Hãy về làng buôn vui tết với đồng bào. Hãy nhập cuộc trong ngày hội Xuân trên cao nguyên Lang Biang để thưởng lãm những sắc màu văn hóa từ đa miền hội tụ. Họ là cộng đồng cư dân thiểu số sinh tồn ngàn đời giữa đại ngàn này. Họ là những tộc người từ biên cương phía Bắc chọn cao nguyên phía Tây làm quê mới dựng nhà, lập bản. Đồng bào các dân tộc anh em cùng nới rộng vòng xòe, vòng xoang giữa miền đất an lành cho không gian Xuân càng thêm nồng nàn và đa dạng hương sắc.
Vui hội buôn làng |
Tôi đã từng được chung vui một cái Tết “lạ” của đồng bào Churu bên dòng Đa Nhim. Đó là lễ hội Hamamơkhi, lễ đón mừng năm mới, tưởng nhớ tổ tiên và đoàn tụ họ hàng. Được hòa chung vào không gian thiêng liêng của ngày trọng đại ấy, tôi đã lắng vào tâm cảm mình lời khấn của già làng Ya Thin gửi thông điệp nương cầu thần linh. Tôi rạo rực hòa mình trong vòng quay của điệu Ariya phiêu diêu của những chàng trai, cô gái da nâu, mắt sáng bên bếp lửa cháy bùng dưới gốc cây nêu trước sân nhà tổ dòng họ Touneh. Những chóe rượu cần thơm nức hương vị lúa mẹ. Những món ăn thơm thảo tình rừng. Ngày đón mừng năm mới giữa plei Diom rộn ràng bởi âm thanh của trống ginăng trong nhịp tay điêu luyện của nghệ nhân Ma Cong, tiếng chiêng ba atâu dìu dặt của nghệ nhân Ma Bio, tiếng sáo t’rơlér réo rắt của ông Ya Has và tiếng kèn k’wào thao thiết của một người đàn ông Churu mà tôi chưa kịp hỏi tên. Trong đêm huyền hoặc ấy, tôi cảm nhận như rượu cần, ngọn lửa, những vũ điệu, những khúc dân ca và cả âm thanh của dàn chiêng quý đã hòa cùng sinh khí tốt tươi của xứ sở đại ngàn. Trong cái Tết Hamamơkhi, tôi cũng được nghe bà con nói rằng, dù vẫn giữ lễ hội đón năm mới riêng theo phong tục tổ tiên nhưng đồng bào Churu từ nhiều năm nay đã cùng ăn Tết chung với anh em người Kinh. Tết Nguyên đán nào địa phương cũng tổ chức hội Xuân cộng đồng và tặng quà, chúc Tết những gia đình sản xuất giỏi, gương mẫu, các vị già làng, nhân sĩ, trí thức. Từ thông tin ấy, tôi nhận ra sự cộng cảm, hòa điệu của các dân tộc anh em trên miền đất cao nguyên này ngày một thêm rõ nét. Nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về…
Để khẳng định sâu hơn cái điều đã nghĩ, ngày trước Tết năm nay tôi lại về buôn làng của đồng bào K'Ho trên miền đất ba zan cổ Djiring. Già làng K’Diệp bấm đốt ngón tay rồi gật gù nói với khách mà như tự sự với chính lòng mình: “Lúa đang đến kỳ chín rộ. Vậy là dịp lễ Nhô Lirvong đón mừng “đậy nắp bồ lúa” của người K'Ho mình trùng với Tết Nguyên đán của đồng bào Kinh. Hai cái Tết đón chung một dịp, niềm vui của buôn làng nhân đôi!” Niềm hứng khởi thể hiện trong âm sắc giọng nói của người đàn ông K'Ho có tuổi xấp xỉ bảy mươi mùa rẫy, người luôn đau đáu với di sản văn hóa tổ tiên. Già K’Diệp và đồng bào K'Ho nơi này đã rộng lòng đón nhận những sắc màu văn hóa các dân tộc anh em khi giữa xứ cao nguyên cổ của già bây giờ không chỉ có những người đồng tộc mà là nơi góp mặt anh em từ nhiều vùng quê khác tụ về. Vị già làng khả kính mời tôi Tết này về chơi buôn làng, sẽ được hòa mình trong những ngày hội cộng đồng đa sắc tộc ấm áp. Tôi nhận ra, không chỉ xứ Djiring của già K’Diệp mà ngày hội Xuân trên khắp cao nguyên bây giờ là sự hòa điệu của thập thình tiếng chiêng droòng cùng câu hát yalyau của người K'Ho, tiếng khèn mbuốt thấm lời giao tình lảhlong của người Mạ, đắm đuối tiếng đàn chapi Rắc Lây, âm thanh cồng Mường và khèn Mông dìu dặt. Thật thú vị, giữa cái nôi sử thi Tây Nguyên chợt da diết với những bài hát then trong giai điệu đàn tính miền rẻo cao Tây Bắc. Bước chân xòe Thái, bước nhảy sạp Mường cùng chung niềm cộng cảm với vòng xoang K'Ho rộng mở và điệu tămya phiêu lãng Churu…
Các nữ nghệ nhân Tày, thị trấn Phước Cát - Đạ Huoai hát điệu then mừng xuân |
Cao nguyên Lang Biang thuở trước là quê hương ngàn đời của những tộc người nói hai ngữ hệ Mon-Khơmer và Malayo Polynesia, nay là đất lành của cư dân nhiều vùng trong nước cùng về đây sinh sống. Khởi nguồn từ những cơ duyên lịch sử, hồi đầu thế kỷ trước người Việt khắp mọi miền đã “gánh cả tên xã, tên làng” vào với đất này. Họ là những người dân từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi quãng từ năm 1927 đã chọn cao nguyên làm quê mới. Họ là những nông phu thuộc tỉnh Hà Đông cũ đến đây từ những năm 1938-1942. Họ là những người xứ Thừa Thiên-Huế vào từ những năm 1930-1940. Đến sau ngày nước nhà thống nhất, miền núi rừng đất đỏ trên cao đã trở thành tổ ấm của người Việt trăm miền. Và cứ thế, người trước kẻ sau, những lưu dân dù đến với nơi này bằng con đường nào, bởi lý do nào thì họ cũng đã tụ cư thành làng, khai canh, lập vườn, sinh con đẻ cái. Miền đất tốt tươi dưới chân Trường Sơn Nam đã trở thành đất lành cho những cuộc lựa chọn an cư.
Tâm thức lưu dân cũng là nơi neo giữ sâu đậm những bản sắc văn hóa cố xứ. Những giá trị truyền thống như một mạch nguồn âm ỉ trong dòng chảy đời sống hằng ngày, mỗi khi có cơ hội thì dòng lưu thủy ấy trào tuôn làm ấm thêm sắc màu quê mới. Nó hiện hữu trong nết ăn điều ở, trong lối sống, ứng xử. Đặc biệt, năm tháng đi qua nhưng vốn văn nghệ dân gian vẫn được lưu giữ, trao truyền. Không mấy ngạc nhiên khi trên cái nền cốt cách đầy nội lực của văn hóa bản địa, sự góp mặt những sắc màu văn hóa từ mọi miền Tổ quốc đã tạo nên những cung bậc cảm xúc mới lạ, hòa điệu và hấp dẫn. Ở đâu đó trong hội Xuân này cộng đồng cư dân giữa xứ sở đại ngàn lại được sống cùng không gian đêm chèo Bắc Bộ mát rượi như thuở xưa sân đình và liền chị, liền anh lúng liếng làn điệu quan họ Kinh Bắc. Người duyên hải di trú bao năm giữa miền quê mới hoài nhớ về bản quán vẫn không quên điệu hò bá trạo siêu linh trong lễ Cầu Ngư, câu lý giao duyên trữ tình hay lớp tuồng kể chuyện xưa tích cũ. Những ngày đón Tết giữa đất trời cao nguyên, phong vị văn hóa mọi miền hội tụ như lấp lánh hơn, như tỏa sáng hơn.
Mấy chục năm nay, từ hành trình tìm đất hứa của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc vào với cao nguyên đã góp thêm và tạo nên một cộng đồng cư dân đa dạng. Sự xen cư giữa các sắc tộc là cơ hội diễn ra quá trình giao lưu, tiếp biến các yếu tố văn hóa, có biến động nhưng tiếp thu và hòa hợp. Những nét quý, điều hay của mỗi tộc người đã được sẻ chia, trở thành giá trị tốt đẹp chung khi nó mang tính cộng cảm và gieo nền thiện mỹ. Tôi đã từng ví nét đa dạng văn hóa trên xứ sở sơn nguyên phía Tây Tổ quốc hôm nay như “một tấm hoa văn đa sắc”. Sắc hoa văn ấy bừng lên rõ nhất trong những ngày Tết đến, xuân về. Ở xứ sở này bây giờ, khi đồng bào các dân tộc thiểu số tổ chức các lễ hội truyền thống thì người Kinh cùng hòa nhập chung vui. Tết Nguyên đán vốn là cái Tết Cổ truyền của người Kinh giờ đây đã trở thành ngày hội của cả cộng đồng. Trong những bữa cơm đón mừng năm mới giữa mỗi buôn làng hôm nay, ngoài những món ăn truyền thống của người Kinh, của đồng bào các dân tộc bản địa như xôi ống, thịt nướng, canh da trâu nấu với rau rừng và những chóe rượu cần thơm nức hương đại ngàn, đã có thêm những món ăn từ núi rừng phía Bắc như thắng cố, cơm lam, chẩm chéo, cá nướng và các loại rượu Mẫu Sơn, Sán Lùng hay Bắc Hà, Cốc Ngù…
* * *
Màu nắng dã quỳ vừa ngưng đọng trong ánh mắt những tâm hồn đa cảm cũng là lúc sắc thắm anh đào đã kịp bừng lên. Gió cao nguyên rạt rào thổi trên những rẫy lúa đang kỳ chắc hạt. Cà phê cũng đã tận mùa thu hoạch. Xuân sắp đến, Tết sắp về. Trong cái nắng hanh lạnh Tây Nguyên cô gái Mông theo cha mẹ từ miền sơn cước phía Bắc vào đây mấy mùa vừa phơi áo khăn rực rỡ sắc màu lên vách núi. Cách vài nương ngô, chàng trai Mạ lau khèn mbuốt cho một mùa Nhô rhe sắp tới. Những nam thanh Churu từ ruộng về còn vương mùi khói đốt đồng đã thập thùng tập vỗ nhịp chiêng sáu rnăm chờ ngày hội Hamamơkhi. Mấy thiếu nữ Tày lại rạo rực vấn khăn thử giọng điệu lượn slao báo chờ ngày tụ hội giao duyên bên thác Pongour. Mùa xuân trên cao nguyên Lang Biang bây giờ là mùa xuân đa sắc. Cái Tết ở nơi này cũng vậy, mang phong vị, bản sắc của nhiều dân tộc, vùng, miền. Bước chân tôi từng qua những núi gần rừng xa giữa đại ngàn của mối tình huyền thoại, và tự ngẫm, trên đất nước mình còn có bao nhiêu miền quê mà màu sắc văn hóa đón Tết, vui xuân đa dạng và phong phú như xứ sở này…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin