Trần Kiết Tường - người đưa tâm hồn miền Nam ra đất Bắc

KHÔI NGUYÊN THẢO 06:11, 10/10/2024

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, Sở Văn hóa và Thể thao, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Hội Âm nhạc Thành phố đã tổ chức đêm nhạc chân dung nhạc sĩ “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”. Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và công chúng đều ghi nhận, với “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, Trần Kiết Tường đã có một dấu ấn sâu đậm trong âm nhạc Việt Nam khi viết về lãnh tụ một cách xuất sắc, thiết tha đến vậy. Tuy vậy, nói về nhạc sĩ này, còn rất nhiều điều đáng kể, có ý kiến đã ví ông với hình ảnh con ong bền bỉ hút nhụy hoa của dân ca, của đất đai, của sông núi vào tâm hồn mình...

Biểu diễn ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Ảnh: Hảo Võ
Biểu diễn ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Ảnh: Hảo Võ

CHỈ SÁNG TÁC KHI CÓ CẢM XÚC

Nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã từng quan niệm rằng: “Tôi sống lạc quan và yêu đời. Nghệ thuật thì vô cùng, đời người thì ngắn ngủi. Chẳng có ai hài lòng với những gì đã đạt được. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi nếu ai đó hài lòng thì coi như đã hết. Cuộc sống sôi động và hấp dẫn. Do đó, nhạc sĩ không được sáng tác những gì mà chính anh không có cảm xúc”. Từ chính quan niệm ấy, trên chặng hành trình hòa mình với cuộc sống sôi động và hấp dẫn ngoài kia, nhạc sĩ Trần Kiết Tường không vì hai chữ “thị trường” mà đánh mất đi những giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm của mình, ông chắt chiu câu chữ, chắt chiu ý nhạc tứ thơ để góp sức theo một cách rất riêng, rất đẹp trong dòng “nhạc trẻ Việt Nam” khi viết ca khúc "Mi - mô - za", "Mùa xuân ước vọng" hay cả khi viết cho thiếu nhi với những "Em đi chơi thuyền", "Cô giáo em"… thì ông vẫn giữ được phong cách ấy.

Một trong những ca khúc cách mạng của ông - "Bài ca chiến thắng" dẫu viết về cuộc chiến đấu đầy khốc liệt và hi sinh, nhưng những hình ảnh trong ca khúc này lại luôn gợi nhắc cho ta sự bình yên, êm ả của vùng sông nước Cửu Long hiền hòa. Không nhất thiết phải dùng âm nhạc dân tộc mới gợi lên được cái hồn dân tộc, dù được viết với phong cách hiện đại song người nghe vẫn cảm nhận được sự gần gũi, thân thương khi đó là những giai điệu được rút ruột tâm hồn. Đó là cái tài của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Để rồi dù trải qua thăng trầm của thời gian, qua những biến thiên của thời cuộc, nhưng khi những giai điệu âm nhạc Trần Kiết Tường vang lên, khán giả vẫn tìm thấy đâu đó bóng dáng quen thuộc, quen nhưng không cũ, cổ nhưng không dễ phai màu. Đó là giá trị lớn mà nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã dành tặng lại cho tất cả chúng ta.

Trong thế giới âm nhạc của Trần Kiết Tường, dù viết về nỗi nhớ, viết về sự hi sinh nhưng trong ngôn ngữ âm nhạc ông sử dụng mềm mại mà không bi lụy, dịu dàng nhưng vẫn đầy nhựa sống. Phải chăng đó là tính cách, là tâm hồn luôn hướng về những điều lạc quan của nhạc sĩ, dẫu viết ở giai đoạn nào của cuộc đời, cái tinh thần sôi nổi trẻ trung ấy vẫn rực cháy trong các sáng tác của ông. Ông đã dùng chính những cảm xúc, những nghĩ suy đúng trong tâm hồn, trong lòng mình để thể hiện tác phẩm. 

Không chỉ tình yêu chan chứa trong nhạc

Con gái của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, chị Trần Thanh Thảo kể: "Thời gian ở Hà Nội, tôi có rất nhiều ký ức sâu đậm. Nghĩ lại về tình yêu của ba má dành cho nhau, tôi thấy hiếm có cặp đôi nào có thể yêu nhau thắm thiết từ trẻ đến già sâu đậm như thế. 

Tôi còn nhớ hình ảnh ba má tôi những ngày tập kết ra Bắc ở Hà Nội với những hình ảnh rất đạm bạc. Thời ấy, cán bộ rất nghèo khổ, vất vả nhưng ba tôi vẫn luôn giữ sự lãng mạn, vui vẻ, yêu đời và đặc biệt rất lạc quan. Tôi nhớ những buổi chiều tối sau những ngày làm việc, sau khi làm xong những việc gia đình, chăm sóc con cái, ba thường xách chiếc xe đạp cũ chở má tôi đi ra công viên hoặc đến những hồ nước đẹp để ngồi trò chuyện, hóng mát và những hình ảnh đó trở nên quen thuộc trong ký ức của tôi. Mà không chỉ hồi đó, sau 1975, về đến Sài Gòn, ba má được nhà nước cấp cho một căn hộ ở gần sông Sài Gòn thì đến buổi chiều tối vẫn là hình ảnh trên xe đạp chàng chở nàng ra bờ sông ngồi hóng mát. Và họ sẽ ngồi như thế bên nhau nhìn sông, nhìn nước, nhìn mây gió. 

Trong gia đình, từ nhỏ đến lớn dù cuộc sống khó khăn nhưng tôi chưa từng chứng kiến cảnh ba má to tiếng với nhau. Chưa bao giờ vì khó khăn kinh tế hay cuộc sống áp lực mà khó chịu với nhau. Tôi chỉ chứng kiến những tình cảm thắm thiết. Lúc nào ba cũng nói “má tụi con là người phụ nữ đẹp nhất trên đời”. 

• HỒ CHÍ MINH ĐẸP NHẤT TÊN NGƯỜI

Cho đến nay, sau hơn 60 năm ca khúc ra đời, 55 năm sau ngày Bác Hồ viết di chúc, mỗi khi nghe “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, những cảm xúc, sự tin yêu vẫn thật gần trong lòng người dân Việt Nam. Ca khúc được đánh giá là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ được viết vừa thiết tha nhưng cũng rất hiện đại, gần gũi.

Ngược dòng thời gian để nhìn lại năm 1962, thời điểm nhạc sĩ của ca khúc này viết những giai điệu đầy tin yêu, ấm áp ấy - “Trên cánh đồng miền Nam Đau thương mây phủ chân trời. Khi ca lên Hồ Chí Minh Nghe lòng phơi phới niềm tin” - là khi ông nhắc nỗi đau trước đó, nhớ tới Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam (luật 10/59). Trần Kiết Tường tập kết ra Bắc, mang theo nỗi đau, nỗi nhớ quê hương và gửi gắm cảm xúc của mình vào giai điệu này, cảm xúc chân thành của ông giúp công chúng càng thấy yêu hơn ca khúc và nhạc sĩ.

Nhìn lại thời điểm bài hát ra đời, có thể thấy sức lan tỏa, sức mạnh của ca khúc này cũng như "Tình ca" của Hoàng Việt, "Bài ca hy vọng" của Văn Ký khi là sự động viên, chia sẻ sâu sắc với tình cảm, nghĩ suy của những người con yêu nước Việt lúc bấy giờ. Quả thực, vào những lúc đau đớn, khắc nghiệt, nghĩ đến Hồ Chí Minh, tâm hồn người miền Nam cũng được chia sẻ nhiều hơn, sức mạnh và niềm tin được củng cố hơn. Và cũng vì thế, người dân miền Bắc thêm hiểu, thêm yêu và ủng hộ miền Nam. Càng đau thương mất mát thì sự hy vọng, tin yêu càng mãnh liệt hơn - Trần Kiết Tường đã góp công nhen lửa tinh thần từ những lời ca của mình.

Không chỉ sáng tác ca khúc xuất sắc này, nhắc tới Trần Kiết Tường có thể nhớ ngay tới "Chiến sĩ vô danh", "Anh Ba Hưng", "Cánh tay miền Nam trên đất Bắc",... Phần lớn trẻ em sẽ biết hát "Em đi chơi thuyền", "Cô giáo em"... của ông. Trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình, ông không chỉ gói gọn các tác phẩm ở thể loại ca khúc mà còn nhiều thể loại khác nữa như khí nhạc, soạn âm nhạc cho một số vở cải lương, phim... và đặc biệt là công trình nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến dân ca có giá trị vô cùng to lớn với nền nghệ thuật nước nhà. 

• NGƯỜI ĐƯA TÂM HỒN MIỀN NAM RA ĐẤT BẮC

Nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chia sẻ: "Từ khi nhạc sĩ Trần Kiết Tường đi làm cách mạng, chúng tôi còn rất nhỏ. Thuở nhỏ, chúng tôi lớn lên từ lời ru của mẹ, trong đó có cả những lời ru, lời dân ca mà nhạc sĩ Trần Kiết Tường mang từ miền Nam ra miền Bắc. Âm nhạc của nhạc sĩ Trần Kiết Tường thấm những hơi ấm, những tình cảm dân ca, và ông đã viết nên những tuyệt tác, mà "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" là một tuyệt tác không dễ gì có được. Viết về lãnh tụ, nói về lòng yêu kính lãnh tụ bằng một làn điệu dân ca và biến đổi uyển chuyển giai điệu bằng tài năng của nhạc sĩ; tác phẩm đã sống mãi cho đến ngày hôm nay và chắc chắn còn rất lâu sau này. 

Vào thời gian tập kết ra miền Bắc, nhạc sĩ Trần Kiết Tường là người duy nhất lúc bấy giờ phổ biến những làn điệu dân ca Nam Bộ ra miền Bắc. Về sau, các học trò của ông cũng đã tiếp thu và phát huy vốn dân ca Nam Bộ trong những ca khúc của mình. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp dựa vào câu kết của bài "Lý con sáo" để có cảm hứng viết đoạn kết bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương", nhạc sĩ Lư Nhất Vũ phát huy những nét độc đáo của điệu "Lý con sáo sang sông" để mở bài "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn"... cũng như chất dân ca Nam Bộ thấm đẫm trong nhiều sáng tác khác của mình". 

Có thể nói, nhạc sĩ Trần Kiết Tường là người có công lớn trong việc phổ biến dân ca Nam Bộ trên đất Bắc, đã giúp cho nhân dân nơi hậu phương lớn am hiểu một phần tâm hồn người miền Nam với những điệu lý, điệu hò từ tuyến đầu Tổ quốc. Những bài hát của Trần Kiết Tường thấm đẫm làn điệu dân ca Nam Bộ, quyện hòa với sự thương nhớ đau đáu của một người con xa quê khi nhớ về miền quê của mình nên có một vị trí rất riêng trong lòng công chúng. 

Sức sống bền bỉ của những ca khúc mà nhạc sĩ Trần Kiết Tường viết từ 50, 60 năm về trước cho đến nay là minh chứng rõ nhất cho điều này: Khi tác phẩm nghệ thuật được viết bằng cảm xúc, là tiếng nói của tâm hồn, của trái tim mà không vì một điều gì khác thì sẽ có sức sống.