ là những khoảnh khắc dường như đã được dừng lại và lưu giữ trong một góc nhỏ của tâm hồn. Ánh trăng sáng rực rỡ, tiếng trống lân vui nhộn, những chiếc đèn lồng tự tay làm và hương vị của các món bánh trung thu giản đơn, mộc mạc hồn quê, tất cả những điều đó không chỉ là những hình ảnh sinh động mà còn là những cảm xúc chân thành và ấm áp. Những ký ức ấy, dù đơn sơ nhưng lại chứa đựng sự thanh bình và niềm vui thuần khiết của những đứa trẻ nơi vùng quê Việt Nam. Một mùa trăng nữa lại về, một mùa trung thu đã đến với những điều mới lạ nhưng mùa trăng năm xưa vẫn vẹn nguyên và sống mãi trong tâm trí tôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin