Uống mừng lúa mới - Tết Cả của người Mạ

TRỊNH CHU 03:07, 14/01/2025

Thường thì sau khi cót thóc đã được bịt chặt, nghĩa là vụ lúa đã thu hoạch xong, thóc đã mang về kho, người Mạ sẽ tổ chức nghi lễ uống mừng lúa mới để tạ ơn Yàng. Quy mô lễ to hay nhỏ, dài ngày hay ngắn ngày, tùy thuộc vào sản lượng thóc của vụ mùa đó nhiều hay ít.

Đông đảo người Mạ ở xã Lộc Tân tham dự tái hiện Nhô Rhe
Đông đảo người Mạ ở xã Lộc Tân tham dự tái hiện Nhô R'he

Trước kia, người Mạ chỉ tiến hành việc Nhô R’he (Uống mừng lúa mới) trong phạm vi gia đình, rộng nữa thì cũng chỉ ở phạm vi dòng tộc. Nhô R’he diễn ra ngay tại khoảnh ruộng của gia đình. Dân bon ai muốn góp vui thì mang tới một ít gạo, ít rượu để chung vui cùng gia chủ. Theo dòng chảy thời gian, cùng sự phát triển xã hội, phạm vi tổ chức Nhô R’he của người Mạ đã mở rộng ra phạm vi cả bon”, ông K’Mák - một nghệ nhân người Mạ, chia sẻ.

Theo ông K’Mák, vì là cái Tết Cả của cộng đồng nên người Mạ đặt rất nhiều tâm sức vào công tác tổ chức, từ việc coi sóc ngày giờ tốt đến việc chuẩn bị các lễ vật, từ việc quyết định mỗi gia đình sẽ đóng góp bao nhiêu thóc đến việc phân công nhiệm vụ cho từng gia đình, từ cắt cử thanh niên đi rừng tìm cây làm cây cột lễ đến chọn ra chàng trai sức vóc để thực hiện nghi thức hiến sinh, từ khâu làm nhà cúng Yàng đến khâu mời khách khứa... Tất cả mọi việc đều được già làng tính toán kỹ lưỡng để có sự sắp xếp phù hợp. Tới ngày tốt đã ấn định, mọi nhà trong bon hoan hỉ kéo nhau đến địa điểm tổ chức Nhô R’he, rồi mỗi người mỗi việc, tất bật lo liệu mọi thứ cần thiết để cúng Yàng, cũng như để đãi đằng mọi người. 

Tờ mờ sáng hôm ấy, các cô gái Mạ chọn mặc những bộ váy áo đẹp nhất, các chàng trai Mạ cũng tinh tươm trong bộ khố phô bày sự khỏe khoắn, người già Mạ thì chu chỉnh trong những bộ lễ phục để dự lễ. Nhô R’he là dịp để đàn ông Mạ thể hiện sự khéo tay qua việc chế tác cây cột lễ, dựng ngôi nhà cúng Yàng. Phụ nữ Mạ cũng không chịu kém cạnh đàn ông Mạ, bằng việc trổ tài nấu nướng, thu vén chuyện trong - ngoài. “Trước khi tiến hành nghi lễ lơh Yàng (cúng Yàng), già làng sẽ ngó qua một lượt không gian thiêng coi các lễ vật cúng Yàng (gồm cây cột lễ, ngôi nhà cúng Yàng, gà, rượu cần, cơm, muối, rau, cá suối...) được xếp chung quanh cây cột lễ đã đầy đủ chưa? Sau đó, già làng thổi 3 hồi tù và báo với Yàng hôm nay dân bon mở hội, khấn nguyện Yàng đoái mắt coi sóc cuộc sống của người dân và nhận lãnh những lễ vật dân bon dâng lên Yàng”, ông K’Brèm - một nghệ nhân người Mạ, cho biết. Tiếp theo, già làng thực hiện nghi thức hiến sinh: cắt tiết con gà trống, rồi dùng máu của nó bôi lên cây cột lễ, ngôi nhà cúng Yàng, mặt chiêng, trán các thành viên dự lễ và những vật dụng sinh hoạt, sản xuất... Già làng tiếp tục xin Yàng cho hạ dàn chiêng, rồi trao từng chiếc chiêng cho các thành viên. Tiếng chiêng từ đôi tay của những chàng trai Mạ rộn ràng vang lên, hòa cùng vũ điệu xoang uyển chuyển của các cô gái Mạ. Già làng khai ché rượu cần dâng lên Yàng, sau đấy vít cong cần rượu mời khách cùng uống. Phụ nữ Mạ nồng nã trao những chuỗi cườm, vòng đồng cho khách như những vật lưu niệm của tình kết giao. Mọi người đều vui vẻ nhảy múa quanh đống lửa, trong tiếng chiêng ngân dài, vòng xoang cứ thế thêm rộng, trong chếnh choáng men rượu, say...

Theo ông Nguyễn Tấn Minh - Quyền Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm, việc Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, cùng UBND huyện Bảo Lâm tái hiện lễ Mừng lúa mới tại xã Lộc Tân không chỉ góp phần giới thiệu, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mạ, còn để khẳng định sức sống của nguồn lực nội sinh trong đời sống đương đại, qua đó tôn vinh bản sắc văn hóa của người Mạ.