Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024 có nhiều nét mới khiến sự kiện thường niên thêm phần hấp dẫn và sôi động.
Tiếng chiêng cố kết cộng đồng |
Bảo Lâm - mảnh đất anh hùng và huyền thoại, nơi được Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức ngày hội lần VII đã mang đến ngày hội 8 đoàn nghệ nhân để cùng 11 đoàn nghệ nhân của 11 huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng tạo nên một bản hợp - tấu - xướng cồng chiêng và múa xoang rộn rã âm sắc. Đó là nét mới đầu tiên của Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024. Theo ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch (Sở VH-TT&DL) tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024, Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng lần VII được Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá những tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số K’Ho, Mạ, Churu, M’Nông... Đây cũng là cơ hội để cộng đồng các DTTS trong tỉnh Lâm Đồng có dịp gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm về công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển những tinh hoa văn hóa trong cộng đồng đồng tộc của các DTTS anh em. Ông Trịnh Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, Phó Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024, cho biết: “Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024 có chủ đề Bảo Lâm - huyền thoại và hội tụ, thu hút trên 300 nghệ nhân đến Bảo Lâm. Các loại hình diễn xướng, hội thi ẩm thực, trình diễn trang phục... được các đoàn nghệ nhân đầu tư kỹ lưỡng từ trước. Nhờ đó, chất lượng của các loại hình văn hóa - nghệ thuật dân gian tăng đáng kể”.
Thực hiện nghi thức gọi Yàng |
Nét mới nữa trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024 là có sự tham gia của các vận động viên người Tày và người Nùng. Nó cho thấy tinh thần cố kết cộng đồng đã được mở rộng, giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên và các cộng đồng người từ những miền đất khác đến Tây Nguyên lập nghiệp, tạo thành một khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Theo ông Vũ Uy - Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, việc nghệ nhân Ka Hem - đoàn nghệ nhân Lạc Dương - lĩnh trống giữ nhịp cho phần thi diễn tấu cồng chiêng và múa xoang của đoàn nghệ nhân Lạc Dương chính là một nét mới nữa của Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024. “Trước đây, chỉ có người nam mới được cầm trống giữ nhịp trong các đám rước, diễn xướng. Nay, người cầm trống giữ nhịp lại là chị Ka Hem. Đó là một nét mới!”, ông Vũ Uy nói.
Theo nghệ nhân Điểu Thị Mon - đoàn nghệ nhân Cát Tiên - mỗi bài chiêng, nhịp xoang được các nghệ nhân trình diễn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024 là những câu chuyện kể về đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc sở tại. Trong không gian ấy, là dòng chảy văn hóa nối quá khứ với hiện tại của mỗi dân tộc, giúp người nghe - xem hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm của chủ nhân Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Những chủ nhân của Kiệt tác truyền miệng và phi vật thể của nhân loại đến với Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024 là để bày tỏ niềm tự hào về các giá trị văn hóa ẩn trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình, trân quý chúng như sức mạnh nội sinh, đủ sức nuôi dưỡng ước mơ vươn mình trước mọi hoàn cảnh sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin