Thay đổi cách cảm thụ thiên nhiên từ “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường”

QUỲNH UYỂN 18:23, 22/12/2024

(LĐ online) - Hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024, tại không gian sáng tạo nghệ thuật Phố Bên Đồi đã diễn ra buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm đưa đến bạn đọc cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” - Làm sao để chúng ta thay đổi cách cảm thụ thiên nhiên của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Đông đảo độc giả Đà Lạt tham dự giao lưu

 Làm sao để chúng ta thay đổi cách cảm thụ thiên nhiên - tiêu đề phụ đó, tác giả muốn nói: Cách chúng ta cảm thụ thiên nhiên, đến với thiên nhiên liên quan chặt chẽ đến cách chúng ta kiến tạo thế giới, liên quan đến việc tác động tích cực hoặc tiêu cực lên thế giới xung quanh ta.

Cuốn sách truyền tình yêu thiên nhiên cho độc giả
Cuốn sách truyền tình yêu thiên nhiên cho độc giả

Tại giao lưu, tác giả Đặng Hoàng Giang và độc giả cùng nhau thảo luận các chủ đề: Chúng ta đang thưởng thức thiên nhiên như thế nào, Tại sao chúng ta cần thay đổi, Làm giàu năng lực cảm thụ thiên nhiên. Và bắt đầu câu chuyện với câu hỏi đặt ra, con người đang đến với thiên nhiên hay “đi shopping thắng cảnh”.

Trong xu thế toàn cầu, du lịch đã phát triển vô cùng mạnh, chỉ sau 30 năm, lượng khách nội địa đã tăng 100 lần, con người ngày càng có xu hướng muốn xê dịch, du lịch trở thành một hành vi tiêu dùng, đích đến đã trở thành một thứ hàng hóa, con người tiêu thụ hàng hóa này để chứng tỏ bản thân của mình. Mạng xã hội khiến người ta luôn có một ngọn lửa thôi thúc mình phải làm một điều gì đó để chứng tỏ cho mọi người thấy cuộc đời của mình cũng thật hay, thật đẹp.

Nhiều vấn đề được tác giả đặt ra bằng những câu chuyện kể đời thường thú vị

Vì thế, song song với du lịch, chụp ảnh luôn gắn liền với hoạt động du lịch. Những bức ảnh trở thành “chiến lợi phẩm” sau mỗi chuyến đi, những bức ảnh được nhiều người coi đó là minh chứng cho sự thành công của chuyến đi, nếu không có ảnh thì coi như chuyến đi không xảy ra, chuyến đi thất bại. Chính vì suy nghĩ ấy mà thế giới bị biến thành một cái trung tâm thương mại, mọi thức được hạ thấp xuống thành các mặt hàng để người ta lựa chọn. Những giá trị văn hóa, lịch sử có thể sẽ bị bỏ qua, thay vào đó là những cảnh trí đơn thuần được sắp xếp và được đánh dấu để phục vụ du khách chụp ảnh. Người ta có thể rồng rắn xếp hàng để chụp một cảnh để đăng lên mạng, chứng tỏ mình đang ở Sapa, Đà Lạt, Bali, Ăngko Vát… Dần người ta không tự mình nhìn ra bất cứ thứ gì xung quanh dù chúng còn thú vị hơn nhiều.

Độc giả Đà Lạt cùng trao đổi nhiều vấn đề về cảm thụ thiên nhiên

Câu hỏi đặt ra cho việc du lịch bây giờ là: Chúng ta thưởng thức thiên nhiên hay chúng ta đi tìm thánh địa sống ảo. Năm 2010, khi Iphone 4 ra đời với chiếc camera trước cho phép người ta tự chụp hình chính mình, thay vì trước đó muốn selfie người ta chỉ có thể chụp mình trong gương. Mạng xã hội Instagram, và tiếp đó là các loại áp chỉnh hình giúp người ta có hình ảnh fake của chính cơ thể mình, mắt to hơn, mũi cao hơn, da mịn hơn, môi mọng và đỏ hơn. Báo The New York đã từng có những dòng trào phúng “Có bao nhiêu vẻ đẹp trên thế giới này, từ hoàng hôn tới biển cả, nhưng tất cả chỉ thay đổi chỉ trong một ngày, một nút bấm bé tí tẹo trên điện thoại của tôi mời tôi quay ống kính camera lại, hôm đó thế giới quanh tôi biến mất, tất cả những gì còn lại là cái mặt của chính tôi. Tôi nhìn vào cái mặt tôi và tôi like nó”.

Ta thích chụp hình Selfie vì qua tương tác xã hội, con người ta thường có nhu cầu trình bày bản thân mình, gây ấn tượng với người khác, trong khi mạng xã hội là một sân khấu tuyệt vời, rất phù hợp để người ta trình bày bản thân, diễn ở trên ấy để đạt được ấn tượng với mọi người như ta mong muốn như: ta xinh đẹp, ta là người phóng khoáng, ta là người lãng mạn, sang chảnh, chịu chơi, uyên bác… Trọng tâm của ảnh bây giờ sẽ không còn là thắng cảnh, là thiên nhiên tươi đẹp nữa, mà trọng tâm của ảnh dịch chuyển vào người chụp ảnh - Trước mẹ thiên nhiên, ta ngắm chính ta. Thiên nhiên chỉ là background, ngắm chính con người mình mới là điều thú vị. Việc đi du lịch để tạo ra ảnh nhiều like trên Instagram thì quan trọng gấp 10 lần cơ hội thăm thú văn hóa, lịch sử, thưởng thức ẩm thực… Nơi chốn đã trở thành phông nền, chỉ quan trọng giúp cho người chụp ảnh, người “tự sướng” gửi đi những thông điệp về bản thân mình. Giờ đây, chính du khách là thắng cảnh mà người xem ảnh chiêm ngưỡng. Ta chiêm ngưỡng chính du khách, chứ không phải chiêm ngưỡng thắng cảnh nữa. Thật buồn khi giữa không gian thiên nhiên rộng lớn, những con người chỉ đi qua đi lại cầm cây selfie đắm đuối với chính bản thân mình.

Độc giả Đà Lạt bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng mộ với tác giả 

Con người cái khái niệm “Cảnh đẹp như tranh” để rồi biến thiên nhiên từ không gian 3D sống động thành một mặt phẳng 2D được đóng khung bởi màn hình của smatphone. Coi thiên nhiên như tranh có nghĩa là tự đánh giá dựa trên bề ngoài, bố cục, màu sắc; thiên nhiên được đánh đồng với phong cảnh, phong cảnh nghĩa là view, có view là có giá trị, không có view là không còn giá trị gì. Chỉ tán thưởng thiên nhiên khi nó giống sản phẩm của con người, khả năng cảm thụ của con người dần co hẹp lại.

Cũng chính vì đáp ứng yêu cầu du lịch sống ảo của người ta mà con người can thiệp thô bạo, xâm lấn vào thiên nhiên để tạo view, tạo cảnh fake, view nhái để sống ảo. Người ta cũng trở nên vô cảm, độc ác khi biến các con vật, muông thú trở thành đạo cụ để check-in độc lạ, phục vụ xây dựng nhân ảnh bản thân…

Tác giả Đặng Hoàng Giang trao đổi, giải đáp làm sáng tỏ nhiều câu hỏi độc giả Đà Lạt đặt ra

Cuộc giao lưu, hội thoại đã diễn ra cởi mở, cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” của tác giả Đặng Hoàng Giang mở ra cho ta thấy thiên nhiên luôn tươi đẹp, dù là những cảnh sắc rất đỗi bình thường, vẻ đẹp của con người và thiên nhiên sẽ tô điểm cho nhau.

Không chỉ đơn thuần là một buổi giới thiệu sách, cuộc giao lưu đã thay đổi nhận thức của không ít người, đồng thời tìm hiểu sâu hơn về những giá trị tiềm ẩn của những điều bình dị trong thiên nhiên quanh ta, thay đổi cách cảm nhận thiên nhiên, thưởng lãm thiên nhiên, để cùng nhau ứng xử tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Tác giả Đặng Hoàng Giang nổi tiếng với 6 cuốn sách với nhiều lĩnh vực, chứa đựng hàm lượng tri thức cao. Sách của ông, đi vào từng nhịp đập, hơi thở đương đại, phản ánh hiện thực cuộc sống bằng cái nhìn mới mẻ khiến người đọc phải suy ngẫm và hành động. Ông còn là nhà hoạt động xã hội tích cực trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con người, xóa bỏ định kiến, kỳ thị.