Nhà văn Lưu Vĩ Lân: Tôi cho rằng mình có ưu điểm khi viết rất công bằng với lịch sử

VÕ THU HƯƠNG (thực hiện) 06:23, 16/01/2025

Trước khi trở thành nhà văn, Lưu Vĩ Lân là một tên tuổi có tiếng trong làng báo. Đến muộn với văn chương nhưng anh khiến nhiều người nể phục về sức viết và chất lượng sáng tác của mình. Anh đã ra mắt bộ ba tiểu thuyết Nghiệp chướng, Mật đạo, Ngẫu tượng, và là tác giả của Ẩn tàng, Quỹ chủ. Cây bút tiểu thuyết này vừa đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ 3, anh có những chia sẻ cởi mở về nghề văn.

Nhà văn Lưu Vĩ Lân
Nhà văn Lưu Vĩ Lân

Sau khi được vinh danh tại Giải thưởng văn xuôi năm 2021 của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tiểu thuyết Nghiệp chướng (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Lưu Vĩ Lân tiếp tục được trao giải A - Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật năm 2021 của Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Mới đây nhất, tác phẩm này lại được vinh danh với Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 5 năm, lần thứ 3 (từ năm 2018-2022).

Theo nhà văn Trầm Hương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh: “Nghiệp chướng góp một tiếng nói thuyết phục vào tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc; giải ảo những giá trị mà nhiều người còn mơ hồ; giải mã những bí ẩn lịch sử Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh những năm đầu giải phóng, với bước chuyển mình đầy đớn đau của những tầng lớp tư sản, trí thức, cả thành phần được xem là tệ nạn xã hội trong nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, khẳng định giá trị con người”. 

TƯỞNG TƯỢNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT KỸ NĂNG MÀ LÀ THIÊN BẨM

- Chúc mừng anh tiếp tục được giải thưởng với tác phẩm Nghiệp chướng. Đối với anh, Giải thưởng Văn học nghệ thuật có quan trọng không?

Quan trọng chứ. Tôi nghĩ đó là một sự thừa nhận. Tôi nghĩ điều đó quan trọng đối với người viết văn bởi dù khi viết, mỗi người viết văn sẽ tự viết vì những thôi thúc bên trong mình nhưng giải thưởng lại là một sự thừa nhận và nó giúp nhà văn cảm thấy ấm áp hơn. Cá nhân tôi nghĩ mình may mắn khi có được nhiều giải thưởng.

Nếu anh cho là may mắn, có lẽ chỉ một hai lần đạt giải thưởng thôi chứ?

Đúng vậy. Có thể trong văn của tôi có cái nhìn hơi mới mẻ, không sáo mòn. Có lẽ là như vậy. Và dù như vậy, tôi vẫn nghĩ là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Đọc truyện của Lưu Vĩ Lân, cả độc giả lẫn giới chuyên môn đều đánh giá cao trí tưởng tượng trong tác phẩm. Anh có đánh giá cao về sự tưởng tượng trên trang viết?

Tôi cho rằng, tưởng tượng là điều quan trọng nhất đối với nhà văn. Trong tham luận vừa rồi trình bày tại Hội nghị những người viết văn trẻ, tôi đã chia sẻ với các bạn trẻ về sự quan trọng của trí tưởng tượng với người viết. Chúng ta không thể nhìn qua được một bức tường nhưng với sức tưởng tượng thì ta hoàn toàn có thể đi xuyên qua nó được. Chúng ta thậm chí có thể nhìn xuyên qua bầu trời để thấy một cõi khác nằm bên ngoài cõi mà chúng ta đang sống bằng trí tưởng tượng. Chỉ xuất phát từ sức tưởng tượng thôi mà rất nhiều thành tựu của nhân loại đã ra đời.

Đối với tôi, tưởng tượng luôn ở vị trí số 1, điều này không chỉ trên trang viết. Ngay từ bé, tôi là người thích tưởng tượng. Ngày xưa còn nhỏ, ở trong một trường Công giáo, tôi có thói quen ngồi tưởng tượng đủ thứ từ lúc lên 8, lên 9 tuổi và tôi đánh giá rất cao sức tưởng tượng.

Theo anh, làm sao để nhà văn nâng cao khả năng tưởng tượng trong công việc viết lách của mình?

Tôi nghĩ khả năng tưởng tượng không phải là một kỹ năng mà là thiên bẩm. Điều này không thể học được. Hoặc có thể nói đó là một sứ mệnh mà nếu một người sinh ra để làm việc nào đó cần có trí tưởng tượng thì họ sẽ được cấy vào trong mình sự tưởng tượng. Tôi không nghĩ có thể tập được sự tưởng tượng, hoặc nếu có thể thì cũng chỉ ở một mức nào đó mà thôi. Từ nhỏ, khi nhìn một sự vật, tôi có thể tưởng tượng được nó có thể khác đi hay không. Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao nó không như thế này mà lại như thế kia? Và quan trọng nhất là anh phải chìm vào một trạng thái gần như là thiền định vậy. Khi anh có thể chìm vào không gian đó, thì có thể cảm nhận được xung quanh mình vạn vật chuyển động. Thành ra tôi nghĩ đó là một thiên bẩm có sẵn. 

Thứ hai, tôi nghĩ, hãy dành cho mình một sự trống rỗng. Cần có một lối sống cô độc một chút, trầm tĩnh một chút xíu thì mới có sự trống rỗng trong lòng để sự tưởng tượng phát triển. Nếu trong đầu chỉ toàn những tính toán phải làm điều này, phải mua cái kia, phải xây cái nhà... thì sẽ không thể nào còn chỗ để tưởng tượng được. Điều này tựa như một bộ máy vi tính, nếu lưu giữ nhiều thứ game quá rồi sẽ không còn đủ chỗ trống để chạy những phần mềm quan trọng nữa. Chính vì thế, bên cạnh thiên bẩm luôn cần có một nếp sống phù hợp để tưởng tượng bay bổng. 

Thứ ba nữa, đòi hỏi một nền tảng kiến thức thật lớn. Muốn suy nghĩ cần phải có kiến thức, đó là điều đương nhiên. Nền tảng kiến thức ấy không chỉ nằm ở kiến thức thông thường, khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa mà rất cần có triết học. Trong tôn giáo còn gọi là thần học hay thiền học. Những kiến thức đó mới có thể giúp chúng ta nhìn vượt không gian này.

 

CẦN PHẢI CÓ TƯ TƯỞNG TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC

Bên cạnh sự tưởng tượng, chúng ta hay nói tới sự trải nghiệm với nhà văn. Anh nghĩ trải nghiệm có tầm quan trọng như thế nào?

Đương nhiên rồi, mọi thứ không tự nhiên mà sinh ra. Tôi nghĩ những nhà văn trẻ họ có khả năng bột phát cá tính của mình qua trang viết nhưng để có một tác phẩm lớn hay để đi dài hơi thực sự cần có một đời sống phong phú, cần phải có sự trải nghiệm thì mới đạt được. Nếu chỉ dựa vào những bản năng tự sinh ra thì rất khó.

Cá nhân tôi, không có trải nghiệm như những gì tôi đã sống thì khó có thể viết như trong Mật đạo, Ngẫu tượng, Nghiệp chướng. Tôi dựng được những câu chuyện, viết ra được như thế là vì tôi đã được ở trong một bối cảnh lịch sử rất kinh khủng vào những năm 60, 70 của chiến tranh Việt Nam. Tôi đã được chứng kiến tất cả những điều đấy. Hồi đó, chúng tôi không được học về chuyện chia đôi đất nước mà luôn tồn tại một câu hỏi rất buồn cười: Tại sao lại có hai nước Việt Nam? Tôi được trải nghiệm bắt đầu từ những sự lạ lùng ấy. Về sau, có một thầy giáo, có lẽ là nhà hoạt động cách mạng, ông bị thương, dạy chúng tôi và ông lấy cuốn từ điển tiếng Pháp chỉ vào đó nói: Đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh... Có hai người Việt Nam duy nhất thời điểm đó được ghi trong từ điển Pháp là vua Bảo Đại và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tôi tò mò bắt đầu tìm hiểu. Nếu không có những trải nghiệm thì tôi sẽ không viết được. Tôi ở Quảng Trị, cách Huế mấy chục cây số. Chiến tranh có tác động rất lớn đến cuộc sống của tôi và nhờ đó tôi viết được về vĩ tuyến 17, về mật đạo, Khe Sanh, về đường mòn Hồ Chí Minh, đường 9 Nam Lào, về những gì xảy ra trong cuộc chiến đó... vì những thông tin cuộc chiến dội về tôi mỗi ngày. Bạn bè tôi cũng sống ở những vùng đó và miền Bắc lúc đó là một nơi chốn xa vời mà tôi không thể tưởng tượng ra khi còn là thiếu niên mười mấy tuổi. Tất cả những điều đó có được là do trải nghiệm.

Ngoài trải nghiệm, tưởng tượng, cần yếu tố nào để có tác phẩm hay?

Tôi vẫn cho rằng, ngoài những tưởng tượng, trải nghiệm… tác phẩm văn học tồn tại được chỉ khi nó có một tầm tư tưởng hay tầm triết học trong đó. Nếu chỉ viết để kể ra một câu chuyện với những cảm xúc cá nhân, những tình cảm yêu đương thì đó vẫn chỉ là kể một câu chuyện chứ không thể có một tác phẩm. Đọc một tác phẩm, người đọc đòi hỏi cần phải có tư tưởng của nó, giá trị triết học của nó. Và chỉ những tác phẩm chạm tới điều đó mới giúp nâng tầm tác phẩm của mình lên.

Cuốn Mật đạo của tôi nhiều người thích bởi họ nói, khi đọc nó không chỉ là câu chuyện của lịch sử chiến tranh ở vĩ tuyến 17 nữa, dù tác phẩm đúng là viết về câu chuyện chiến tranh ở vĩ tuyến 17 - một gia đình tồn tại trong một khu rừng, sống bằng việc khai phá, rồi cuộc chiến tranh diễn ra... Thực sự, đó lại là câu chuyện của triết học và thần học. Con người đứng giữa vô biên, họ luôn đi giữa cuộc sống của đô thị và một cánh rừng. Và giống như việc con người luôn đi ở trên lề - bước bên này là đời thực, bước bên kia là đời ảo, sống bập bênh giữa hai thế giới. 

Để thấu hiểu được những điều này, đòi hỏi cần phải học nhiều, đọc nhiều. Ngoài đọc sách văn chương, tôi còn đọc cả những bộ Thánh Kinh, cả sách của bên Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo... Cho nên khi tôi viết về Mật đạo, Ngẫu tượng hay khi viết về người Mỹ thì đó đúng là suy nghĩ của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam chứ không phải người Việt Nam nói, người Việt Nam nghĩ. 

Quan trọng nữa là người viết cần phải công bằng với lịch sử. Người viết cần có cái nhìn khách quan, trung thực trong sự ghi nhận ấy. Tôi nghĩ có rất nhiều sự thật tồn tại. Sự thật của tôi khác với sự thật của anh, khác với sự thật của người khác. Khi nhìn một hiện tượng lịch sử, anh không thể nhìn theo cách của “thầy bói xem voi”, không thể nhìn một góc của lịch sử hay một góc của sự thật mà phải chấp nhận có nhiều sự thật tồn tại. Vì thế cần phải hết sức công bằng với lịch sử, và tôi cho rằng mình có ưu điểm khi viết rất công bằng với lịch sử.

Một nền văn chương phát triển, theo tôi không cần có những văn sĩ chỉ viết những điều bay bướm. Anh cần phải đưa được cho tôi tư tưởng anh muốn nói đến cái gì. Nhà văn để viết được tác phẩm không chỉ đơn giản là kể một câu chuyện. Họ cần có ý thức phải vươn tới tầm một nhà tư tưởng mới có thể viết được. Tôi không dám nói tôi đạt tới điều đó, nhưng phải luôn cố gắng, phải luôn giữ một thái độ, một khái niệm về tầm tư tưởng rất rõ ràng.