Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên tham dự Lễ hội dân gian quốc tế tại Ấn Độ

QUỲNH UYỂN 13:35, 09/11/2024

(LĐ online) - Đoàn Nghệ thuật dân tộc Nam Tây Nguyên (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng) vừa lên đường tham dự Lễ hội dân gian quốc tế Chilika Shelduck tại Ấn Độ theo lời mời của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng gặp gỡ, động viên đoàn nghệ sĩ trước khi lên đường biểu diễn

Lễ hội diễn ra từ ngày 8 – 12/11 tại Bảo tàng Nghệ thuật bộ lạc Purbasha Barkul, quận Khurda, bang Odisha, Ấn Độ với đông đảo các đoàn nghệ thuật dân gian trên khắp thế giới tham dự.

Các nhạc cụ dân tộc thô sơ, mộc mạc của các dân tộc anh em Nam Tây Nguyên được biểu diễn tại Ấn Độ

Đoàn Nghệ thuật dân tộc Nam Tây Nguyên vinh dự là đại diện của Việt Nam đã mang đến lễ hội chương trình biểu diễn nghệ thuật gồm 6 tiết mục; cụ thể là: Đêm đại ngàn (Hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Titlaura (Hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Diễn xướng cồng chiêng, Suối vọng (Hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Oh Mi (Song ca trên nền hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Chali Chali Ga (Dân ca Ấn Độ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc).

Tiết mục Oh My - Tình anh em (Song ca trên nền hòa tấu nhạc cụ dân tộc)

Bên cạnh việc giới thiệu Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, đoàn trình diễn các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ là những nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa, gỗ, quả bầu khô và các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng: T’rưng, Đinh Năm, Đinh Pút, trống da trâu, khèn bầu…

Đàn T'rưng và đàn Đinh Pút được chế tác từ tre nứa thô sơ

Đặc biệt, trên chính những nhạc cụ dân tộc mình, đoàn đã chuyển soạn biểu diễn hòa tấu một bài dân ca Ấn Độ (Chali Chali Ga) với những âm sắc mang đậm bản sắc của nền âm nhạc Ấn. Với tinh thần học hỏi, giao lưu văn hóa, Đoàn nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên đã kết hợp tinh tế giữa âm nhạc truyền thống Ấn Độ với nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Qua đó cho thấy, các nhạc cụ bộ gõ chế tác từ chất liệu tre, nứa của các dân tộc anh em Nam Tây Nguyên nhìn có vẻ thô sơ, mộc mạc nhưng có thể biểu diễn được mọi nốt nhạc, mọi âm vực, thể hiện được tất cả âm điệu, vẻ đẹp của các nền âm nhạc của các dân tộc anh em trên thế giới mà không có trở ngại nào. Tiết mục vừa tạo nên sự mới mẻ, độc đáo, vừa mang đậm màu sắc dân gian của hai quốc gia, hai dân tộc.

Các nghệ sĩ của Lâm Đồng tích cực luyện tập trước ngày lên đường

Trước khi lên đường tham gia lễ hội, 25 nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công, nghệ nhân đã tập luyện nghiêm túc, trách nhiệm, chương trình được dàn dựng công phu với mong muốn mang đến nước bạn hồn cốt của dân tộc mình bằng những giai âm đẹp. Qua đó kết nối ngoại giao văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, bảo vệ hòa bình, đưa văn hóa Việt Nam đa sắc màu ra thế giới.