Đang giữa mùa xuân, trong khi nhiều người lựa chọn ngày nghỉ cuối tuần để nghỉ ngơi, thư giãn bằng các chuyến du xuân, trẩy hội thì cô giáo đồng nghiệp chọn cách đưa gia đình nhỏ của mình về quê với ông bà, rồi cùng nhau thu hoạch trái bồ kết rất vui vẻ. Nhìn hình ảnh được chia sẻ trên facebook, tôi vừa thích thú vừa bồi hồi nhớ lại loài cây trái mà mình từng gắn bó. Đó là bồ kết bình dị ở chốn quê xưa.
Ảnh minh họa: Internet |
Ngày trước, ở thôn quê, bồ kết mọc nhiều nơi vườn hoang, bãi soi tre, hoặc gò đất rộng. Thật tình, đối với tuổi thơ, chúng tôi không thích thú gì loại cây này vì chúng nhiều gai và không ăn được trái. So với ổi, xoài, mận, vú sữa, đào lộn hột... thì bồ kết chẳng thú vị tí nào với bọn trẻ. Cây cao, tán rộng, gai nhiều chi chít, dù trái lủng lẳng từng chùm nhưng không ăn được nên đâu có đứa nào để ý. Ngay cả như cây keo, dù gai cũng nhiều nhưng khi trái chín là bọn nhỏ tập trung dưới gốc, í ới gọi nhau tìm sào tre để khèo hái. Riêng bồ kết xù xì, gai góc, đứng chiếm diện tích làm rập vườn, ảnh hưởng đến hoa màu nên người ta cũng ít trồng. Có chăng, chỉ là một vài cây mọc hoang cuối vườn, đầu bãi hoặc đứng giữa hàng rào để làm ranh giới. Bồ kết vẫn lặng lẽ, trầm ngâm, ra hoa, kết trái, qua bao mùa mưa nắng.
Thế nhưng, với các bà, các mẹ và chị em gái thì bồ kết thân thiết, thắm tình. Tôi nhớ cây bồ kết rất to của nhà ngoại, đứng sát bụi tre cạnh chuồng bò, cây ra hoa vào cuối hè sang thu nhưng không mấy ai để ý, đến khi trái chín đen từng chùm vào khoảng đầu xuân là bà ngoại, các dì, các chị cùng nhau khèo hái để dành nấu nước gội đầu. Cây bồ kết có sức sống mãnh liệt, chịu được khô hạn, cành nhánh sum suê nên cho trái nhiều. Bồ kết được thu hái, lựa chọn, làm sạch bằng cách loại bỏ trái sâu, trái lép rồi phơi khô để bảo quản được lâu. Dưới ánh nắng xuân vàng tươi ấm áp, bên góc sân hiên nhà, bà ngoại và dì Tám đặt vào trong mấy chiếc rổ, sàng, nia từng chùm bồ kết chín để hong phơi rồi chia cho mấy chị em. Nhìn cách nâng niu, chăm chút cẩn thận đó, tôi hiểu là bà và dì yêu quý bồ kết lắm. Mùi hăng hắc, nồng nồng của bồ kết như còn quanh quẩn mãi bên sân.
Thuở chưa có nhiều dầu gội như bây giờ, bồ kết không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhất là nhà có đông chị em gái. Nhìn vẻ ngoài xù xì, cong queo, đen đúa nhưng khi đập dập ra, cho vào nước đun sôi lên là có được thứ nước vàng ươm, sóng sánh, thơm tho đến diệu kì. Bồ kết có mùi hăng, nồng cay hơi khó chịu nhưng khi nấu nước lại cho mùi thơm thoang thoảng, dịu dàng và nồng nàn, lưu hương. Dùng nước bồ kết gội tóc vừa sạch gàu, vừa cho mái tóc đen dài óng mượt. Chẳng thế mà trái bồ kết trở thành thứ quà quê dân dã, được các chị em biếu tặng, san sẻ cho nhau và cất giữ như của để dành.
Tuổi thơ tôi đầu trần chân đất, hết ruộng đồng rồi chạy dọc bờ sông, tóc tai khét mùi đất bùn mưa nắng, chẳng phai màu rơm rạ chốn quê xưa. Mỗi buổi chiều về, mẹ nấu nồi nước bồ kết, bỏ thêm vào vài lá dứa, lá chanh, lá bưởi, pha thêm ít nước lạnh cho vừa ấm để gội đầu. Lạ thay, mái tóc đang dơ, bết đầy bùn đất, dính lại thành cục, vậy mà khi gội thứ nước vàng tươi sóng sánh ấy là bung rời ra từng sợi, sạch sẽ, thơm tho lạ kì.
Thập niên 80, 90 của thế kỉ trước, dầu gội vẫn là thứ hàng hóa xa xỉ với người dân ở quê tôi. Hầu như mọi người gội đầu chỉ bằng nước bồ kết và các loại lá cây kết hợp. Vậy mà tóc vẫn cứ thướt tha, đen dài, bóng mượt. Hình ảnh các cô gái quê thường gội đầu, chải tóc bên hiên nắng, mái tóc dài óng ả, tỏa ra mùi hương thơm của bồ kết, hoa bưởi, lá chanh đã từng khiến cho bao chàng trai ngẩn ngơ, say đắm.
Có những thứ ngủ vùi trong kí ức, sớm mai xuân bỗng thức dậy bên lòng, mái tóc dài và mùi hương bồ kết, chưa bao giờ thôi tha thiết nhớ mong. Giữa cuộc mưu sinh vội vã nhọc nhằn, một phút lắng lòng khi gặp lại hình ảnh dấu yêu xưa cũ. Nhắn gọi cô em để dành cho tôi một ít bồ kết với mong muốn tìm lại chút hương quê!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin