Nhạc sĩ Trương Lê Sơn nói rằng, nếu không phải là Đà Lạt thì sẽ khó có nơi nào mang lại cho anh và những người bạn những cảm xúc, hứng khởi để làm những điều như thế.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học hát cùng ban nhạc khi đi thể dục buổi sáng. Ảnh: Trương Ngọc Thụy |
Nếu ai đi quanh hồ Xuân Hương từ khoảng 5h đến 7h sáng dạo gần đây sẽ hay gặp nhạc sĩ Trương Lê Sơn và một số người bạn hát quanh hồ. Anh đàn, bạn hát. Tiếng violon cùng những nhạc cụ khác xua dần khói sương và Đà Lạt đón những ánh nắng đầu tiên trong âm nhạc.
Trao đổi với phóng viên, nhạc sĩ Trương Lê Sơn, như không dừng được sự hào hứng khi nói đến việc bắt đầu một buổi sáng hứng khởi với âm nhạc như thế: “Tôi không rõ tôi và âm nhạc thức giấc để đón bình minh Đà Lạt hay ngược lại. Có lẽ, chúng tôi thức giấc cùng nhau”.
• Thưa anh, 5 giờ sáng có lẽ quá sớm với Đà Lạt. Tôi không nghĩ lúc đó là khoảnh khắc hay để dùng âm nhạc đánh thức thành phố lạnh?
• 5 giờ sáng là thời điểm khó cho tất cả chúng ta để bắt đầu một việc gì ở bất cứ đâu. Với Đà Lạt thì rõ ràng rất thử thách vì lạnh lắm. Hồ Xuân Hương càng lạnh. Phản xạ bình thường là sẽ trú lạnh trong nhà. Còn ca sĩ lúc đó cũng chưa “mở giọng”, chưa kể đến phải trang điểm mất hàng giờ. Nói chung, lúc đó ra hồ Xuân Hương đàn hát thì hơi khùng...
Chuyện này nếu bảo tôi làm ở chỗ khác chắc chắn tôi không làm được. Như tôi là người con của Đà Nẵng nhưng tôi chưa sáng tác được bài nào về Đà Nẵng. Không phải tôi không yêu nơi tôi sinh ra nhưng phố biển miền Trung không làm tôi có đủ cảm xúc để bật ra giai điệu. Vậy mà với Đà Lạt tôi sáng tác đến 7 bài. Tôi thấy Đà Lạt tiễn nhiều người con đi xa và đóng góp cho nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng rồi không mấy ai quay về với đất lạnh. Để rồi bất chợt một ngày lại nhận ra, họ đã dành cả một đời đi tìm thiên đường nhưng thiên đường lại chính là nơi họ đã rời xa: Đà Lạt. Tôi có viết ca khúc “Vì yêu mà tôi sẽ ở lại đây” và có lẽ “Thiên đường là đây” chứa cái ý tiếp nối: Vì yêu mà quay lại đây - Nhạc sĩ Trương Lê Sơn |
• Nhưng các anh đã dành 2 tiếng đồng hồ hát ca bềnh bồng lúc cả Đà Lạt còn đang ngủ?
• Khùng nhưng vui. Vui gì chứ vui với nhạc thì càng nên vui. Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ trước 5h, trong sương, không ai thấy. Rồi nhạc vang lên, sương tan dần, mọi người dừng lại nghe nhạc và nhìn ra chúng tôi như những người bước ra từ giai điệu. Nghĩ tới thôi đã nổi da gà rồi (haaaa).
Trong các video khách qua đường quay lại, bạn thấy tôi cùng cả nhóm hát trong nhiều sắc độ ánh sáng khác nhau, huyền ảo lắm. Đó là vì chỉ 2 tiếng đồng hồ sáng sớm đó nhưng không gian quanh hồ Xuân Hương đã đổi màu liên tục. Sương mặt hồ lúc dày, lúc mỏng như khói. Tôi không biết tả làm sao về khoảng thời gian lúc đó nhưng khi đó Đà Lạt và cả âm nhạc đều đẹp.
Những hình ảnh này không chỉ gợi lên ký ức, mà còn đánh thức cả những cảm xúc sâu lắng trong lòng mỗi người. Tôi vui vì thấy người Đà Lạt - vốn là những người không thích với cái gì quá đổi mới - đón nhận những lần chơi nhạc của chúng tôi với sự thích thú và tận hưởng. Có lẽ, đó là một thoáng hoài niệm về thành phố mộng mơ thuở nào trong tâm trí họ, nơi từng con dốc, hàng thông, làn sương đều thấm đẫm sự dịu dàng.
Đà Lạt đã đón rất nhiều ca sĩ đến hát trong hoàng hôn, lúc chuyển giao đêm ngày. Tôi cũng chơi nhạc cùng họ và biết rằng thăng hoa vô cùng tận. Nó khác xa khi hát trong phòng trà. Chúng tôi là nghệ sĩ, những nơi chốn làm cảm xúc bật lên rất quan trọng. Có khi qua rất nhiều năm của cuộc đời, người nhạc sĩ - ca sĩ mới nhận ra.
Đà Lạt cần những góc nhỏ đầy âm nhạc Nhiếp ảnh gia Trương Ngọc Thụy sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt vô tình có trải nghiệm với buổi sáng âm nhạc của Trương Lê Sơn. Và anh chia sẻ: “Trong một lần đi săn ảnh, tôi tình cờ được thưởng thức “bữa tiệc âm nhạc” của các bạn ca nhạc sĩ Đà Lạt. Thật khó có thể diễn tả hết cảm xúc của tôi khi lần đầu được nghe những giai điệu trữ tình vang lên giữa không gian sớm mai yên ả. Sự hòa quyện đó làm cho người nghe có một cảm giác rất phiêu. Tôi thích sự ngẫu hứng, mộc mạc của chương trình. Trong tương lai, tôi nghĩ Đà Lạt rất cần những chương trình như vậy để khẳng định vị thế của một Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO. |
• Là nghệ sĩ đã được công chúng đón nhận rộng rãi. Liệu việc lang thang hát bên hồ Xuân Hương có làm anh thấy có chút gì đó lấn cấn?
• Cũng có người cho rằng việc chúng tôi đàn hát bên hồ làm giảm đi giá trị của người nghệ sĩ. Nhưng bản thân tôi - khi đã biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ, hiểu rất rõ rằng dù bạn tỏa sáng trên sân khấu lớn hay lặng lẽ cất lên giữa dòng người qua lại, giá trị của bạn không nằm ở nơi bạn đứng, mà ở những cảm xúc bạn khơi gợi, những tâm hồn bạn chạm đến. Bởi trong nghệ thuật, không phải ánh đèn hay hào quang quyết định tất cả, mà chính tình yêu, sự trân trọng từ khán giả mới là thước đo chân thật và vĩnh cửu nhất. Nhiều người xem hình ảnh về chương trình trên mạng rồi hỏi tôi về khung chương trình, cách biểu diễn. Không thể trả lời được vì đây là âm nhạc của bè bạn. Không có khuôn khổ nào hết ngoài sự phù hợp dành cho Đà Lạt. Có điều tôi chắc chắn là mỗi buổi diễn đều vui.
• Cũng như tôi, nhiều người thắc mắc rằng sao anh không thông tin cụ thể để người dân và du khách tiện theo dõi?
• Vậy tự dưng lại hết vui. Tôi còn nhớ cách đây hơn 15 năm. Khi đó tôi chưa định cư ở Đà Lạt. Nếu không đi diễn thì sẽ đi ăn chung với nhau. 20h sẽ có những ý tưởng… không đỡ được. Trong đó có nhiều lần bảo, đi Đà Lạt đi. Vậy là đi. 2h sáng đến nơi uống cử sữa đậu nành rồi về khách sạn ngủ. Sáng dậy sớm ra phố uống cà phê ăn vài món thân quen của Đà Lạt. Vậy là xong cho một lần nổi hứng. Chúng tôi quay lại TP Hồ Chí Minh chuẩn bị cho đêm diễn mới. Chỉ có Đà Lạt mới có thể khiến người ta có động lực làm những chuyện ngược ngược, vui vui kiểu đó.
Sau này, cũng chính kỷ niệm của những lần như vậy nên có một đêm tôi nhắn với bạn Gia Hưng (nghề chính là kinh doanh cà phê): “Mai anh em mình kéo loa ra hồ Xuân Hương hát đi”. Hưng đồng ý, và chuẩn bị bộ loa nhỏ nhưng xịn. Hưng rủ thêm vài người bạn thường hát phòng trà ở Đà Lạt cùng đi. Đó là mùa thu năm 2023. Chương trình sau này bạn biết là bắt đầu từ đó.
Kể vậy để thấy chuyện hát ca bên hồ là vì muốn tặng cho bà con, du khách đến Đà Lạt một kỷ niệm. Tôi mong âm nhạc là chuyện hữu duyên đủ khiến người ta nhớ hoài. Có khi anh mới đến Đà Lạt, sáng đi dạo lại gặp ngay chúng tôi. Nhưng có khi anh ở cả tuần cũng không gặp được. Vì duyên thôi mà. Có lẽ thế, âm nhạc và Đà Lạt mới khiến du khách vương vấn được. Có vẻ như tôi làm khó người ta nhưng không phải, chuyện vui thôi mà, cứ gò vô khuôn khổ là hết vui liền.
• Anh và nhóm bạn của mình có vẻ đang ấp ủ thêm sau chương trình này?
• Làm gì làm, chúng tôi không mang chương trình đi kiếm… chút tiền. Như đã nói, chúng tôi tình nguyện khùng khùng để bà con, du khách nhớ về Đà Lạt. Có anh kia nhắn vào trang cá nhân của tôi rằng: "Sau này, đến Đà Lạt, đi qua góc hồ Xuân Hương tôi sẽ nghe âm nhạc vang lên trong đầu dù ban nhạc không ở đó. Có lẽ tôi sẽ khóc vì những điều hôm nay đã thành ký ức đẹp về Đà Lạt".
Có hôm, có một anh đến chương trình và hát bài Mimosa của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Hát rất vui, sau tôi mới biết là lãnh đạo của tỉnh. Nói vậy không phải khoe mà để mừng vì niềm vui âm nhạc hiện hữu ở thành phố này.
Anh Lê Minh Chiến (Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt) lần nào cũng đến đúng lúc chúng tôi chơi nhạc và ở tận cuối chương trình. Anh nhờ và cũng gợi ý tôi: “Sơn có cách nào mang chương trình này vào Trường Đại học Đà Lạt vài lần. Hát đón sinh viên đến trường, đánh thức những mỹ cảm của bọn nhỏ để các em bước ra đời với những cảm xúc đẹp ngân nga trong đầu”.
Anh Chiến làm tôi nghĩ đến những đứa trẻ ở Đà Lạt đi học đàn từ 5h sáng. Rõ ràng, trong từng tế bào của Đà Lạt có âm nhạc. Gần đây, khi nhắc nhiều về Đà Lạt, Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO, tôi càng cảm nhận rõ hơn chất nhạc của Đà Lạt. Cho nên chương trình của chúng tôi, những người vì yêu Đà Lạt mà đến sẽ có hướng đi mới để có thể kích hoạt hứng khởi âm nhạc ngay trong lòng Đà Lạt. Khi số đông người Đà Lạt thở với âm nhạc và nghệ thuật thì thành phố này sẽ đẹp một cách có chiều sâu, xứng với cái danh Thành phố sáng tạo Âm nhạc. Nội lực âm nhạc của thành phố là ở đó.
• Thưa nhạc sĩ, có phải anh đang hơi quá hào hứng sau một buổi sáng với âm nhạc bên hồ Xuân Hương?
• Hào hứng thì có vì đang vui mà. Nhưng nhận định của tôi có chừng mực. Dạo gần đây, show diễn lớn nhỏ có mặt ở Đà Lạt nhiều bằng 10 năm trước đó cộng lại. Tôi ở đây cả 10 năm rồi, gia đình tôi cũng ở đây, tức tôi cảm nhận bằng ý thức của một người Đà Lạt thực sự nhưng có sự so sánh với nhiều nơi khác.
Ở góc nhìn của nhạc sĩ, tôi mừng vì Đà Lạt có những đại nhạc hội tạo tiếng vang để mọi người nghĩ về Đà Lạt, âm nhạc nhiều hơn. Nhưng tiếng vang đó cần được giữ và phát triển bởi những đứa trẻ đang lớn lên cùng âm nhạc. Nếu không “tiếng hát ngân lên bỗng tắt giữa chừng” thì đáng tiếc. Thành phố âm nhạc chỉ có thể đi xa bằng nội lực âm nhạc được xây lên bằng chính cư dân Đà Lạt. Và tôi nghĩ, mình nên hướng về những đứa trẻ và một trường dạy nhạc. Có lần tôi đến Phố Bên Đồi của Nguyễn Trung Hiền, nghe tiếng piano, violon của những bạn trẻ và những nghệ sĩ nhạc cổ điển thực thụ, tôi thầm cảm ơn về sức mạnh âm nhạc làm cho thành phố trở nên đáng sống. Dù nơi tôi đến đơn sơ hơn một khán phòng và chắc chắn không phải là một nhà hát.
• Và chắc chắn, góc âm nhạc ở hồ Xuân Hương không thể dừng lại sau vài lần biểu diễn?
• Ô không! Tôi không lên lịch và thông báo không có nghĩa là chúng tôi không chuẩn bị. Nhiều ca sĩ đã nhắn đăng ký tham gia rồi. Tôi sẽ “bắt cóc” dần để mang ra hồ với nắng lạnh và sương sớm. Tôi tin cả ca sĩ, ban nhạc và người nghe sẽ vui. Tôi gọi đó là “món quà” cho những người dậy sớm cùng Đà Lạt.
Nhạc cổ điển cũng cần được chăm sóc, vì sự sang trọng và sâu thăm thẳm. Tôi đã ngắm nghía và lôi kéo nhiều người lớn bé, già trẻ đủ cả rồi. Họ rất “xịn” và được cả cộng đồng âm nhạc cổ điển Việt Nam và quốc tế công nhận nhưng vẫn chưa được Đà Lạt công nhận mấy.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin