(LĐ online) - Sáng 20/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Chiến lược).
Quang cảnh điểm cầu Lâm Đồng |
Hội thảo với sự chủ trì của đồng chí: Hồ Anh Phong - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, đồng chí Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, nhà sáng tạo trong và ngoài nước.
Hội thảo được truyền trực tuyến đến điểm cầu của 63 tỉnh, thành cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hóa, biểu diễn; lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở và TP Đà Lạt.
Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Đây là việc làm cấp thiết nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người Việt Nam, tạo sức mạnh nội sinh, trở thành động lực quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển bền vững đất nước.
Đại diện các sở, ngành tham dự |
Tại hội thảo, đồng chí Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa để tăng cường tính quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong đó, hướng đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP quốc gia. Lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng 8%/năm, chiếm tỷ trọng 6% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa bình quân đạt 8%/năm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu của các ngành công nghiệp văn hóa bình quân đạt 6%/năm. Mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo được quy hoạch đồng bộ, đầu tư hiện đại, tôn vinh điểm đặc sắc, độc đáo, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương, quốc gia; tăng cường tỉnh liên kết vùng và liên kết các hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa. Phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cán bộ chủ chốt ngành văn hóa tỉnh dự hội thảo |
Phấn đấu đến năm 2030, có từ 5 - 10 thương hiệu quốc gia tham gia sâu rộng và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ để thúc đẩy phát triển và gia tăng giá trị.
Đặc biệt, đến năm 2045, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP và thu hút 6 triệu lao động để trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á; đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.
Chiến lược cũng xác định tập trung phát triển có trọng tâm vào 5 ngành: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; phần mềm và các trò chơi giải trí; du lịch văn hóa.
Đại biểu dự hội thảo |
Tại hội thảo các đại biểu, các nhà quản lý, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đã tập trung làm rõ những vấn đề được đưa ra trong dự thảo Chiến lược; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến hay, nhiều kinh nghiệm quý từ các nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển, nhiều ý tưởng gợi mở tập trung vào các vấn đề cốt lõi, trọng tâm để bổ sung hoàn thiện Chiến lược.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Phong đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết cùng những ý kiến đóng góp thiết thực tại hội thảo. Từ những ý kiến này sẽ giúp nhóm tác giả xây dựng Chiến lược hoàn thiện hơn bản dự thảo, làm cơ sở giúp Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Chiến lược để triển khai thực hiện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin