Minh họa: Phan Nhân |
Tôi là Hầu Thị Vàng. Năm nay tôi hai mươi hai tuổi. Tuổi thiếu nữ của tôi trôi qua trong một ngôi làng hẻo lánh và cằn cỗi dưới thung lũng Mường Hoa, Sapa. Con gái dân tộc như tôi lớn lên hầu hết đều làm nghề hướng dẫn viên du lịch ngay trong ngôi làng của mình. Bởi vì ở Sapa, ngoài những phiên chợ tình, mua bán thổ cẩm..., khách du lịch thích nhất là vào thăm các thôn bản. Nhiều nhất vẫn là khách du lịch ngoại quốc. Thuật ngữ “sơn nữ bộ hành” có từ bao giờ, chả ai nhớ nữa. Nhưng có một sự thật hiển hiện là ngay trong ngôi làng ọp ẹp của tôi, đã có mười mấy đứa trẻ con Tây lai.
Tôi cũng chả hơn gì đám bạn gái cùng trang lứa. Cũng không thể gắng gượng qua được hết cấp 3. Nhưng chưa đến tuổi hai mươi, tôi đã biết sợ hình ảnh những đứa trẻ con Tây lai. Và sợ hình ảnh hai bàn tay lúc nào cũng đen đúa vì lá chàm nhuộm vải. Tôi muốn đi đến một nơi nào đó thật xa. Ít nhất là để thoát kiếp nghèo.
Cơ hội đã đến khi anh họ tôi ở mãi tận Hà Nội về thăm quê. Chuyến thăm ấy còn có thêm mục đích là “bắt” một người họ hàng lên thủ đô đỡ đần cho vợ anh ấy vừa mới sinh con đầu lòng. Chỉ ít ngày sau đó, tôi đã xếp gọn số tài sản còm của mình trong một cái ba lô nhỏ, líu ríu theo anh ấy xuôi tàu về chốn thị thành.
Cuộc sống ở Hà Nội khiến tôi rất hào hứng, tuy cũng phải vài tháng tôi mới quen được với tiếng ồn ở nơi đây. Nó thật khác xa với sự tĩnh lặng của miền sơn cước mù sương quê tôi. Công việc hàng ngày của tôi chỉ là nấu hai bữa cơm, cho em bé ăn và ru nó ngủ. Dù chưa có con, tôi vẫn hoàn thành khá dễ dàng. Nhất là ru ngủ. Thằng bé nghiện bài hát ru “độc nhất vô nhị” của tôi: Tua nâng pây mí ỏm/ Tua nâng gây nhọm mây/ Tua nâng pây đăng phầy thả mẻ/ Tua nâng là quạnh quẻ dú đai/ Tua nâng pây au vài mà lảng/ Tua nâng oóc pác táng slon slư/ Tua nâng pây vây ứ... (Một con đi giặt tã/ Một con đi nhuộm chỉ/ Một con đi nhóm bếp đợi mẹ/ Một con chơi chẳng làm gì/ Một con đi lùa trâu về chuồng/ Một con đi đưa nôi). Nó thiếp đi trong sự dìu dặt của những thanh âm lạ lẫm. Còn tôi vốn thích những hình ảnh chắp nối nhưng đa đạng, lãng mạn của lời ru nên có thể hát đi hát lại mà không chán.
Thấm thoắt ba năm trôi qua, thằng cu đã đến tuổi cần đi học mầm non mà anh chị vẫn chưa có kế hoạch sinh thêm con. Tôi vốn là người an phận nhưng cũng dần thấy mình thành người thừa trong căn hộ gần trăm rưỡi mét vuông của họ. Trong tôi thấp thoáng ý nghĩ muốn xin đi làm một công việc gì đó. Nhưng xin việc giữa chốn thị thành quả là rất nan giải với tôi. Không trình độ để xin vào một cơ quan nào đấy. Lại không đủ sắc sảo để theo người ta đi bán hàng. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy mình chỉ có cách đi làm ô sin. Mấy năm ở chốn phồn hoa đã nhập vào đầu tôi danh từ này. Và tôi cũng đã hiểu công việc bấy lâu nay tôi đang làm cũng được coi là một nghề, được nhiều người cần đến. Tôi bí mật mua báo Mua & bán về lần tìm trong mục Việc cần người. Sau nhiều đắn đo, tôi quyết định thuê xe ôm đi đến một trung tâm môi giới việc làm gần nơi đang ở nhất. Tiếp tôi là một phụ nữ trạc ba mươi tuổi, có đôi mắt sắc như lá dứa:
- May quá, đang có một gia đình cần người giúp việc đúng như em đấy. Họ là một đôi vợ chồng trí thức hay phải đi công tác nước ngoài. Vì vậy họ không yên tâm khi ông cụ năm nay gần tám mươi tuổi phải ở nhà một mình. Bà thì mới mất hồi đầu năm. Chính vì thế, con cái cụ yêu cầu tìm một cô giúp việc khỏe mạnh, chưa có gia đình thì càng tốt, vì họ muốn giúp việc không bị vướng bận chuyện con cái, ít đòi về thăm quê. Họ sẵn sàng trả lương hậu hĩnh.
- Nhưng em... - Tôi bối rối không biết diễn tả sự e ngại của mình như thế nào.
- Em nghe chị đi! - Giọng người phụ nữ cả quyết. - Kinh nghiệm làm nghề này của chị cho thấy đây là một chỗ làm tốt. Mà nếu không ưng thì sau nửa tháng, thậm chí vài ngày em vẫn có thể đến đây tìm nhà chủ khác kia mà.
* * *
Chủ mới của tôi là một họa sĩ già khá nổi tiếng. Tôi đoán vậy sau khi đã thuộc làu từng centimét căn nhà bốn tầng rộng mênh mông. Rất nhiều bằng khen, chứng nhận giải thưởng xếp chồng chất lên nhau, bụi phủ kín. Khắp các tầng, tranh được treo một cách phóng túng, không hàng lối. Nhưng tôi lại thấy nó khiến cho căn nhà sinh động và ấm áp lạ thường. Ông chủ thường đi đâu đó từ sáng sớm, chỉ có mặt ở nhà trong bữa cơm trưa và chiều. Vì thế, thời gian rảnh, tôi tỉ mẩn ngồi lau sạch mấy cái bằng khen của ông. Có một lần ông về sớm hơn lệ thường, đúng lúc tôi đang hì hụi miết miết lau lau. Ông có vẻ cảm động, bảo tôi:
- Ồ, thế mà mấy chục năm nay ta đã quên mất chúng rồi đấy!
Tôi thấy như mình thoáng đỏ mặt, hệt khi bị bắt gặp làm điều gì đó chưa xin phép, dù biết chắc mình không làm điều sai trái. Từ đó, ông hay nói chuyện với tôi hơn. Tôi gọi ông bằng “ông”, xưng “em”. Ông thích như vậy. Cho có vẻ “quý-sờ-tộc” - là ông hài hước bình luận với tôi như thế. Ông nói. Còn tôi hầu như chỉ bày tỏ sự ngưỡng mộ bằng ánh mắt. Tôi không hiểu hết những gì ông nói. Nhưng tôi có cảm nhận là ông ở một thế giới đầy ánh sáng và kiến thức, vô cùng xa lạ với một sơn nữ thất học, là tôi. Bạn bè của ông cũng gồm toàn những quý ông tóc chải bóng, quần áo thẳng thướm, đẹp đẽ. Điều này khiến tôi khá ngỡ ngàng. Ký ức tôi lưu giữ hình ảnh ông nội khi ở tuổi ngoài bảy mươi lúc nào cũng xám xám, xỉn xỉn. Cái góc riêng của ông, tôi không bao giờ đến gần bởi không chịu được mùi hôi. Cái thứ mùi trộn lẫn của mùi thuốc lá, mùi người ít tắm, mùi chăn gối lâu ngày không giặt… khen khét, buồn nôn. Trong nhà lúc nào cũng thoang thoảng cái khí quẩn u ám đó. Có lần ông đi chơi vài ngày, mẹ hò tôi dọn dẹp cái góc đó. Nhưng dù đã đem hết chăn gối ra giặt, đã lau đi lau lại từng thanh giát giường, cái mùi đặc biệt ấy vẫn không hết. "Nó ám vào tường, vào gỗ, vào chiếu rồi con ạ. Mùi người già nó thế đấy". Tôi nhớ rõ mẹ càu nhàu thế.
Hai chữ “mùi già” đã mắc vào trong tâm trí tôi từ ngày bé. Thật khác xa với những ông già thơm tho và trang nhã tôi gặp trong căn nhà này. Mỗi tháng họ tụ tập ở nhà ông một lần. Mặc dù dịp đó tôi phải tất bật hơn lệ thường nhưng tôi rất thích không khí hội hè như vậy. Ông chủ của tôi thường có những món đặc biệt để đãi những người bạn họa sĩ của mình. Một trong những món tôi đã nấu đến thuần thục là món cháo gà nấm. Gà phải là gà mía Sơn Tây nuôi thả đồi. Gạo đem nấu cháo là gạo ruộng rươi, tức là gạo được cấy ở nơi có rươi sau khi hết mùa thu hoạch nên tuy nhìn xấu nhưng nấu cháo rất sánh và ngọt. Lạ nhất là thứ nấm Matsutake. Mỗi năm, mùa nấm Matsutake chỉ có vào tháng 8. Khác với những loại nấm mọc trên thân gỗ mục khác, loại nấm rất đắt và hiếm này không thể trồng nhân tạo được và chỉ mọc trên rễ của cây thông sống. Ông chủ từ Nhật về, giao cho tôi những gói nấm được đóng trong hộp xốp niêm phong rất cẩn thận bảo cất vào ngăn mát tủ lạnh. Ông kể cho tôi nghe về cách mà người ta trồng nấm, rằng họ chỉ có mỗi việc cai quản rừng thông và... đợi nấm mọc lên. Có khi, những người thu hái Matsutake phải đi bộ cả buổi, lấy cái móc sắt mang theo gạt những đám lá thông màu nâu nhạt, mới có thể tìm thấy một cây nấm trắng giản dị và… xấu. Ấy thế mà, những cây nấm ấy được các bếp trưởng và những người sành ẩm thực coi như là những vật báu. Một vài nhà hàng sang trọng ở nước mình cũng có món nấm này trong thực đơn và người ta gọi nó là nấm tùng nhung. Nấm này nấu cháo ngon lạ ngon lùng, tôi thích nhất cảm giác cắn ngập răng lát nấm dày và béo. Tôi chợt nghĩ đến những rừng thông nơi quê hương mình. Chẳng biết có loài nấm quý nào được sinh ra từ đó. Cái này tôi định bụng sẽ hỏi ông chủ.
Ông chủ còn dạy tôi nấu súp Matsutake trong bình trà. Ông bảo đó là một cách thưởng thức nấm Matsutake rất tinh tế và đẹp mắt của người Nhật. Súp múc ra bát được thêm vài giọt cốt chanh vào. Bát súp nổi vị thanh mát đặc trưng của loại nấm thông thơm nhưng vẫn ngọt ngào hương thơm của tôm, thịt gà…
Trong đám khách, tôi chú ý đến họa sĩ Văn Anh. Không, chính xác hơn, tôi chú ý đến ông vì ông luôn có một cô gái trẻ mắt đen mướt đi cùng. Hoàng Vân là tên cô gái ấy. Trong lúc tôi chạy đi chạy lại tiếp thêm đồ nhắm, Hoàng Vân ngồi cùng bàn với... các cụ. Vị trí cố định của cô là bên phải họa sĩ Văn Anh. Cô luôn tay rót rượu, châm trà. Và cuối bữa tiệc, bao giờ cô cũng nhờ tôi vò hộ một cái khăn bằng nước nóng. Thận trọng, cô lau tay cho họa sĩ, âu yếm vuốt dọc theo từng ngón thanh gầy. Bạn bè của họa sĩ chắc đã quá quen với điều này, không ai có phản ứng gì. Vả lại, cô thực hiện cử chỉ chăm sóc này với một vẻ tự nhiên thật đáng yêu, không gây chút cảm giác lố bịch nào. Một lần, tôi bất giác liếc nhìn bàn tay ông chủ của tôi. Và tôi phát hiện bàn tay của ông trẻ hơn tuổi rất nhiều. Nó không hề bị những đốm đồi mồi do tuổi tác, vẫn lanh lẹ. Đêm đó, trong giấc mơ, tôi thấy mình nâng hai bàn tay của ông trong hai tay mình. Tôi áp hai bàn tay ông vào má… Tỉnh dậy, ra ngồi bên cửa sổ ngắm vườn cây trong nắng sớm tôi vẫn thấy hai bên má như còn nóng rực. Thẫn thờ, tôi không biết suy tư đã phủ lên gương mặt sơn nữ một màn sương huyền hoặc. Tôi giật nảy người khi tiếng ông vang lên, ngay sát:
- Nhìn em ở tư thế nghiêng này rất đẹp!
- Em... em - Tôi luống cuống không tìm được từ để nói.
- Em cứ ngồi nguyên như thế nhé!
Tôi ngồi yên, hơi cứng người lại trong một cảm xúc lạ lẫm. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy ông hứng thú như thế trước tấm toan. Một dáng thiếu nữ ngồi nghiêng bên khung cửa sổ mở rộng. Đôi mắt mở to, đôi môi hơi hé như chờ đợi một điều gì đó... Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy chính mình trong một ánh sáng khác. Vừa như thực lại như mơ. Tôi muốn nâng niu cảm giác này. Thật lâu. Thật đấy!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin