Chuyện nhà má Năm

Truyện ký: VÕ TRẦN PHÚ 00:20, 31/10/2024
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Ai ở cây số 6 làng Đa Thành (Phường 7, TP Đà Lạt ngày nay), đều biết nhà má Năm Mên ở đường Bạch Đằng. Đó là nhà Việt Cộng. Ngôi nhà đầy ắp những kỷ niệm qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đối với những cán bộ nằm lại hoạt động trong lòng địch.

Ngược dòng lịch sử trở lại những năm 1950, của thế kỷ trước, nơi đây vừa là trạm giao liên, vừa là cơ sở tiếp tế, có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Ngày ấy, cơ sở của ta phát triển chưa nhiều, lực lượng công tác chính trị vũ trang chưa mạnh. Nên cán bộ, chiến sĩ ta thường về đây để họp bàn phối hợp mở mảng, mở vùng. Các anh xem đây là mái nhà chung. Đêm đêm, từ căn hầm bí mật sau chuồng bò, các anh trồi lên luồn sâu vào thị xã tỏa rộng đi tuyên truyền, xây dựng phát triển cơ sở mới trong nội đô thị xã Đà Lạt. Đội cảm tử quân Phan Như Thạch cũng xuất phát từ đây để đi diệt ác, trừ khử bọn mật thám làm tay sai cho thực dân Pháp. Chuyện về những người lính cảm tử ngày ấy được nhân dân thêu dệt như một thần tượng trong phim trinh thám. Những lối đánh xuất quỹ nhập thần giữa ban ngày đi vào thị xã đột nhập vào nhà và diệt tên mật thám Haasz ở biệt thự Hoa Hồng (số 17 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Đà Lạt ngày nay), vụ giết tên công an Nọ ở ngã ba Cao Thắng - Bạch Đằng cách nhà má Năm khoảng 100 m, khiến bọn tay sai khiếp vía kinh hồn, ăn một nơi, ngủ một nơi, ban đêm không dám về nhà.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các anh trong đội cảm tử Phan Như Thạch từ miền Bắc về thăm lại ngôi nhà xưa, thăm anh chị Năm Mên. Trong đó có anh Nguyễn Tấn Phước - nguyên là Giám đốc Công ty Chè Lâm Đồng, anh Trần Đình Khâm - nguyên Phó Văn phòng UBND tỉnh. Anh Võ Văn Kìm cán bộ công an Việt Minh nhớ lại: 

- Anh chị Năm đã cưu mang che chở cho anh em chúng tôi trước họng súng của bọn Comando và bọn phòng nhì của quân Pháp. Nhờ có gia đình chị Năm Mên, anh em chúng tôi mới xây dựng, phát triển thêm những cơ sở công an mật, móc nối với những anh em trong hàng ngũ địch từ đó phát triển cơ sở địch vận, kêu gọi binh lính từ bỏ hàng ngũ địch về với Nhân dân.

Bà tên thật là Trần Thị Thêm (bà đã mất), bà con lối xóm thường gọi bằng cái tên thân thương: “Chị Năm Mên”. Bà có ba người con, cả ba người con đều thoát ly theo cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, hai người nằm lại chiến trường. Sau ngày giải phóng, Nhà nước phong tặng bà danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bà là người phụ nữ gan lì, dũng cảm, không biết chữ nhưng có một tấm lòng yêu nước nồng nàn, bằng một khối óc thông minh, nhanh nhạy nên đã nhiều lần qua mặt địch. Lúc sinh thời, bà thường hay kể chuyện xưa về ngôi nhà 13 Bạch Đằng (nay là số 20 khóm Bạch Đằng, TP Đà Lạt) cho con cháu nghe:

- Tối hôm ấy, vào giữa tháng 7 (má không nhớ năm) trời mưa dầm rả rích. Các anh từ suối Tía về mang một ba lô nào là tài liệu, nào là truyền đơn giao cho má để chuyển cho các cơ sở ở chợ Đà Lạt (chợ nay là rạp chiếu bóng 3/4). Các anh còn dặn dò má rất chi tiết, tài liệu chuyển cho ai, truyền đơn đưa cho cơ sở nào... và nhiệm vụ của má là phải chuyển gấp để kịp cho cơ sở đi tuyên truyền và rải truyền đơn trước ngày lễ Quốc khánh của thực dân Pháp (14/7), tạo tiếng vang đánh động vào đội ngũ của bọn cầm quyền, bọn tay sai thực dân Pháp.

Đêm hôm ấy, hai ông bà khệ nệ bưng chồng tài liệu và những xấp truyền đơn ra giấu phía sau chuồng gà. Sáng hôm sau (một sự tình cờ) bọn địch mở cuộc lùng sục, truy soát vì sắp đến ngày Quốc khánh của nước Pháp. Nhà của Má Năm là một địa chỉ nằm trong danh sách “đen”, nơi chúng thường “ưu tiên” ghé thăm. Chúng tiến hành lục soát từ trong nhà, xăm xỉa ngoài vườn không sót chỗ nào, tiếp đến, chúng đi về phía chuồng heo, chuồng gà… con gà mái đang ấp trong ổ trứng sợ quá nhảy ra ngoài làm đổ ổ trứng lật úp, dưới ổ, đống truyền đơn rơi vung vãi ra trước sân. Trước bằng chứng, vật chứng rõ ràng, chúng bắt má đưa lên xe bịt bùng, chở về giam ở công an Trần Bình Trọng (Công an Lâm Đồng ngày nay). Những ngày tiếp theo và những trận đòn tra tấn dã man, nhưng má vẫn cắn răng chịu đựng không khai báo một lời. Khi ra đối chất, má nhất quyết không nhận, bà mạnh dạn phản cung không phải là cơ sở của Việt Minh. 

- Thưa các thầy, ban đêm mấy ổng về dí súng vào người tôi, buộc tôi phải nhận nếu không thì sẽ chết. Tôi sợ quá nên phải nhận, nhưng đâu biết bên trong là giấy gì. Là một người phụ nữ thân cô, thế cô làm sao dám chống lại trước những họng súng đen ngòm. Nếu các thầy rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo như tôi thì các thầy tính sao? Mong các thầy soi xét cho tôi.

Chúng đuối lí trước một con mụ đàn bà gan lì, cứng rắn, nên hôm sau chúng thả má về và cho người theo dõi thường xuyên.

***

Những năm 1963, 1964 và 1966, phong trào đồng khởi lan rộng khắp miền Nam, trên cao nguyên xa xôi cũng bùng lên những phong trào mạnh mẽ. Cơ sở cách mạng ngày càng mở rộng nhất là những vùng ven, vùng nông thôn như Cầu Đất quận Lạc Dương, Ka Đô, Quảng Hiệp, quận Đơn Dương (chế độ cũ gọi là quận), có nhiều nhà cho con em đi thoát ly, cả thôn đều là cơ sở cách mạng (thôn Xuân Sơn). Có những thời điểm vào cuối năm 1964, 1965, vùng này được nâng lên thành vùng tranh chấp mạnh.

Những năm tháng ấy, các anh Ba Dư (nguyên Chủ tịch TP Đà Lạt sau giải phóng), Mười Châu (nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt), Tư Hiến, Trần Thị Khả (nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Lâm Đồng), được cử về bắt liên lạc và nối lại những cơ sở thời chống Pháp, ngay tại nhà má Năm Mên. Và một lẽ đương nhiên, cả gia đình của bà nào là chồng, các con và dâu đều tham gia vào những việc cách mạng giao.

Những cơn mưa cuối mùa, trời sắp chuyển sang đông, không khí lạnh lại ùa về Đà Lạt trở nên rét buốt. Bọn chỉ điểm báo cho cảnh sát một tin khẩn cấp “Ở số nhà 13 đường Bạch Đằng, có hai tên Việt Cộng đang ở trong nhà bà Năm Mên”. Đêm hôm ấy, một tốp lính bảo an, cảnh sát áo trắng, công an, mật vụ vây quanh nhà, chúng đập cửa, la lối om sòm ra lệnh khám xét. Trong nhà lúc bấy giờ có hai cán bộ đang bàn bạc công việc. Trước tình thế cấp bách, má Năm bình tĩnh đưa hai cán bộ vào giấu trong đáy chiếc đi văng, má ung dung ngồi trên chiếc đi văng ấy xoáy trầu. Bà bảo chồng:

- Ông ra mở cửa mời họ vào.

Một tốp lính mặc áo mưa, mang súng tiểu liên Thomson, Carbin lăm lăm trong tay, mặt đằng đằng sát khí, lớp ngoài sân, lớp trong nhà. Đám cảnh sát, công an xông vào nhà đề nghị khám xét vì tình nghi có Việt Cộng ẩn nấp.

- Trời mưa gió bão bùng (tiếng của má Năm) các thầy đêm hôm đi công tác lạnh lẽo tội nghiệp quá, các thầy cứ từ từ thi hành nhiệm vụ, hãy ngồi xuống và uống với gia đình chúng tôi một ly nước chè xanh cho ấm.

Chúng lục soát từ phòng ngủ, lục tung chiếu gối, tủ quần áo, xem xét trên bàn thờ gia tiên. Những ánh đèn pin rọi khắp xó xỉnh từ góc nhà ra tới chuồng heo, chuồng gà không sót một chỗ nào. Khoảng gần một tiếng đồng hồ không tìm được gì, một tên trung sĩ chạy vào báo:

- Báo cáo thiếu úy, chúng tôi đã tìm khắp nhưng không thấy dấu vết nào khả nghi đề nghị thiếu úy cho ý kiến.

- Được rồi! Cảm ơn gia đình đã đón tiếp chúng tôi tối nay. Nếu không có gì cho rút, xin hẹn gặp lại.

Tiếng xe GMC gầm rú rồi nhỏ dần, má Năm mở nắp đi văng, hai anh cán bộ chui ra, cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm. Thật là bản lĩnh, mưu trí nhanh nhạy khiến cả nhà và hai anh cán bộ không ngờ về tài ứng phó của má để qua mắt bọn địch, cứu nguy một bàn thua trông thấy.

***

Mùa xuân 1968 (Tết Mậu Thân) gia đình má Năm Mên thật bận rộn, tất bật kẻ ra, người vào. Ông Năm và anh Võ Văn Túc (tức Hồng Châu lo đào hầm để tránh phi pháo - má Năm và bà chị dâu lo việc nấu nướng, cơm nước. Chị Võ Thị Thừa (tức Dạ Thảo) đi liên lạc, đưa thư, móc nối các cơ sở về nhà theo sự chỉ đạo của ông Huỳnh Minh Nhựt (nguyên là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Đức, nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận tiền phương 2) và ông Mai Xuân Ngọc - Bí thư Thị ủy Đà Lạt. Trên chiếc đi văng, cán bộ lãnh đạo chỉ huy Mặt trận tiền phương 2 đang xem xét bản đồ thị xã Đà Lạt tìm ra những nơi đóng quân của bọn lính Bảo An, của các tiểu đoàn lính tăng cường và các đơn vị trọng yếu như tiểu khu Tuyên Đức, Công an Đà Lạt, Trường Võ bị, Trung tâm Cảnh sát Dã Chiến. Từ đây, các ông bàn phương hướng nhận định tình hình địch để có những đòn đánh phủ đầu. Những ngày này ở nhà má Năm hoạt động gần như là công khai, mặc dù địch cho phi cơ ném bom bắn phá vùng khu phố Đa Cát, Đa Trung (đường Ngô Quyền ngày nay). 10 ngày trong thành phố, xa sự chi viện của Quân khu 6 nên quân ta thiếu đạn dược đành phải rút lui về hướng Đa Phú. Hai người con của má Năm bị lộ nên theo quân giải phóng về rừng. Anh Võ Văn Túc đã hy sinh năm 1971 và chị Võ Thị Thừa đã hy sinh năm 1972. Những ngày tiếp theo, bọn địch thường xuyên o ép, khống chế gia đình má Năm nên cả gia đình đùm túm nhau chạy về Sài Gòn, bỏ lại ngôi nhà hoang tàn, lỗ chỗ những vết đạn và mảnh bom còn in trên tường.

Sau ngày giải phóng, cả gia đình trở lại ngôi nhà xưa. Lúc này người con út cũng từ chiến khu trở về sum họp với gia đình. Niềm vui thoáng hiện trên nét mặt đầy những vết chân chim của má và ánh mắt ngấn lệ đượm một nỗi buồn vì hai người con còn nằm lại giữa đại ngàn Tây Nguyên. Nguyện vọng cuối cùng của má trước lúc ra đi về với ông bà tổ tiên:

- Tôi mong sao Nhà nước tìm đem hài cốt của hai con tôi về nghĩa trang là tôi yên lòng nhắm mắt ra đi.

Không lâu sau ngày má mất, thi hài của hai liệt sĩ ở rừng sâu được đội quy tập TP Đà Lạt tìm thấy đem về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố.