Tác giả (áo trắng, bìa trái) trong một lần đi điền dã ở vùng đồng bào DTTS |
• ÁM ẢNH GIAI ĐIỆU Ơ MỜL LƠI
Gần 30 năm trước, khi xuôi ngược các buôn làng dưới chân núi Brah Yàng, tôi cứ nghe đứt nối đâu đó giai điệu chậm buồn ơ mờl lơi, ơ kòn lơi được cất lên bởi những người mẹ K'Ho nào đó. Tôi không hiểu những người mẹ đó hát gì nhưng tiếng hát cơ hồ như níu giữ, như buông lơi, như mềm mại tỏa ra tận cánh đồng Brus trong đêm vắng Kala, Krọt. Tiếng hát không vang, không vút cao như lời ca xứ Tây Bắc nhưng đằm thắm, dịu ngọt như dòng nước Đạ Rơyồng, Đạ Rơyàm vẫn miên man chảy từ ngàn đời nay trên cao nguyên miền thượng. Trở về phố thị, tôi mang nỗi ám ảnh đó giãi bày với học trò Ka Thúy - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - một người con của xứ Brah Yàng thì em cho biết đó chính là điệu đơscrih pơnđiang kòn (điệu hát ru con của người K'Ho). Em nói về nỗi nhớ mẹ, nhớ bếp lửa, em nhớ tấm ùi gơjùng bạc màu thấm mồ hôi của mẹ và điệu hát ơ kòn lơi thân thuộc của buôn làng. Bất giác, tôi nhớ đến nhà văn Raxun Gamzatôp khi ông đã viết rất hay về “cha và mẹ, lửa và nước” trong tác phẩm Đaghextan của tôi. Ông cứ nhắc đi, nhắc lại hình ảnh người mẹ: Gùi nước, nhóm bếp, đưa nôi và hát ru. Gùi nước, nhóm bếp, đưa nôi và hát ru. Thì ra tính phổ quát trong hành vi yêu thương của những người mẹ nào trên thế gian này là hát ru con.
• MUÔN NĂM KHÚC HÁT “MÃ KÒN”
Những người mẹ K'Ho nào đã vừa cõng con vừa cất lên tiếng hát:
Ơ mờl lơi
Mẹ cõng con với tấm ồi gơjùng
Mẹ bế con với tấm ồi gơjùng
Mẹ nuôi con bằng cơm trong pơrlơ
Ơ kòn lơi…
Đó là giai điệu của khúc hát nuôi con của người K'Ho. Có khi họ gọi là khúc hát “mã kòn”. Lần theo mấy tầng của khúc hát ấy là cả một quan niệm nhân sinh: Già đầu mà không biết hát ru, già đầu mà không biết kể chuyện xưa, thần phạt. Con ơi muốn ăn gà thì đặt bẫy, muốn khỏe người thì lấy vợ, muốn truyền đời sau thì phải biết ru con. Cũng như người mẹ bao dân tộc khác, người mẹ K'Ho hứa cho con ăn ngon qua khúc hát: "Đừng khóc nữa con ơi/ Mẹ bận hái rau bèo ngoài ruộng/ Mẹ bận hái rau má ngoài ruộng/ Mẹ bận đi tìm củ mpàr ngoài ruộng/ Nấu chảy thành mỡ béo cho con/ Đựng vào tô nhỏ cho con". Đặc biệt, qua lời ru, người mẹ K'Ho muốn truyền cho con lòng can đảm: "Con sẽ đi trên trăm dốc đá đừng sợ/ Con sẽ đi trên trăm đồi đá đừng sợ/ Khi nước trong xúc cá đừng sợ con ơi...".
Những lời ca mộc mạc về nội dung nhưng êm đềm về giai điệu đã ôm trọn bao kiếp người tụ cư dưới chân núi Brah Yàng. Những bài ca ấy gắn với cây cỏ, gắn với núi rừng, tãi ra với dòng Đạ Rơyàm, gắn với bao nỗi buồn vui, khao khát của đồng bào K'Ho để hình thành nên tâm hồn và cốt cách của một dân tộc Tây Nguyên. Khúc hát ru của bao bà mẹ K'Ho vô danh là sợi dây kết nối bao thế hệ, là thanh âm đằm thắm kết tụ người K'Ho cho dù họ đang sống nơi chân trời góc biển nào. Như thế, khúc hát ơ mờl lơi, ơ kòn lơi không chỉ là nguồn dưỡng dục tinh thần cho những đứa trẻ mà còn là chỉ dấu giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc K'Ho trong bức tranh chung của văn hóa Việt Nam.
• ĐÂU RỒI KHÚC HÁT Ơ MỜL LƠI?
Mấy năm gần đây, tôi vẫn đi về với đồng bào K'Ho bên triền núi Brah Yàng với niềm khao khát được nghe trong đêm vắng Kala, Krọt giai điệu ơ mờl lơi, ơ kòn lơi của một người mẹ K'Ho nào đó như mấy mươi năm trước. Đêm Bảo Thuận rực sáng. Đêm Bảo Thuận huyên náo bởi những dàn karaoke. Tất nhiên không còn nghe giai điệu ơ mờl lơi, ơ kòn lơi. Tôi đem mớ lý luận folklore để cắt nghĩa sự “ra đi” của những khúc hát ru bên dòng Đạ Rơyàm. Chị Ka Đes - giáo viên Trường Tiểu học Bảo Thuận cho biết: Không phải vậy, cái chính là những người mẹ trẻ bây giờ không biết hát, không ai dạy cho họ hát. Đây chính là vấn đề trao truyền, vấn đề gìn giữ không gian văn hóa và tạo dựng hoàn cảnh sinh hoạt để hát ru được sống mãi trong đời sống xã hội của dân tộc K'Ho ở tỉnh Lâm Đồng.
Không thể nào một dân tộc đã gửi tình yêu thương vào giai điệu ơ mờl lơi, ơ kòn lơi lại không khao khát cho những khúc hát ấy tiếp tục là mạch nguồn yêu thương và chỉ dấu văn hóa bên dòng Đạ Rơyàm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin