Không thể nói trời không xanh hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.
Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thầm gọi các con
Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ
Nghe niềm vui rạo rực tâm hồn.
Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu
Anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca.
Một sớm thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòa năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm.
Tháng Mười - ấy là khúc ca say
Khúc ca chở những chiến công đầy
Ôi, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này.
TẠ HỮU YÊN
Mùa thu Hà Nội |
Lời bình:
Tháng Mười có một ngày trọng đại đã đi vào kí ức của dân tộc ta với bao niềm hân hoan, hứng khởi đóng một dấu mốc son vào bảng vàng truyền thống với niềm tự hào biết bao, đó là Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội. Đã 70 năm trôi qua nhưng âm vang của ngày ấy vẫn vọng về sống mãi càng tô thắm thêm, rạng rỡ thêm trang sử vàng Thủ đô, trang sử vàng dân tộc. Nhà thơ quân đội, Đại tá Tạ Hữu Yên là người có nhiều bài thơ hay được phổ nhạc như “Đôi dép Bác Hồ” (nhạc Văn An) hay “Đất nước” (nhạc Phạm Minh Tuấn)… “Cảm xúc tháng Mười” viết về không khí náo nức hào hùng của Ngày giải phóng Thủ đô đã được nhạc sĩ Nguyễn Thành chắp cánh bay lên, bay xa với giai điệu da diết ngân vọng thiết tha ân tình đã vẽ nên bức tranh thật sống động, thật đồng vọng trong những phút giây đáng ghi nhớ ấy. “Cảm xúc tháng Mười” chính là khúc hoan ca bay bổng nhưng lại đằm thắm hồi tưởng thật xúc động, sự hòa điệu của hai tâm hồn, hai người lính của thơ - nhạc đã cộng hưởng cho ta sống lại không khí những ngày thu lịch sử không bao giờ quên với bao tình cảm ấm nồng.
Mở đầu bài thơ là ngân vọng thiết tha của tâm hồn thi sĩ từ không gian mênh mang trời thu Hà Nội với niềm kiêu hãnh: “Không thể nói trời không xanh hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường”. “Mắt em xanh” là một lung linh, một thắm thiết, một lan tỏa nhuộm thắm cả sắc trời trong, trời thu: “Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Tứ thơ được triển khai tuyến tính như một cuốn phim quay chậm mở ra bao tưng bừng bao hồ hởi, hân hoan để rồi đằm lại bao thổn thức khi ống kính tâm hồn thi sĩ bắt được cận cảnh một hình ảnh rất xúc động: “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/ Xốn xang mẹ thầm gọi các con”. Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội là ngày về, ngày trở về khi trung đoàn Thủ đô cách đó 9 năm đã hoàn thành nhiệm vụ giữ Thủ đô ghìm chân giặc Pháp và rút lên chiến khu bảo toàn lực lượng tiếp tục kháng chiến. Những tháng ngày xa cách đó trong lòng người mẹ luôn hướng về những đứa con và mong một ngày trở lại. Hình ảnh hai mẹ con nhìn nhau trong niềm vui gặp gỡ thật thân thương, trìu mến biết bao. Những kí ức chợt hiện về, những tháng ngày đã qua, những hy sinh đã trải. Trong âm hưởng khúc hành quân ca của đoàn quân chiến thắng với bao xốn xang thì nhịp thơ bỗng nhiên dồn nén lại: “Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu/ Anh đã hẹn ngày mai trở lại”. Ta chú ý nhịp điệu câu thơ như dừng lại đột ngột, như hình ảnh người chiến sĩ dừng lại để nhận thêm bó hoa, như cái bắt tay ôm hôn siết chặt của người lính về giải phóng thủ đô với những người dân Thủ đô đổ ra đường chào mừng ngày chiến thắng. Câu thơ tả thực để rồi ngân vang một hào hứng trữ tình lãn mạn bay bổng: “Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi/ Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca”. Đoàn quân trở về trong sắc đỏ cờ hoa hồng lên sắc mặt. Đoàn quân mang trong mình tình yêu Hà Nội, tình yêu đất nước mà con sông Hồng đỏ nặng phù sa là một biểu tượng hùng vĩ và thân thiết để “đỏ niềm tin” để “vỗ bờ hát mãi”. Có một con sông Hồng chảy vào lòng Hà Nội trong “Cảm xúc tháng Mười” thật hùng tráng và hoan ca.
Trong số những bài thơ viết về Ngày giải phóng Thủ đô thì “Cảm xúc tháng Mười” đã dựng dậy được thần thái không chỉ là không gian, không khí mà còn đằm sâu bát ngát tình người với bao khát vọng . Đó là: “Một sớm thu trong đất thắm sao vàng” của đất trời vũ trụ; đó là: “Năm cửa ô xòa năm cánh rộng” của kiến trúc lâu đời huy hoàng và đặc biệt: “Đoàn quân về nhấp nhô như sóng/ Những ngôi nhà dường muốn cao thêm”. Đây là một trong những câu thơ hay nhất, hào hứng nhất, giàu hình tượng nhất và thăng hoa nhất. Một phát hiện tinh tế của sự lớn dậy trào dâng bao ước vọng trong ngày vui chiến thắng lên một chiều kích mới: Hướng vọng của tâm hồn cao cả với niềm vinh quang lớn lao. Hà Nội mùa thu những sóng nhà ngói đỏ nhấp nhô. Hà Nội và đoàn quân nhấp nhô mũ nan bọc vải, áo quân phục bạc màu trong sóng đỏ cờ hoa thật đẹp, thật hùng tráng.
Khổ thơ cuối như một khúc vĩ thanh là cao trào khi nhớ về truyền thống lịch sử với thiết tha bao cái tên: “Ôi, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” đó cũng chính là tiếng reo vang trong lòng người với bao điệp khúc: “Nghìn năm vẫn một trái tim này” của Thủ đô Hà Nội, thành phố hòa bình, trái tim yêu thương của cả nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin