Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên (Kỳ I)

UÔNG THÁI BIỂU 10:43, 20/01/2025

(LĐ online) - Trên thế giới đã có hàng trăm định nghĩa về khái niệm văn hóa, nhưng chúng tôi đồng tình với cách cắt nghĩa của nhà nghiên cứu Phan Ngọc: Văn hóa không phải là một “cái” mà là một “cách”. Cũng nghiêng về hướng lý giải đó, triết học gia người Pháp Jean Paul Sartre từng đưa ra mệnh đề “sống là lựa chọn”, lựa chọn và chịu trách nhiệm với sự lựa chọn ấy. Từ hệ quy chiếu này, chúng ta nhận thấy, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã sáng tạo nên hệ giá trị văn hóa phong phú, đa dạng với những nét bản sắc riêng biệt bằng quá trình sống trong môi trường địa hình cảnh quan, không gian sinh tồn mà họ đã lựa chọn.

Kỳ I: Những chỉ dấu nhận diện hệ giá trị văn hóa truyền thống

Tây Nguyên là một vùng lãnh thổ đặc thù của Việt Nam, không gian sinh tồn lâu đời của cộng đồng các tộc người nói hai ngữ hệ Môn-Khmer và Malayo-Polynesia. Do vị trí địa lý, vùng Tây Nguyên sớm có mối quan hệ giao lưu khá mật thiết với các vùng khác ở Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Suốt từ thời tiền sử đến thời cận đại, vùng đất sau này gọi là Tây Nguyên đã liên tục trải qua những chặng đường biến động nội vùng và những dịch chuyển quan trọng trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài…         

Nhà dài người Mạ
Nhà dài người Mạ

Công xã và liên minh công xã là thiết chế tổ chức xã hội tồn tại lâu dài trong cộng đồng cư dân các tộc người Tây Nguyên. Theo các thư tịch cổ, từ năm 1470, vua Đại Việt là Lê Thánh Tông gọi lãnh thổ thuộc phạm vi ảnh hưởng của Pơtao Apui (Vua Lửa), Pơtao Ia (Vua Nước) là xứ Nam Bàn và coi đây như một “thuộc quốc”. Đến thời nhà Nguyễn thì mối quan hệ giữa các thủ lĩnh Tây Nguyên với nhà nước phong kiến Việt Nam trở nên thường xuyên hơn. Nhà Nguyễn nhận sự triều cống của thủ lĩnh các bộ tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và đã cử một số viên quan đi tuần trú miền núi rừng phía tây này. “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, “Đại Nam liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn và một số cổ thư khác từng ghi nhận các sử liệu, chuyện kể về mối quan hệ này…

Từ ngàn xưa, từ trong tăm tối hoang vu của núi rừng vây hãm, dòng mạch trầm tích Tây Nguyên bừng sáng bởi ngọn lửa thiêng, bởi âm thanh đàn đá, bởi văn hóa cồng chiêng và những vòng xoang. Những bộ sử thi kỳ vĩ cũng đã cất lên tiếng nói của các dân tộc anh em thể hiện khát vọng chinh phục, vươn tới những giá trị cao đẹp. Tây Nguyên huyền bí và hấp dẫn; từng là một nơi chốn mà các nhà dân tộc học trong và ngoài nước coi là vùng đất hứa của những khám phá. Những bộ khảo cứu, những phát hiện khảo cổ và dân tộc học từ nơi này đưa ra cho thế giới một kho tàng lạ lẫm. Tây Nguyên từng như một hình mẫu bản sắc làm cho người ta choáng ngợp và đôi lúc phải lý giải bằng những lý thuyết mang tính huyền bí.

Như đã nói, với quá trình cư trú lâu đời giữa miền thượng du dưới chân dãy Trường Sơn, đại ngàn với tất cả những gì thuộc về nó đã quy định việc hình thành nên các giá trị văn hóa của các tộc người. Trong quá trình sinh tồn, các dân tộc anh em trên miền rừng núi phía tây Tổ quốc đã liên tục trả lời cho các câu hỏi một cách có trách nhiệm về sự lựa chọn của mình bằng những đặc trưng văn hóa riêng biệt.

Tác giả tại khu nghĩa địa của người Ba Na làng Plei Pyang (Kông Chro, Gia Lai)
Tác giả tại khu nghĩa địa của người Ba Na làng Plei Pyang (Kông Chro, Gia Lai)

RỪNG - KHÔNG GIAN SINH TỒN, KHÔNG GIAN VĂN HÓA     

Trong không gian của rừng (các chuyên gia phân loại gồm: rừng cư trú, rừng sản xuất, rừng sinh hoạt, rừng nghĩa địa, rừng thiêng), thì thiết chế xã hội cổ truyền, hệ thống tri thức địa phương, các tập tục, nghi lễ, kiến trúc, trang phục, nghệ thuật… đã từ đó hình thành. Rừng, với người Tây Nguyên không chỉ là nguồn tài nguyên, không chỉ là hệ sinh thái. Trong thẳm sâu tâm hồn của các tộc người, có một tình cảm ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng với rừng, họ coi cây rừng là những sinh vật sống, cũng tràn đầy cảm xúc, cũng hạnh phúc, khổ đau, cũng có linh hồn. Người Tây Nguyên sống theo “đạo đức của rừng”, vươn tới sự hoàn thiện, hiền minh như rừng. Rừng là không gian sinh tồn, theo nhà dân tộc học George Condominas, rừng còn là “không gian xã hội” và là cội nguồn tâm linh, phần sâu xa nhất của đời sống con người.

Bao năm đến với khắp miền của đồng bào xứ thượng, chúng tôi cảm nhận, núi rừng đối với họ vừa bí ẩn, hoang dã, vừa thân thiết, gần gũi. Trên đất Tây Nguyên này, ở đâu có núi rừng ở đó có thần linh. Cả không gian đại ngàn đều là nơi ngự vì của các vị thần (Yàng). Tôi đã chứng kiến đồng bào Tây Nguyên sùng kính nhiều vị thần của họ. Ví như người K'Ho: Đó là Yàng N’du dựng nên trời đất, rồi Yàng Bnơm (thần Núi), Yàng Brê (thần Rừng), Yàng Dà (thần Nước), Yàng Máttơngai (thần Mặt Trời), Yàng Kơnhai (thần Mặt Trăng), Yàng Tiah (thần Đất), Yàng Trồ (thần Bầu Trời) và gần gũi, thân thiết như Yàng Kòi (thần Lúa) lo cái ăn hay Yàng Hìu (thần Nhà) lo sắp đặt chỗ ở. Tồn tại bên cạnh các vị phúc thần còn có muôn loài ma quỷ hiện hữu giữa núi rừng bí ẩn mà đồng bào gọi tên chung là “cà”. Trong khi các vị phúc thần dốc lòng phò trợ, chứng dám cái hay điều tốt của dân làng, xử phạt những người làm việc xấu thì các thế lực “cà” chăm chăm rình rập làm hại lương dân. Người Tây Nguyên nương náu dưới tán rừng, họ vừa phải lo lễ lạt cho các vị phúc thần ưng cái bụng lại vừa phải làm vui lòng ma quỷ…

Nghi thức cúng thần Lúa trong Lễ mừng lúa mới của người Cơ Ho
Nghi thức cúng thần Lúa trong Lễ mừng lúa mới của người K'Ho

Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngàn năm sinh tồn giữa không gian đại ngàn nhưng không bao giờ tự nhận là chủ nhân núi rừng. Đồng bào ứng xử với tự nhiên như là một cách dự phần vào đời sống hoang dã. Họ coi mình là một thực thể cộng sinh, một thành phần trong muôn ngàn giống loài tự nhiên. Đó là thái độ ứng xử thể hiện sự tôn trọng, hòa hợp giữa con người với không gian sinh tồn của mình. Đại ngàn hùng vĩ và nhân văn thêm bởi hệ minh triết rừng, bởi lẽ sống của con người giữa thăm thẳm đại ngàn. Đồng bào nghĩ về khu rừng thiêng nơi mình đang sống bằng một tâm tưởng lễ độ, một cách tự nguyện thực hiện quy ước giữa thần linh và con người từ thuở xa xưa. Thần có linh của thần, người có phúc của người. Giữa thiên nhiên hoang dã và bí ẩn, con người thật nhỏ bé, nhưng là sự nhỏ bé trong tâm thế bình đẳng. Trước núi rừng, trong tinh thần của cư dân rừng vừa có sự sợ hãi cố hữu vừa có sự thân thuộc thường ngày. Họ tìm cách đối thoại để thêm phần hiểu biết mà đối phó. Họ tìm kiếm phương cách đối đãi qua các nghi lễ nhằm đạt sự thỏa hiệp lại vừa hòa hợp bằng những phép ứng xử trở thành tập quán pháp. Và rồi, không biết tự bao giờ, lẽ sống của người ở rừng cũng hợp theo lý lẽ của rừng.

Về cơ bản, văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Suốt bao đời qua, sống giữa đại ngàn hoang dã với muôn vàn đe dọa và cả những cơ hội vô tận, người ở rừng đã sáng tạo nên một hệ thống di sản văn hóa đa dạng và lưu truyền một kho tàng tri thức địa phương vô giá. Toàn bộ đời sống văn hóa đó, từ hệ giá trị đến những tín hiệu nhỏ đều là biểu hiện mối quan hệ khăng khít, máu thịt của con người, của cộng đồng với rừng. Nương náu dưới tán rừng, cư dân rừng đã tạo ra một hệ minh triết hòa hợp theo lý lẽ của rừng; vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, nhân văn và thực tế.

Ẩm thực người Cơ Ho
Ẩm thực người K'Ho

THIẾT CHẾ LÀNG-RỪNG

Là một địa bàn cư dân đặc thù, toàn bộ hệ giá trị văn hóa truyền thống các tộc người Tây Nguyên được sáng tạo, phát huy, thụ hưởng, trao truyền trong không gian rừng và bởi thiết chế làng. Có rừng thì có làng, cư dân các buôn làng sống trong tâm thế rừng. Làng ở Tây Nguyên là một đơn vị cơ bản trong xã hội cổ truyền và còn lưu dấu đậm nét cho đến ngày nay. Người ta thường nói, người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, thì tính cộng đồng đó là tính cộng đồng làng, thậm chí “tính làng” còn sâu đậm và cụ thể hơn cả ý thức tộc người. Làng Tây Nguyên từng là một thiết chế xã hội bền vững và quy củ. Làng được điều hành bằng “hội đồng già làng”. Hội đồng già làng từng quản lý và điều hành mọi hoạt động của làng bằng một “hệ thống luật pháp” cổ truyền đặc biệt: luật tục. Cho đến nay, luật tục Tây Nguyên vẫn tồn tại song hành cùng luật pháp và những mặt tích cực vẫn được phát huy giá trị trong quản lý xã hội.

Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất quan điểm, làng Tây Nguyên là một kết cấu “làng rừng”- một không gian thực hành văn hóa và tín ngưỡng lý tưởng; nó bao hàm: một cộng đồng cư trú, một cộng đồng sở hữu và lợi ích, một cộng đồng tâm linh, một cộng đồng văn hóa.  

Lễ cúng tổ tiên của người Chu Ru
Lễ cúng tổ tiên của người Churu

ĐỊA SINH THÁI NÔNG NGHIỆP VÀ NGHI LỄ VÒNG ĐỜI

Địa sinh thái nông nghiệp của đồng bào Tây Nguyên từng là quy trình sản xuất cây lúa. Dưới không gian rộng lớn của núi rừng, cây lúa chi phối gần như toàn bộ đời sống. Lúa và cuộc canh nông ruộng rẫy quy định lối sống, kiểu sống, phép ứng xử với thần linh, thiên nhiên và cộng đồng. Lúa không chỉ mang đến cái ăn mà còn là ý niệm thường trực về các thần. Ý niệm ấy trở thành căn tính của các nhóm người thiểu số, họ luôn lấy đó làm trung tâm để giải thích các hiện tượng tự nhiên, tìm cách ứng xử phù hợp: từ chọn đất lập ruộng, chế tác nông cụ, phương thức canh tác, bảo vệ mùa màng. Theo họ, tất cả đều do đấng thần linh sắp đặt, nên người trồng lúa ở Tây Nguyên có chung một sự biết ơn: ơn Yàng!

Trước Yàng, đồng bào vun bồi tâm tính biết ơn, hiểu sâu sắc và yêu thương nguồn cội, núi rừng, ruộng rẫy và cộng đồng. Khi trồng lúa, ứng với quá trình sinh trưởng loài cây nuôi sự sống là một chuỗi nghi lễ xuyên suốt: chuỗi nghi lễ nông nghiệp. Sống trong ý niệm ơn Yàng, chuỗi nghi lễ nông nghiệp vừa là tạ ơn và cậy nương thần linh, vừa là quá trình ôn lại tri thức dân gian và thực hành văn hóa. Thông qua việc tổ chức các nghi lễ, người già truyền lại cho cháu con đạo lý và phương cách ứng xử. Đặc biệt, đó là không gian để đồng bào trình diễn các loại hình văn hóa như dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ, cách thức bài trí cây nêu, sửa sang nhà rông, thưởng thức ẩm thực truyền thống…

Chúng tôi điền dã về vùng người K'Ho Srê, một tộc người từng giỏi nghề trồng lúa. Các già làng nói rằng, ngày xưa, cái thời “trồng lúa”, buôn làng có hẳn một quy trình nghi lễ theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, trong đó có các lễ như: Lễ cầu mưa trước khi xuống giống; lễ mừng gieo sạ (Nhô sih srê), lễ mừng rửa chân trâu (Nhô rào jơng rơpu); khi lúa trổ đòng lại cúng lễ Nhô wèr cầu cho lúa dày bông; đến ngày lúa lên bông thì lại có lễ Nhô lir bờkao. Lễ Nhô lềrbong uống mừng mùa vụ kết thúc, đó cũng là lúc người K'Ho Srê đón mừng năm mới. Người ta nói, Tây Nguyên “năm ăn tháng uống” bởi vậy.

Bên cạnh đó, theo nhân sinh quan của đồng bào, con người là một thực thể dự phần vào đời sống tự nhiên nên vòng đời của con người cũng tuần tự theo quy luật của các giống loài. Theo đó, là chuỗi nghi lễ liên quan đến cuộc đời mỗi con người: sinh đẻ và thời thơ ấu; trưởng thành, cưới hỏi; tuổi già và tang ma. Cùng với chuỗi nghi lễ nông nghiệp và các phương thức khác, chuỗi nghi lễ vòng đời của các tộc người cũng tạo nên một không gian thực hành văn hóa-tín ngưỡng. Sự cố kết và cộng cảm của cư dân rừng đã tạo nên mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng hệ giá trị văn hóa đặc trưng, khác biệt, độc đáo và hấp dẫn từ bao đời nay…  

(CÒN TIẾP)