Đồng hành cùng Đà Lạt cho mục tiêu thành phố sáng tạo âm nhạc

VIẾT TRỌNG 06:17, 16/10/2024

Với rất nhiều hoạt động về nghệ thuật và âm nhạc được tổ chức trong năm, “Phố Bên Đồi” cho đến nay đang là một trong những đơn vị tích cực đi đầu tại TP Đà Lạt trong việc đồng hành, góp phần đưa Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc. 

Một chương trình biểu diễn nhạc cổ điển do Phố Bên Đồi tổ chức
Một chương trình biểu diễn nhạc cổ điển do Phố Bên Đồi tổ chức

ĐÔNG ĐẢO KHÁN GIẢ TIẾP CẬN 

Được thành lập từ năm 2016 tại Đà Lạt, “Phố Bên Đồi” với tên gọi đầy đủ “Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi” là một trung tâm hoạt động đa ngành thực hiện nhiều dự án về nghệ thuật, không chỉ tại Đà Lạt mà còn mở rộng ra nhiều nơi trong nước. 

Theo ông Nguyễn Trung Hiền - Giám đốc Phố Bên Đồi: “Chúng tôi lấy sự kết nối làm trái tim trong tất cả các hoạt động. Kết nối với chính quyền địa phương, các chuyên gia, nghệ sĩ, các tổ chức trong nước và quốc tế để cùng nhau lan tỏa thông điệp bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững thông qua các hình thức nghệ thuật, giáo dục, hoạt động cộng đồng và du lịch”. 

Từ năm 2016 đến nay, Phố Bên Đồi đã phối hợp cùng các đối tác, chuyên gia, nghệ sỹ trong nước và quốc tế tổ chức thành công rất nhiều hoạt động về văn hóa - nghệ thuật tại TP Đà Lạt. 

Đặc biệt trong đó, theo ông Hiền, là 4 dự án nghệ thuật mà đơn vị ông đang thực hiện gồm “Không gian Sáng tạo Phố Bên Đồi - Creative Studio, thành lập năm 2020; Dự án Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt (Dalat Art Map), 1 trong 3 sáng kiến trọng điểm khi Đà Lạt bắt đầu tham gia vào mạng lưới sáng tạo của UNESCO (UCCN), bắt đầu triển khai từ năm 2020; Dự án Sách nghệ thuật “Đà Lạt - Dạo bước Nghệ thuật”, bắt đầu triển khai từ năm 2018 và Dự án Âm nhạc Phố Bên Đồi bao gồm các hoạt động như chương trình biểu diễn cộng đồng thường kỳ sân khấu mở (Open Stage từ 2023 và lớp học chuyên đề âm nhạc về các tác phẩm âm nhạc kinh điển (Masterclass), hội thảo (workshops) và trại hè âm nhạc.

“Cả 4 dự án này của chúng tôi đều mang tính trung và dài hạn với quá trình nghiên cứu và thực hiện kỹ lưỡng từ nội dung đến yếu tố thẩm mỹ, có tính kế thừa địa phương và tính sáng tạo bền vững; đóng góp trực tiếp vào các trải nghiệm đa dạng và thú vị về văn hoá nghệ thuật cho người dân thành phố, khách du lịch trong nước và nước ngoài” - ông Hiền nói. 

Cho đến nay, Phố Bên Đồi đã tổ chức gần 200 chương trình văn hóa - nghệ thuật trong đó có trên 50 chương trình liên quan tới âm nhạc từ biểu diễn - hội thảo - giảng dạy; gần 100 ngàn lượt khán giả tiếp cận các sự kiện văn hóa - nghệ thuật với nội dung và chất lượng được tuyển chọn, thực hiện thông qua sự phối hợp với các đơn vị, chuyên gia, đối tác uy tín trong nước.

Như trong tháng 7/2023, Phố Bên Đồi đã đứng ra tổ chức Hội thảo Âm nhạc tại Đà Lạt với sự đồng hành của UNESCO Việt Nam và các đơn vị chuyên môn, đối tác trong lĩnh vực âm nhạc. 

Đầu năm nay, trong tháng 1/2024, Phố Bên Đồi cũng tổ chức Hội thảo Âm nhạc tại Đà Lạt với sự tham gia của các chuyên gia, nghệ sĩ trong nước và nước ngoài. Trong tháng 4/2024, Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam (VCMF - Vietnam Classical Music Festival) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do Phố Bên Đồi phối hợp với Viện Âm nhạc Trẻ Việt Nam - Vietnam Youth Music Institute - VYMI và Vietfest đồng tổ chức diễn ra tại Đà Lạt với tổng cộng 15 chương trình cùng sự đồng hành của nhiều đơn vị trong và ngoài nước.

Phố Bên Đồi còn tổ chức các sự kiện lớn có tính quốc tế với Hội Đồng Anh tại Việt Nam (British Council), Viện Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Áo tại Việt Nam. Cùng đó, còn thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn - hội thảo âm nhạc hằng tháng tại địa phương. Tính từ tháng 10/2023 đến nay, đơn vị đã tổ chức 7 chương trình như thế tại Đà Lạt.

“Điều đáng nói các chương trình trong tháng hay quý của chúng tôi đều được chọn lọc kỹ, được đông đảo người Đà Lạt trong mọi độ tuổi hưởng ứng một cách tích cực, nhất là các em học sinh nhỏ tuổi từ các trường học trên địa bàn” - ông Hiền nói.

Ngày 31/10/2023 TP Đà Lạt đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ký thư xác nhận công nhận chính thức là thành viên tiếp theo của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố Sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc.

• CẦN TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC CÔNG - TƯ 

Rất nhiều hoạt động đã được Phố Bên Đồi lên kế hoạch cho mình trong thời gian đến, đặc biệt là các sự kiện về âm nhạc.

"Mong muốn chúng tôi là đóng góp tích cực nhằm hiện thực hóa những định hướng và tầm nhìn của thành phố để Đà Lạt xứng tầm với danh hiệu Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc của UNESCO” - ông Hiền nói. 

Phố Bên Đồi sẽ cùng phối hợp với Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và các đơn vị Arietta Việt Nam, Saigon Classical Music,... để tổ chức chuỗi biểu diễn - hội thảo theo chủ đề nhằm thu hút những chuyên gia âm nhạc (nghệ sĩ, diễn giả âm nhạc, nhà tổ chức, giáo viên chuyên môn,...) tại Việt Nam đến với Đà Lạt để chia sẻ kiến thức và nâng cao nhận thức về giáo dục âm nhạc cho cộng đồng.

Phố Bên Đồi cũng cam kết sẽ phối hợp với các chuyên gia, nghệ sĩ khách mời, UNESCO Việt Nam để tổ chức các hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, đơn vị uy tín trong nước - quốc tế về âm nhạc; tổ chức các trại hè âm nhạc, phổ cập giáo dục âm nhạc và xây dựng cộng đồng yêu âm nhạc tại địa phương như mô hình Trại hè Đàn dây - Slide on Strings, VYO (Vietnam Youth Orchestra - Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam); tổ chức Festival âm nhạc định kỳ trong nước tại Đà Lạt nhằm góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển; tổ chức cuộc thi piano quốc gia và quốc tế cho đối tượng bán chuyên và chuyên nghiệp; tạo môi trường phát triển nguồn nhân lực âm nhạc chất lượng cao và tạo môi trường đầu tư của các doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực sáng tạo và âm nhạc.

Để hiện thực hóa được các cam kết khi tham gia làm thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo âm nhạc, theo ông Hiền, Đà Lạt trong thời gian đến cần tăng cường các hợp tác công - tư (PPP: public - private partnership); huy động được các nguồn lực từ xã hội; lập quỹ phát triển, hỗ trợ các mô hình văn hoá và kinh doanh sáng tạo bền vững. Bên cạnh đó, thành phố cần thành lập thêm ban tư vấn chuyên môn độc lập trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo để tham vấn và hỗ trợ chính quyền thành phố. 

“Để Đà Lạt phát triển bền vững, trong tầm nhìn và định hướng chung, ngành công nghiệp sáng tạo cũng là một trong các trụ cột giúp phát triển kinh tế bền vững bên cạnh các trụ cột giáo dục, du lịch và nông nghiệp” - ông Hiền chia sẻ.