Bà em ngoài tám mươi rồi
Ngày đi sợ nắng, đêm ngồi sợ trăng
Tóc như hoa của thời gian
Bồng bềnh nở trắng cài ngang mái đầu
Buồn vui gửi lại miếng trầu
Nụ cười che cả sắc màu nắng mưa
Trưa hè cánh võng đu đưa
Lời ru trầm bổng nhặt thưa cánh cò
Chợ xa chân bước lò dò
Mớ rau, con tép dành cho cả nhà.
Cháu ngoan bà để phần quà
Thị thơm túi áo cháu bà cùng vui.
Hôm nay bà ốm thật rồi
Lá trầu nằm cạnh bình vôi úa vàng...
QUỲNH NHƯ
Lời bình:
Thường, trong gia đình người Việt, hình ảnh người bà và người mẹ luôn gần gũi và gắn bó thân thiết với lứa tuổi các em. Với người mẹ là lúc em mới sinh ra cho đến tuổi cắt sữa. Mẹ như là một nguồn cội nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào và cả lời ru ca dao bay bổng. Với bà, khi em đã chập chững bước đi, nói líu lo thì bà luôn bên cạnh chăm sóc em bởi mẹ còn lo bao chuyện đồng áng, chợ búa. Bà tiếp sức với mẹ truyền cho em những năng lượng mới hình thành nhân cách ngay từ tuổi ấu thơ. Quãng thời gian này, bà và cháu luôn quấn quýt bên nhau và bà như một bà tiên trong truyện cổ tích.
Bài thơ “Bà em” của tác giả Quỳnh Như được Nhà xuất bản Giáo dục chọn in trong bộ “Ôn luyện Tiếng Việt 4” là một bài thơ hay, vẽ nên chân dung bà - một người bà ở vùng nông thôn gắn bó với thiên nhiên, cây vườn. Nhà thơ chọn nhịp thơ lục bát cân đối nhuần nhị giàu hình tượng so sánh và đặc biệt là những chi tiết chọn lọc đã cho các em một “Bà em” hết mực yêu thương con cháu mà vẫn rất tiêu biểu cho những đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay.
Bài thơ mở đầu với sự giới thiệu bằng tuổi tác của bà: “Bà em ngoài tám mươi rồi”. Cái hay là bằng sự quan sát khá tinh tế và tâm lý người già: “Ngày đi sợ nắng, đêm ngồi sợ trăng”. Nắng và trăng là hai phản quang ánh sáng đã từng nhuộm bà qua từng tháng năm. Trăng cũng là tuần hoàn của thời gian, bước đi của thời gian; còn cái nắng của thiên nhiên khắc nghiệt đã bào mòn tuổi bà. Chính nắng và trăng đã nhuộm trắng tóc bà: “Bồng bềnh nở trắng cài ngang mái đầu”. “Tóc nở” là một hình tượng và chỉ có con mắt các em mới nhìn thấy “tóc nở” như hoa nở. “Nở” còn là sự thức dậy trong tâm hồn trẻ thơ. Bà em, với miếng trầu đỏ thắm để: “Nụ cười che cả sắc màu nắng mưa”; bà em, với cánh võng đung đưa để: “Lời ru trầm bổng nhặt thưa cánh cò” cho ta thấy vẻ đẹp thuần phác, vẻ đẹp hồn hậu và rất lạc quan yêu đời của người bà đã truyền cho cháu tấm lòng, những sự đồng cảm, những yêu thương và cao hơn hết là vượt lên những vất vả ngày thường để hướng thiện, hướng tới cái đẹp để bồi đắp tâm hồn cho trẻ trong sáng và thuần khiết. Hình ảnh người bà hiện ra: “Chợ xa chân bước lò dò” cho ta hình dung hình như đằng sau bóng dáng của bà đi chợ có một đứa bé đang nhìn dõi theo bước chân lò dò của bà. Bước chân ấy không chỉ chăm lo “Mớ rau, con tép dành cho cả nhà” mà đặc biệt còn dành cho cháu món quà: “Thị thơm túi áo cháu bà cùng vui”. Thơ viết cho các em thường có điểm nhấn. Ở đây trái thị vàng và cô Tấm đã in vào kí ức các em trong câu chuyện cổ tích có hậu.
Tất cả những khổ thơ trên đều vẽ nên hình ảnh của bà qua con mắt phát hiện rất trẻ thơ của cháu thì đột ngột hai câu thơ cuối thật bất ngờ càng làm cho ta thêm quý bà và trân trọng tình cảm của cháu với bà: “Hôm nay bà ốm thật rồi”. Thì ra bà ốm, cháu thương bà ngồi bên bà và hình dung ra hình ảnh của bà: ăn trầu, ru võng, đi chợ. Tôi lại nhớ đến bài thơ “Mẹ ốm” khá hay của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhưng trong bài thơ đó mẹ ốm ngay từ đầu của bài thơ. Còn ở đây nhà thơ giấu kín đến cuối bài mới tiết lộ bà ốm, đó là một thủ pháp khá độc đáo. Câu thơ kết thật hay: “Lá trầu nằm cạnh bình vôi úa vàng”. Lá trầu xanh thắm như biểu tượng cho sự sống đã cân bằng lại sự úa vàng của bình vôi với niềm hy vọng bà chóng khỏe để chơi với cháu. Và phải chăng “lá trầu xanh” như hình ảnh người cháu bên cạnh bà ốm là “bình vôi úa vàng”. Và cháu bây giờ chính là điểm tựa để truyền cho bà những năng lượng mới chóng khỏe vui vầy với cháu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin